Di sản tư tưởng mà Người để lại cho đất nước, cho Nhân dân vô cùng vĩ đại. Những câu chuyện ý nghĩa, những di huấn thiêng liêng mà Người để lại cho toàn đảng, toàn dân, đặc biệt cho quê hương Nghệ An vẫn luôn là kim chỉ nam, là những bài học quý cho các thể hệ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân học tập, làm theo. Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS-TS Hoàng Chí Bảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu Danh nhân Việt Nam, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về Chủ tịch Hồ Chí Minh để hiểu rõ hơn tình cảm mà Người dành cho quê hương Nghệ An, nền tảng cốt lõi để tạo nên những giá trị tư tưởng, văn hóa và phong cách Hồ Chí Minh.
Nhà báo Thanh Huyền: Thưa GS, TS Hoàng Chí Bảo! Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, nhưng gần như trọn cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh bôn ba tìm đường cứu nước và lo cho nước, cho dân, thời gian Người sống gắn bó với quê nhà rất ít, thế nhưng một điều đặc biệt là trong con người Bác, chất Nghệ, cốt cách Nghệ lại rất đậm nét. Theo Giáo sư, vì sao?
GS-TS Hoàng Chí Bảo: Đây là một câu hỏi rất tinh tế về văn hóa. Chúng ta đều biết quê nội của Bác là làng Sen, quê ngoại của Bác là làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Từ thuở ấu thơ Bác sống ở quê, trong tình thương yêu, đùm bọc của nội ngoại, làng xóm láng giềng. Tất cả những người thân yêu đã để lại cho Bác một ấn tượng cực kỳ sâu sắc. Dù chỉ ở Nghệ An thời thơ ấu, rồi từ đó vào Huế, và đến tuổi thanh niên Bác đi tìm đường cứu nước, nhưng kí ức tuổi thơ luôn là khoảng thời gian in đậm nhất trong Bác. Là người Nghệ An nhưng Bác lại là người của cả nước, nhất là khi đã trở thành lãnh tụ, ở vị trí Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Bác là của toàn dân tộc. Bác đi rất nhiều nơi, thế nhưng không bao giờ quên được cốt cách xứ Nghệ, bởi Bác sinh trưởng trong một gia đình nhà nho. Cha của Bác là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, ông dạy Bác tiếng Hán từ lúc còn thơ ấu. 3 tuổi, 5 tuổi Bác đã thành thạo tiếng Hán. Cốt cách xứ Nghệ của Bác đã được chuẩn bị sẵn từ cái nôi văn hóa ở quê hương xứ sở. Và nhất là phẩm cách của những thế hệ ông cha, những người thân thiết, kể cả bạn bè cùng lứa cùng thời với Bác cũng để lại cho Bác những kỷ niệm rất sâu đậm. Vì vậy, đi tìm đường cứu nước suốt 30 năm, qua các miền Á, Âu, Phi, Mỹ, gần như qua tất cả các vùng, lãnh thổ (trên 30 nước và lãnh thổ khác nhau), khi trở về quê ở Pắc Pó - Cao Bằng, rồi sau này có dịp về thăm quê, không bao giờ Bác quên được hình ảnh những người dân xứ Nghệ quê hương mình.
Tôi lấy một số ví dụ để ta hiểu cốt cách xứ Nghệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về thăm quê, thấy người dân ăn nhiều kẹo Cu đơ, Bác phê bình: “ăn ít thôi, để dành lạc mà xuất khẩu”. Đây chính là cốt cách tiết kiệm của người xứ Nghệ.
Đại tá Hà Văn Lâu, người Huế, suốt đời là trưởng phái đoàn quân sự trong hiệp định Giơ-ne-vơ. Hiệp định ghi là 2 năm thì xong, nhưng cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam kéo dài mãi 21 năm. Trong một lần trò chuyện với Bác, Đại tá Hà Văn Lâu có hỏi: Thưa Bác, tình hình này thì bao giờ mới xong hả Bác? Bác trả lời ngay: “Tên của chú là Lâu cơ mà”. Đó chính là cốt cách xứ Nghệ. Bác chơi chữ rất hóm hỉnh và thâm thúy. Hay là trong một hội nghị rất quan trọng của ngành Tư pháp, có người hỏi: Thưa Bác, ngành Tư pháp phải làm gì để gần dân? Bác nói: “Muốn gần dân thì đừng có xa dân, có thể thôi”. Đó là đối chữ, là cốt cách của người xứ Nghệ.
Thế nên trong tất cả mọi điều, trong vô vàn ứng xử và ngôn ngữ của Bác cho thấy Bác giữ được cốt cách xứ Nghệ đến mức độ lí tưởng. Dù Bác đi xa mấy chục năm và mỗi một lần về thăm quê là một lần bồi hồi, và dù chỉ về có 2 lần thôi nhưng đầy ắp những kỷ niệm thân tình với bà con hàng xóm, với tất cả mọi người thân yêu, với đồng bào đồng chí. Vì Bác là của toàn dân, và Bác mang hình ảnh xứ Nghệ thông qua Bác đến tất cả mọi miền đất nước. Điều này là điều vô cùng tinh tế về văn hóa Hồ Chí Minh mà chúng ta phải suy ngẫm, thấm thía, học Bác và hành động, làm theo Bác
Nhà báo Thanh Huyền: Tính từ năm 1906, tức là hơn 60 năm rời quê hương, nhưng Người chỉ có 2 lần về thăm quê. So với nhiều địa phương khác thì số lần đó rất ít ỏi. Tôi được biết có những địa phương Bác về thăm đến 9,10 lần, thậm chí như Bắc Ninh Bác về thăm đến 18 lần. Điều này nên lí giải thế nào, thưa GS?
GS-TS Hoàng Chí Bảo: Đây cũng là câu hỏi nhiều người rất quan tâm. Chỉ tính riêng 10 năm cuối đời, tức là từ năm 1960 đến năm 1969, Bác đến với các tầng lớp Nhân dân 700 lần và ở khắp mọi nơi miền Bắc (vì hoàn cảnh chiến tranh, đất nước chia cắt, miền Nam Bác chưa đi được bao nhiêu). Bác về tỉnh Hưng Yên 10 lần, về Hải Phòng 9 lần, về Vĩnh Phúc 8 lần. Đặc biệt, Bắc Ninh xứ sở dân ca quan họ, Bác về tới 18 lần, đó là địa phương Bác về nhiều nhất. Riêng Nghệ An, Bác về được 2 lần thôi. Đó là vào tháng 6 năm 1957 và tháng 12 năm 1961, lúc Bác 71 tuổi. Chỉ có 2 lần thôi nhưng đầy ắp tình cảm quê hương. Chúng ta không nên suy nghĩ đơn giản là ít lần về thì Bác có ít tình cảm với quê hương. Bác là người chịu trách nhiệm cho số phận của cả dân tộc, chăm lo cho tất cả mọi người. Cuộc đời của Bác có thể nói là một pho sử đầy ắp kinh nghiệm, vốn sống và nhiều điều mà ở Bác đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống. Chính vì thế trong bức thư Bác gửi cho người dượng và người cậu của Bác, ông Hoàng Phan Kính và ông Trần Lê Hữu (vì 2 ông gửi thư cho Bác năm 1949 khi đang kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc có ngỏ ý trách Bác ít quan tâm đến quê hương), Bác nói: “Tôi không phải vô tình, chỉ vì việc nước mà phải hy sinh việc nhà, tôi chưa có điều kiện viết thư và chưa về thăm được không phải vì không có tình cảm với quê hương”. Bác đặt quê hương trong cả nước, Bác có trách nhiệm với cả nước. Càng yêu nước bao nhiêu thì càng yêu quê hương sâu nặng bấy nhiêu. Một điểm nữa, Bác ít về quê hương vì bận rất nhiều công việc, nhưng để bù lại Bác có rất nhiều lần gửi thư cho cán bộ, đồng bào, chiến sỹ tỉnh nhà. Ngay sau cách mạng Tháng 8 thành công, Bác liền có thư gửi các đồng chí tỉnh nhà. Trong những bức thư đó, Bác vừa góp ý sửa chữa khuyết điểm, vừa động viên khích lệ những việc mà cán bộ, Nhân dân đã làm được.
Có thể nói, dù cách xa về mặt địa lý nhưng không một phút nào Bác xa quê, không một phút nào Bác không gắn bó với đồng bào cả nước và Nhân dân, và Nghệ An luôn luôn ở trong cuộc sống tâm hồn, tinh thần của Bác, như là điểm xuất phát máu thịt.
Nhà báo Thanh Huyền: Vâng, đúng như GS nói, dù chỉ hai lần về thăm quê, nhưng điều đó cũng không nói lên rằng tình cảm của Bác dành cho quê hương ít đi. Quê hương thì Bác có cách thức thể hiện và biểu đạt tình cảm rất riêng, đó là viết thư. Vây, là một người nghiên cứu rất sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS nghĩ thế nào khi Bác chọn thư để biểu đạt tình cảm của mình với các tầng lớp Nhân dân và cả bạn bè quốc tế ?
GS-TS Hoàng Chí Bảo: Toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh, và nói rộng hơn là di sản Hồ Chí Minh được kết tinh trong tác phẩm chính luận, báo chí, văn học, nghệ thuật. Vì tài năng của Bác rất đa dạng, thể hiện ở trên nhiều phương diện. Nhưng thư từ là một hình thức thể hiện tình cảm tư tưởng của Bác rất độc đáo. Ta chưa có công trình nào nghiên cứu thấu đáo về vấn đề này, nhưng đây là một lĩnh vực rất đáng nghiên cứu. Bác có thư cho thiếu niên nhi đồng, thanh niên, phụ nữ, TNXP, công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sỹ, nhà báo, cả các nhà buôn (doanh nhân)… Ngày Bác gửi thư cho thương gia bây giờ trở thành ngày doanh nhân Việt Nam (13/10), và rất nhiều ví dụ tương tự như vậy. Bác có thư cho tù binh, thư cho bạn bè quốc tế. Rất nhiều đối tượng được Bác viết thư.
Thư là một hình thức biểu đạt tình cảm, là một hình thức giao tiếp tinh thần. Với Nghệ An, bù đắp lại cho số lần ít ỏi Người về thăm là rất nhiều bức thư Bác gửi cho Tỉnh ủy, cho các tầng lớp Nhân dân, cho người dân và hàng xóm láng giềng khi có sự kiện đặc biệt, hay vào các dịp lễ tết. Trong thư ngoài biểu đạt tình cảm riêng của Bác với cán bộ Nhân dân tỉnh nhà, Bác cũng khéo léo và tinh tế để chuyển tải cho chúng ta những nhiệm vụ chính trị. Với Nghệ An, đến những ngày cuối đời, không thể trở về thăm quê lần nữa trước lúc đi xa, Bác vẫn không quên gửi thư cho BCH Đảng bộ tỉnh. Trong bức thư cuối cùng đó và cũng coi như là di chúc Người dành riêng cho quê hương, Người vẫn mong Nghệ An phải phấn đấu trở thành tỉnh khá của vùng …
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người rất giản dị. Vĩ nhân nhưng rất đời thường, giản dị gần gũi không một chút xa cách. Cho đến bây giờ đọc lại bức điện Bác gửi ngày ông Cả Khiêm mất, tôi vẫn còn bùi ngùi xúc động: “Nghe tin anh cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau ốm, tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế, tôi không thể lo liệu. Than ôi, tôi chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và mong bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”
Phải nói rằng, thư là một hình thức biểu đạt rất độc đáo của Bác và cũng là phong cách của Hồ Chí Minh.
Nhà báo Thanh Huyền:: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một danh nhân văn hóa, Người rất quan tâm và chú trong vấn đề phát huy và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, và mới đây thôi, tại Hội nghị văn hóa Toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có khẳng định: “văn hoá còn thì dân tộc còn”. Vây chúng ta nên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như thế nào, nếu tiếp cận ở góc độ văn hoá, thưa GS?
GS-TS Hoàng Chí Bảo: Năm nay chúng ta có một sự kiện rất cảm động. Ngày 24/11 cách đây 3/4 thế kỷ, tức là 75 năm, 24/11/1946, lúc bấy giờ chiến tranh xâm lược của Pháp đã đến rất gần. Hà Nội đã căng thẳng mịt mù khói lửa. Bác vẫn làm chủ tình thế và hoàn cảnh, Bác vẫn đủ ung dung và bản lĩnh đến tận nhà hát lớn của Thành phố Hà Nội, nơi diễn ra Đại hội văn hóa Toàn quốc gặp gỡ văn nghệ sỹ, gặp gỡ giới báo chí, tức là gặp gỡ văn hóa. Và Bác đọc một bài diễn văn nổi tiếng đi vào lịch sử: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Bác nói: “Nền văn hóa mới Việt Nam phải lấy hạnh phúc của Nhân dân và của dân tộc làm cơ sở. Nền văn hóa mới Việt Nam phải có khả năng tiếp thu được những cái tốt, cái hay của các nền văn hóa thế giới. Văn hóa Việt Nam phải đủ sức chống lại thói phù hoa, xa xỉ và tham nhũng”. Văn hóa phải là động lực, là mục tiêu rất quan trọng. Bây giờ để làm cho văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi”, là động lực, là mục tiêu phát triển và thực hiện được thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây là: “Văn hóa còn thì dân tộc, đất nước còn” thì chúng ta phải làm rất nhiều việc:
Thứ nhất, quan trọng nhất theo tôi là phải thấm nhuần cho được tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là những giá trị văn hóa. Bác là một nhà văn hóa lớn, một danh nhân văn hóa, Bác có tầm nhìn xa trông rộng và luôn nâng niu giá trị con người. Suốt đời Bác chống chủ nghĩa cá nhân như một thứ giặc nội xâm nhưng không bao giờ xem nhẹ cá nhân. Bác căn dặn chúng ta là “phê bình việc chứ không phê bình người”, tức là không xúc phạm nhân cách một ai cả. Hai nữa là phải làm cho cái hay cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân, cái xấu cái dở mất dần đi. Bởi vì ở đời “nhân vô thập toàn” ai cũng có cái hay và cái dở, ai cũng có cái xấu cái tốt, cho nên chống chủ nghĩa cá nhân - giặc nội xâm là chống suốt đời, nhưng mà không vì chống chủ nghĩa cá nhân mà dày xéo lên cá nhân. Đấy là chỉ dẫn cực kỳ sâu sắc và tinh tế của Bác, nếu chúng ta học và hành phiến diện, giáo điều, duy ý chí thì rất dễ mắc sai lầm. Bây giờ muốn làm cho sức mạnh văn hóa lan tỏa được thì trước hết phải nhận thức cho đúng về văn hóa, tức là chân thiện mỹ. Mà cốt cách của văn hóa, gốc của văn hóa là đạo đức. Bác coi đức là gốc, tài là quan trọng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, nhưng có tài mà không có đức thì nguy hiểm, có thể trở thành hư hỏng, tội lỗi. Vì vậy, phải thấm nhuần những quan niệm của Bác về đạo đức, về tư tưởng, về văn hóa để chủ động xây dựng nền văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam.
Thứ hai, chúng ta vận dụng ngay tư tưởng của Đảng tại Đại hội XIII. Lần đầu tiên, văn kiện đại hội đảng đề cập đến vấn đề xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam và lấy gia đình làm nền tảng. Tất cả những điều này đã có hết trong tư tưởng, di sản của Bác. Bây giờ chúng ta phải vận dụng một cách sáng tạo thôi. Bác nói: Độc lập – Tự do – hạnh phúc, phải chăng đó là một gợi ý sâu sắc của Bác về vấn đề giá trị dân tộc và quốc gia. Có một lần nhà báo hỏi Bác “Chủ tịch thấy điều gì là quan trọng nhất”. Bác trả lời: “Độc lập cho tổ quốc tôi, tự do cho dân tộc tôi, hạnh phúc cho đồng bào tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu”. Nên có thể hiểu sâu sắc và cao xa hơn: Độc lâp – Tự do – Hạnh phúc chính là giá trị văn hóa, là chân thiện mỹ, là khoa học là đạo đức nghệ thuật mà Bác là một biểu tượng mẫu mực nhất. Và đó cũng chính là văn hóa trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ ba, muốn xây dựng văn hóa, muốn phát triển văn hóa, để văn hóa còn thì dân tộc trường tồn, phải sớm nhận ra những nhân tố đối lập. Tức là những cái thuộc về phản văn hóa. Muốn có văn hóa phải chống lại cái phản văn hóa. Phản văn hóa tồi tệ nhất hiện nay chính là tham nhũng, mà bao nhiêu năm nay Đảng ta gọi là quốc nạn, và bây giờ đảng ta đã quyết tâm chống bằng được tham nhũng. Bác nói “tẩy sạch quan liêu và tham nhũng để làm đảng trong sạch và vững mạnh thì dân mới tin tưởng được”. Dân tin là tài sản vô giá của Đảng. Mà sự hài lòng của người dân là thước đo quan trọng nhất về năng lực, phẩm chất cán bộ. Tức là văn hóa đã thấm nhuần vào thực tiễn công tác của mỗi người, mỗi tổ chức. Tôi cho rằng chống tham nhũng triệt để, làm Đảng trong sạch vững mạnh cũng cố mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân đấy là cái giá trị cốt lõi của văn hóa chính trị, một thành tố quan trọng của văn hóa nói chung mà chúng ta phải phát triển. Chính vì thế nên bây giờ phải làm thế nào để thực hiện cho bằng được điều mong muốn cuối cùng của Bác trong di chúc đó là “một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào cách mạng thế giới”. Nếu thực hiện được tất cả các điều ấy tức là thỏa lòng mong ước và khát vọng cả đời của Bác, đồng thời đó cũng chính là sức mạnh hiện thực của văn hóa. Bởi vì dân là chủ thể, dân là sáng tạo ra văn hóa, dân cũng là người tiêu dùng, cảm thụ văn hóa. Nên phải đưa các giá trị đó về với Nhân dân bằng cách của họ.
Chúng ta đều biết, những ngày đầu mới độc lập, năm 1946, chính thể cộng hòa dân chủ mới ra đời, thù trong giặc ngoài, vận nước ngàn cân treo sợi tóc, di sản mục nát thực dân đế quốc để lại rất nặng nề, cả nước quốc khố chỉ còn 1 triệu đồng bạc đông dương rách nát không tiêu được, 2 triệu người chết đói, 95% dân số mù chữ, thế nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nêu cao khát vọng: Dân tộc Việt Nam nhất định phải trở thành một dân tộc thông thái và xây dựng xã hội Việt Nam là một xã hội văn hóa cao (văn hóa cao chứ không phải học vấn, văn hóa cao hơn học vấn nhiều). Đó chính là những di sản tư tưởng Người để lại cho chúng ta. Nếu thực hiện được như vậy sẽ xây dựng được một xã hội văn minh, tốt đẹp, hiện đại đúng như mong muốn của Đảng, của toàn dân và đúng với khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhà báo Thanh Huyền: Vâng! Xin chân thành cảm ơn GS- TS Hoàng Chí Bảo đã chia sẻ những nghiên cứu sâu sắc và ý nghĩa về Chủ tịch Hồ Chí Minh.