xx-1679056042.jpg
Dự án cấp nước sạch cho một số xã ở huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) dù đã hoàn thành gần 2 năm nhưng vướng thủ tục chưa thể bàn giao. Ảnh: Trần Tuấn

Ông Trần Văn Hóa - Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Hà Tĩnh - cho hay, hiện nay vướng mắc trong quy định tiếp nhận công trình nước sạch ở tỉnh Hà Tĩnh đang xảy ra với dự án cấp nước sạch ở huyện Lộc Hà, tới đây sẽ là Hương Khê và một số huyện khác với các công trình, hạng mục có tổng vốn đầu tư khoảng 700 tỉ đồng.

Theo ông Hóa, với dự án cấp nước sạch ở huyện Lộc Hà, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định tạm thời giao cho Công ty Cổ phần Cấp nước Hà Tĩnh tiếp nhận, đồng thời đang giao Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham khảo ý kiến bộ, ngành Trung ương có hướng tháo gỡ vướng mắc.

Cụ thể, ông Hóa dẫn Nghị định 32 nêu, Nhà nước không đầu tư lĩnh vực nước sạch vào các công ty cổ phần, mà Công ty Cổ phần Cấp nước Hà Tĩnh là công ty cổ phần nên không tiếp nhận tài sản là công trình, dự án nước sạch từ ngân sách nhà nước đầu tư được.

Với quy định đó, ông Hóa cho rằng, có bất cập vì tài sản công trình nước sạch nhà nước đã đầu tư sẽ vướng không giao được cho doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm về quản lý, vận hành cấp nước. Bởi giao về cho UBND các xã quản lý thì các xã không có chuyên môn về quản lý, vận hành cấp nước.

“Nước sạch thì giao cho công ty cấp nước quản lý, vận hành là hợp lý nhất vì nó đúng ở mọi khía cạnh, nhất là về năng lực, chuyên môn” - ông Hóa chia sẻ.

Theo ông Hóa, hiện đã có Nghị định 43 năm 2022 quy định Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch theo hướng có thể giao cho doanh nghiệp có vốn Nhà nước hoặc UBND các xã quản lý vận hành nhưng hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Giám đốc Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh còn chia sẻ thêm, bất cập hiện nay ở Hà Tĩnh là đối với nước sạch có 2 đơn vị vận hành. Theo đó, nước sạch đô thị và vùng phụ cận do Công ty CP Cấp nước vận hành; nước sạch nông thôn lại được quản lý, vận hành bởi Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh.

Trong khi có tỉnh chỉ giao cho một công ty cấp nước quản lý, vận hành mà không phân biệt đô thị hay nông thôn, vùng sâu, vùng xa gì cả.

“Đối với lĩnh vực nước sạch nên thống nhất giao cho một đơn vị chuyên nghiệp nhất là nước sạch đô thị quản lý, vận hành” - ông Hóa nói.

Nói về vướng mắc trong bàn giao công trình cấp nước ở huyện Lộc Hà, ông Phạm Xuân Lương - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh - cho hay, theo Thông tư số 76 năm 2017 của Bộ Tài chính giao đơn vị tiếp nhận quản lý dự án phải là doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước và có chuyên ngành về cấp nước.

Trước đây, dự án đã tính bàn giao cho Công ty Cổ phần Cấp nước Hà Tĩnh nhưng sau công ty này lại cổ phần hóa, không còn 100% vốn nhà nước nữa nên bị vướng.

Bây giờ có Nghị định 43 ra đời nhưng lại chưa có thông tư hướng dẫn mà theo nghị định mới thì vẫn giao cho doanh nghiệp Nhà nước, hoặc cơ quan nhà nước như các UBND xã nhưng các xã năng lực quản lý, vận hành nước sạch không có nên lại vướng.

Theo Trần Tuấn - laodong.vn