s-1700964763.jpg
Nhiều nghệ sỹ tham gia biểu diễn tại buổi lễ

Di sản Văn hoá từ lâu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh số 65/SL, đây là Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về Bảo tồn Di sản văn hoá dân tộc. Cho đến nay, sau 78 năm ra đời, Sắc lệnh vẫn giữ nguyên những tư tưởng cơ bản và sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hoá, ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá của đất nước. Đến ngày 24/02/2005, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hằng năm lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam”.

Chương trình kỷ niệm 18 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam và 9 năm UNESCO vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là dịp để những người con xứ Nghệ nói riêng và những người yêu Dân ca Ví Giặm nói chung cùng nhau tôn vinh những giá trị Di sản Văn hoá phi vật thể. Qua đó, góp phần cổ vũ, bồi đắp thêm tình yêu, ý thức và trách nhiệm đối với quê hương, đất nước.

ss-1700964792.jpg
Ông Hoàng Xuân Lương - Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Phó Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội phát biểu

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Hoàng Xuân Lương - Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội khẳng định: Xứ Nghệ được biết đến là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Theo dòng chảy của thời gian, người dân nơi đây đã sáng tạo và lưu giữ được một nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng với nhiều thể loại đặc sắc, trong đó có Dân ca Ví, Giặm. Đây là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, là món ăn tinh thần không thể thiếu làm nên hồn cốt của người dân nơi đây.

“Yêu Dân ca Ví Giặm là cội nguồn của tình yêu đối với quê hương đất nước. Giữ gìn và phát huy những làn điệu Dân ca Ví Giặm cũng là giữ gìn và phát huy cốt cách của người dân xứ Nghệ, của dân tộc Việt Nam. Những người con xứ Nghệ thân thương luôn cùng nhau nâng niu, gìn giữ và phát huy giá trị của những làn điệu Dân ca Ví Giặm - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, để những mạch nguồn thanh trong, ấm nồng hơi thở nguồn cội sẽ nuôi dưỡng và nâng cánh cho mỗi tâm hồn, tạo thêm niềm tin yêu và động lực cho mỗi người góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh…” - Phó Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội bày tỏ.

Phó Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội đánh giá cao sự ra đời và nhanh chóng khẳng định được vị thế sau hơn 9 năm hoạt động của CLB Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội và bày tỏ mong muốn CLB sẽ ngày càng phát triển và có sức lan tỏa rộng lớn. Đồng thời, hy vọng rằng việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể từ những câu hò, điệu ví không chỉ là trách nhiệm của những người làm công tác di sản mà còn là trách nhiệm chung của mỗi một người con xứ Nghệ và của toàn xã hội.

Tại Lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Sinh Tuấn, Nguyên Tổng Giám đốc, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt Việt Nam, đại diện dòng họ Nguyễn Sinh xúc động gợi lại tình yêu đối với những làn điệu Dân ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thời khắc chuẩn bị về với thế giới người hiền, Bác Hồ kính yêu muốn được nghe một làn điệu Dân ca đậm tình quê hương... Dường như những câu hò, điệu ví, những bài hát Dân ca xứ Nghệ ngọt ngào đã nuôi dưỡng tâm hồn và theo suốt cuộc đời người con ưu tú của quê hương. Tình yêu đối với Dân ca Ví Giặm của Người đã cộng hưởng và lan tỏa trong mỗi tâm hồn của những người con xứ Nghệ. Có lẽ vì thế mà giờ đây Dân ca Ví Giặm đã thực sự có sức lan tỏa rộng khắp giữa lòng thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến…