gh-1679030553.png
Phối cảnh dự án nhà ở xã hội cho công nhân của Công ty địa ốc Kim Thi tại xã Nghi Xá, Nghi Lộc.

Hưởng ứng chương trình mục tiêu xây 1 triệu căn NƠXH cho công nhân của Chính phủ giai đoạn 2023-2030, Sở Xây dựng Nghệ An đang rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình phát triển nhà trên địa bàn, trong đó có NƠXH cho công nhân là người thu nhập thấp.

Theo đó, dự kiến từ nay đến năm 2030, Nghệ An dự kiến xây dựng khoảng 15.000 căn nhà ở xã hội cho công nhân, trong đó chủ yếu tại các khu công nghiệp thuộc địa bàn thành phố Vinh và các huyện phụ cận. Để huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội, ngoài các chính sách của Chính phủ, tỉnh đang xem xét bố trí quy hoạch để dành quỹ đất mời gọi các tập đoàn doanh nghiệp lớn vào đầu tư. Bên cạnh đó cũng khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhiều công nhân xây nhà ở tập thể, nhà công vụ cho cán bộ, công nhân viên, người lao động.

Được biết, trong số 15.000 căn NƠXH cho công nhân có 4 dự án mới được thông qua và đang còn hiệu lực là 8.200 căn nhà bao gồm 4 công ty lớn là Công ty CP Điện mặt trời miền Trung MK và Công ty CP Thương mại quốc tế BMC tại xã Nghi Long và xã Nghi Thuận (Nghi Lộc); 1 dự án của Công ty CP Địa ốc Kim Thi tại địa bàn xã Nghi Xá (Nghi Lộc) và 1 dự án của Công ty CP Xi măng Sông Lam đang làm thủ tục đầu tư.

Một trong những nhà đầu tư đã và đang triển khai dự án NƠXH tại Nghệ An, ông Nguyễn Đình Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Kim Thi cho biết: “Làm dự án NƠXH theo quy định thì chủ đầu tư không được quyết định giá mà giá bán sẽ được cơ quan chức năng tính theo tổng chi phí hợp lý của nhà đầu tư bỏ ra xây dựng lên dự án cộng với 10% tổng chi phí rồi mới quyết định duyệt giá bán của các căn hộ dự án NƠXH. Tổng chi phí hợp lý trong đó bao gồm cả phí bảo hành sản phẩm chung cư vì trong giai đoạn bảo hành vẫn phát sinh chi phí, nên phải hết bảo hành mới tính toán được toàn bộ chi phí hợp lý. Khi đó mới tiến hành kiểm toán, kiểm toán thẩm định giá xong thì các cơ quan có thẩm quyền mới tính toán và đưa ra giá bán của các chung cư nhà ở xã hội, còn trước đó kể cả có làm xong, bàn giao cho khách hàng cũng chỉ thu được từ khách hàng theo giá tạm tính. Mặt khác, thời gian đưa ra giá chính thức chậm dẫn đến thủ tục làm giấy chứng nhận sở hữu căn hộ cũng chậm theo, khiến chủ đầu tư không thể thu hết tiền được mà chỉ tạm thu cho đến khi có giá chính thức và trao giấy chứng nhận sở hữu căn hộ cho khách hàng mới đủ điều kiện thu hết tiền khách hàng.

m-1679030572.png
Dự án nhà ở xã hội Kim Thi tại thành phố Vinh.

Quy trình làm một dự án NƠXH có thể tạm xem là có 3 bước bao gồm: Trước đầu tư, trong đầu tư và sau đầu tư, cả 3 bước trên đều có những khó khăn nhất định.

Trước đầu tư là quá trình chuẩn bị đầu tư thì nhà đầu tư phải đi khảo sát tìm địa điểm vị trí đất rồi trình chính quyền và các cơ quan chức năng lập quy hoạch… Trong đầu tư vấn đề giải phóng mặt bằng vướng mắc về giá đền bù, về các hạng mục, khu vực nhạy cảm khó giải phóng… Sau khi có mặt bằng và các thủ tục pháp lý khác xong xuôi chủ đầu tư tiến hành triển khai thi công thì việc tiếp cận nguồn vốn cũng chẳng mấy suôn sẻ thậm chí có những thời điểm lãi suất tăng cao vẫn chấp nhận vay thì lại không có room. Giá đất san lấp, giá vật liệu tăng mạnh khiến giá thành xây dựng cũng tăng theo rồi đẩy giá nhà ở xã hội lên giá cao hơn bình thường.

Sau đầu tư là quá trình thanh khoản, có những khách hàng tâm huyết thì có thể họ thanh toán lên đến 70 – 80% thậm chí thanh toán đến 90% giá thành căn hộ chờ “bìa đỏ”. Nhưng cũng không ít khách hàng thanh toán 50 – 70% rồi không có tiền thanh toán tiếp… Đặc biệt có những cơ chế đối với nhà ở xã hội không được bán và giao dịch trong 5 năm đầu vì vậy có nhiều ngân hàng từ chối không cho khách hàng vay nên thanh khoản của dân bị ảnh hưởng.

Nói chung, làm dự án NƠXH hiện nay có 3 vấn đề khó khăn, vướng mắc cốt yếu nhất đó là thủ tục đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng chậm, tiếp cận nguồn vốn khó khăn và giá nguyên vật liệu tăng cao”.

Theo như thông tin từ Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết: Trước nhu cầu lao động tại các khu công nghiệp đang tăng cao, đến năm 2030 dự kiến khoảng 150.000 nghìn lao động. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án nhà ở xã hội cũng có những khó khăn nhất định bởi trong quá trình triển khai dự án này sẽ phải trải qua 3 bước: Bước một là chuẩn bị đầu tư gồm các thủ tục liên quan đến việc dành quỹ đất, giao đất, tính tiền sử dụng đất; các vấn đề các thủ tục trình tự đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư cũng như các bước liên quan đến phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án. Bước hai là thực hiện các dự án đầu tư và bước ba liên quan đến kết thúc nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Thực tế, quá trình triển khai 3 bước thực hiện xây dựng NƠXH nhà đầu tư và khách hàng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về đất đai, nguồn vốn… dẫn đến nhiều đối tượng khó khăn trong tiếp cận NƠXH. Để gỡ khó cho các nhà đầu tư triển khai dự án NƠXH cần có sự chung tay hỗ trợ, đồng hành của các cấp ngành chính quyền địa phương, các tổ chức tín dụng, ngân hàng… và những khó khăn này cần có kế hoạch, giải pháp rõ ràng để từng bước tháo gỡ thì mục tiêu 15.000 căn nhà ở xã hội mới có thể sớm cán đích thành công.

Theo Quang Hợp - baoxaydung.com.vn