Trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế, dân ca cùng nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Là một hình thức diễn xướng dân gian, dân ca Ví Giặm hiện nay cũng đang nằm trong số phận chung của các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Vấn đề lưu giữ, bảo tồn dân ca Ví Giặm đang được thực hiện bằng nhiều hình thức như nghiên cứu, sưu tầm làn điệu cổ, thành lập các câu lạc bộ dân ca Ví Giặm, ghi băng ghi hình, đưa lên sân khấu chuyên nghiệp, dạy hát trên đài phát thanh truyền hình, đưa dân ca vào trường học,… Và lực lượng đóng góp vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản này trong cộng đồng đó chính là các nghệ nhân, những người được coi là linh hồn của di sản mà theo định nghĩa của Unesco họ chính là “Báu vật nhân văn sống”.
Vấn đề lưu giữ, bảo tồn dân ca Ví Giặm đang được thực hiện bằng nhiều hình thức như nghiên cứu, sưu tầm làn điệu cổ, thành lập các câu lạc bộ dân ca Ví Giặm, ghi băng ghi hình, đưa lên sân khấu chuyên nghiệp, dạy hát trên đài phát thanh truyền hình, đưa dân ca vào trường học,… Và lực lượng đóng góp vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản này trong cộng đồng đó chính là các nghệ nhân, những người được coi là linh hồn của di sản mà theo định nghĩa của Unesco họ chính là “Báu vật nhân văn sống”.
Nghệ nhân dân ca Ví Giặm chính là những người sáng tạo, thực hành và lưu giữ di sản. Từ những người nông dân lao động chân lấm tay bùn, đến người thợ thủ công trong các làng nghề truyền thống, rồi cả những người chèo thuyền đánh bắt cá, người lái đò trên sông… Tất cả họ đều có thể trở thành nghệ nhân dân ca Ví Giặm. Họ sáng tạo và thực hành dân ca trong lúc làm việc. Mỗi nghề nghiệp lao động, người dân xứ Nghệ lại sáng tạo ra một làn điệu Ví và Giặm riêng. Họ hát để vơi bớt mệt nhọc, để động viên, an ủi nhau, thể hiện quan niệm đối với cuộc sống về đấu tranh, về các mối quan hệ xã hội, quan hệ với tự nhiên; thể hiện ý chí, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, nhất là hạnh phúc lứa đôi của mình. Năm nọ qua năm kia, nơi này sang nơi khác, những lời ca được đặt tại chỗ, ứng khẩu tại chỗ, câu nào, bài nào dở thì trôi đi, câu nào hay, bài nào hay thì còn lại, được lưu truyền trở thành ca dao, dân ca.
Chính vì dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được hình thành và sử dụng trong lao động, gắn liền với lao động nên tầng lớp nghệ nhân dân gian thuần túy chiếm số lượng rất đông. Đây là những nghệ nhân không qua trường lớp, không biết đến sách vở văn chương. Môi trường sinh hoạt của họ là nông thôn, đặc biệt, những câu hát ấy không có sự chuẩn bị trước, mà thường là “xuất khẩu” thành lời ca, ứng tác ngay tại chỗ. Bởi thế mà ngôn ngữ của dân ca là ngôn ngữ hồn nhiên, tự nhiên, chân chất, mộc mạc, rất gần với ngôn ngữ, khẩu ngữ của đời sống, không hề mang vẻ đẹp của một công trình chế tác công phu. Nhưng chính cái hồn nhiên, chân thật,thô ráp ấy lại là cái đẹp riêng đối với người dân xứ Nghệ, bởi đó là tiếng nói “thật lòng" của họ; họ nói cho họ nghe, và chính người trong môi trường sáng tác, lĩnh xướng ấy mới cảm hết được.
NHƯT Cao Xuân Thưởng hướng dẫn cho các thành viên CLB Ví Giặm xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu tại đình Phượng Lịch
Dân ca Ví Giặm là do các nghệ nhân sáng tạo ra và lưu truyền đến tận ngày hôm nay. Thông qua họ, Ví Giặm được nối tiếp, bảo tồn một cách tự thân. Giá trị của di sản là do họ nắm giữ. Vậy thì bảo tồn cũng là do họ quyết định. Tuy nhiên, một vấn đề đáng báo động hiện nay đó là đa số những nghệ nhân tài hoa, những người lưu giữ và thực hành tinh hoa của di sản đều đã lớn tuổi và lần lượt ra đi, nếu còn thì tuổi cũng đã cao không còn đủ sức để trao truyền. Những nghệ nhân đúng nghĩa như Unesco đưa vào công ước là “Báu vật nhân văn sống” giờ đây chỉ đếm đầu ngón tay. Lớp nghệ nhân chúng ta đang quen gọi hiện nay không giống như ngày xưa nữa. Nghệ nhân hiện nay chỉ là thế hệ học trò được các bậc tiền nhân truyền dạy. Tư tưởng khác, lối sinh hoạt khác, lối trình diễn cũng đổi mới để phù hợp với cuộc sống đương đại.
Nhận thấy tầm quan trọng của tầng lớp nghệ nhân với tư cách là những người đại diện cho cộng đồng giữ vai trò sáng tạo, sở hữu, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian, ngày 25/6/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2014/NĐ-CP về việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”, trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tiếp theo đó, ngày 28/10/2015, Chính phủ cũng Ban hành Nghị định số 109/2015/NĐ-CP về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn. Riêng loại hình dân ca Ví Giặm, đến thời điểm này hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có 43 Nghệ nhân Dân gian và 26 Nghệ nhân Ưu tú được phong tặng. Tiêu biểu như các nghệ nhân: Nguyễn Trọng Đổng, Nguyễn Thị Am, Phan Thế Phiệt, Nguyễn Yết Niêm, Võ Thị Vân, Nguyễn Cảnh Sơn, Cao Thị Lâm, Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Nghĩa Hợi, Cao Xuân Thưởng,… Đây là những nghệ nhân có tài năng đặc biệt xuất xắc, những người đang nắm giữ, truyền dạy và cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
Nghệ nhân Cao Xuân Thưởng tại xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu đến nay mới hơn 60 năm tuổi đời nhưng ông đã hơn 50 năm thực hành di sản, đã truyền dạy được cho hàng chục nghệ nhân qua nhiều thế hệ khác nhau. Bản thân ông không những thuộc nhiều làn điệu mà còn biết sáng tác và đặt lời mới, dàn dựng nhiều tác phẩm dân ca xuất sắc được các nhà chuyên môn đánh giá cao.Với sự lao động nghiêm túc, ông đã có một lượng tác phẩm lớn với hơn 100 ca cảnh, hoạt ca, đối ca. Trong đó, nhiều tác phẩm được nhiều CLB dân ca xứ Nghệ sử dụng rất thành công, như khúc ca đồng ruộng, O Thất mất bò, O hàng bán rượu, Trai Đông gái Phượng, Nước mắm Vạn Phần…
Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Cường tại xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương biết và lưu giữ được hơn 30 làn điệu gốc và cải biên của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Anh có nhiều thành tích nổi bật trong quá trình sáng tác, viết lời mới và dàn dựng hàng chục tiết mục, chương trình về dân ca Ví Giặm trong các hội thi, hội diễn.Bằng cả tấm lòng, anh đã say mê hát, say mê sưu tầm, sáng tác và truyền niềm đam mê ấy cho biết bao thế hệ. Trong 30 năm thực hành di sản, anh đã trao truyền được cho gần 200 người.Là một nghệ nhân tâm huyết, nhiều tác phẩm do anh tự biên và dàn dựng luôn có nét riêng, ấn tượng, gây được tiếng cười cho khán giả và được giải cao tại các kỳ Liên hoan dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh hằng năm. Ngoài ra, còn rất nhiều nghệ nhân như Nguyễn Thị Am, Nguyễn Trọng Đổng, Nguyễn Nghĩa Hợi… đều gắn bó gần cả cuộc đời với dân ca Ví Giặm và hiện nay người còn, người mất nhưng đóng góp của họ cho dân ca Ví Giặm thì dễ mấy ai quên.
Sự tôn vinh các nghệ nhân là sự nhi nhận những đóng góp, công lao của họ, là động lực khuyến khích các nghệ nhân tiếp tục cống hiến, truyền lửa, tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu di sản. Tuy nhiên, đây mới chỉ là việc làm tối thiểu, chưa giải quyết được vấn đề quan trọng nhất là tạo ra môi trường hoạt động cho nghệ nhân. Nghệ nhân dân ca Ví Giặm không sống bằng nghề ca hát để kiếm tiền mà họ sống bằng nghề khác. Phần lớn nghệ nhân đều xuất thân từ những vùng nông thôn, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, gánh nặng mưu sinh luôn là những cụm từ xót xa mà người ta thường nhắc đến khi nói về nghệ nhân dân ca Ví Giặm. Các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản đang thiếu sự quan tâm hỗ trợ, chăm lo cho các nghệ nhân, những người được coi là hồn cốt, nền tảng làm nên giá trị đích thực của di sản. Môi trường sinh hoạt chính của các nghệ nhân lúc này không còn là trên đồng ruộng, trên sông, trong các làng nghề nữa mà chủ yếu là sinh hoạt tại các CLB.
Nhưng vấn đề bất cập hiện nay là kinh phí để CLB hoạt động quá ít ỏi. Nhiều nghệ nhân chia sẻ, họ thường xuyên bỏ tiền túi ra để chi phí cho sinh hoạt của CLB cũng như đào tạo cho lớp trẻ. CLB chủ yếu hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện, tập hợp theo kỳ liên hoan, hội thi hội diễn, rất ít CLB sinh hoạt đều đặn, thậm chí một số CLB chỉ tồn tại trên danh nghĩa nhưng thực chất gần như không hoạt động. Chúng ta không thể chỉ mãi hô hào, kêu gọi bảo vệ di sản bằng những công văn, kế hoạch mà quên mất rằng nghệ nhân cũng cần sống, cũng cần kinh phí để hoạt động. Bởi vậy, điều quan trọng hiện nay không những chúng ta phải nhanh chóng thực hiện chính sách trợ cấp xứng đáng cho nghệ nhân mà còn phải tạo ra môi trường tốt để họ hoạt động, phải ứng xử thế nào để nghệ nhân hồ hởi, nhiệt huyết tham gia thực hành truyền dạy vốn quý di sản của cha ông.
Nhưng vấn đề bất cập hiện nay là kinh phí để CLB hoạt động quá ít ỏi. Nhiều nghệ nhân chia sẻ, họ thường xuyên bỏ tiền túi ra để chi phí cho sinh hoạt của CLB cũng như đào tạo cho lớp trẻ. CLB chủ yếu hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện, tập hợp theo kỳ liên hoan, hội thi hội diễn, rất ít CLB sinh hoạt đều đặn, thậm chí một số CLB chỉ tồn tại trên danh nghĩa nhưng thực chất gần như không hoạt động. Chúng ta không thể chỉ mãi hô hào, kêu gọi bảo vệ di sản bằng những công văn, kế hoạch mà quên mất rằng nghệ nhân cũng cần sống, cũng cần kinh phí để hoạt động. Bởi vậy, điều quan trọng hiện nay không những chúng ta phải nhanh chóng thực hiện chính sách trợ cấp xứng đáng cho nghệ nhân mà còn phải tạo ra môi trường tốt để họ hoạt động, phải ứng xử thế nào để nghệ nhân hồ hởi, nhiệt huyết tham gia thực hành truyền dạy vốn quý di sản của cha ông.
Di sản văn hóa phi vật thể nói chung, dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng là những giá trị tinh thần hết sức ý nghĩa đối với từng dân tộc. Và các nghệ nhân chính là những người đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy các di sản văn hóa đó tới thế hệ tiếp theo. Với vai trò là người giữ lửa, những nghệ nhân luôn mong muốn gìn giữ vẹn nguyên hồn cốt, tinh hoa những di sản văn hóa phi vật thể mà họ gắn bó gần như cả cuộc đời. Di sản văn hóa phi vật thể luôn tiềm ẩn trong tâm thức và trí nhớ của những con người đặc biệt mà chúng ta mệnh danh là nghệ nhân. Do đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đồng nghĩa với việc bảo vệ những báu vật nhân văn sống, đó chính là các nghệ nhân.