Nghệ nhân Võ Thị Kiều Thanh sinh năm 1957 tại Hương Long, Hương Khê, Hà Tĩnh – một vùng quê giàu truyền thống văn hóa nhưng lại vô cùng nghèo khó. Người dân ở vùng này chủ yếu sống bằng củ khoai, củ sắn; ngày hai buổi lên rừng hái măng, đốn củi mưu sinh.
Khác với những người dân “một nắng hai sương” nơi đây, cha đẻ của Kiều Thanh là bộ đội tham gia kháng chiến chống Pháp và mẹ là cán bộ công chức nhà nước nên đời sống kinh tế gia đình tương đối khá giả, họ quyết tâm đầu tư cho con cái học hành tử tế. Thế rồi, đầu năm 1960, họ ngậm ngùi chia tay với “quê cha, đất tổ”, cả nhà “dời dinh” về sinh sống tại thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh).
Khác với những người dân “một nắng hai sương” nơi đây, cha đẻ của Kiều Thanh là bộ đội tham gia kháng chiến chống Pháp và mẹ là cán bộ công chức nhà nước nên đời sống kinh tế gia đình tương đối khá giả, họ quyết tâm đầu tư cho con cái học hành tử tế. Thế rồi, đầu năm 1960, họ ngậm ngùi chia tay với “quê cha, đất tổ”, cả nhà “dời dinh” về sinh sống tại thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh).
Vào những năm 1964 - 1968, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, gia đình Kiều Thanh phải sơ tán về về nhiều nơi ở các địa bàn lân cận như Thạch Minh (nay là Phù Việt), Thạch Tân, huyện Thạch Hà. Đây là quê hương của anh hùng Lý Tử Trọng. Vùng quê này được ví với nhiều tên gọi thân thương, như là “làng đỏ”, “làng nón trắng”, “làng hát ví”, làng “xỏ lá ba que”… Đến năm 1979, chiến tranh kết thúc, gia đình mới quay về thị xã Hà Tĩnh. Cuộc sống nay đây, mai đó thật là gian truân, nhưng đây cũng là cơ hội tốt để Kiều Thanh được trải nghiệm với nhiều môi trường văn hóa khác nhau và thêm yêu giọng hò, điệu ví quê nhà; cơ duyên lành, giúp chị được tiếp xúc với nhiều nghệ nhân, nghệ sỹ khi tham gia các chương trình Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh. Đến bây giờ nghĩ lại, những câu Giặm ru của mẹ vẫn luôn ám ảnh trong trí nhớ của Kiều Thanh, chị thường hát lại để khuyên dạy con cháu của mình: Đặt cơm vào dạ, như đặt vạ vào mình/ Nhờ khí huyết sinh thành/ Lo cho con được mấy/ Bụng một ngày một nậy/ Mẹ vàng vọt xanh xao/ Gậm như của nhà giàu/ Có cơm ăn, thuốc bổ/ Có sâm kỳ, thuốc bổ/ Tui con nhà kẻ khó/ Nỏ có chi dưỡng thân/ Phải quên ngủ, quên ăn/ Quên miếng ăn, của độc/ Quên bánh quà, của độc…
Với tính cách cẩn trọng, nghiêm túc trong lao động nghệ thuật nên những làn điệu chị sưu tầm được hay những làn điệu cải biên do mình soạn lời, Kiều Thanh đều mang đến nhờ các nghệ sỹ, nghệ nhân Khánh Cẩm, Thanh Minh, Hoàng Vinh,… thẩm định về mặt chuyên môn, chị mới đem ra hướng dẫn cho các hội viên trong câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm của phường hát rồi mới chính thức tập luyện để tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn các cấp.
Những khi rỗi rãi, chị lại hát cho bạn bè và những người thân trong nhà những câu hát của thời chống Mỹ, khi đó chị là một thành viên của đội văn nghệ tuyên truyền tỉnh, từng đi hát cho các đơn vị bộ đội nghe:“Dội vang khắp cả hai miền/ Bay đi thiêng liêng bốn phương/ Nghe tiếng lời Bác gọi ta/ Gọi ta xông lên diệt Mĩ/ Thời cơ đã đến rồi đây/ Vùng lên quyết trả thù này/ Không có gì quý hơn độc lập tự do/ Quyết vung gươm lên giết giặc/ Anh dũng để trả thù này/ Để cùng chung một dải sơn hà… Nhờ sẵn có năng khiếu hát Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh, cộng với sự đam mê mãnh liệt, chị đã dày công tìm hiểu và sưu tầm các làn điệu dân ca Nghệ qua các tài liệu nghiên cứu Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của các tác giả: Nguyễn Đổng Chi, Quang Tứ, Phan Lương Hảo, Vi Phong, Ninh Viết Giao, Lê Hàm, Hoàng Vinh, Phan Thư Hiền và nhiều tác giả khác. Từ đó Kiều Thanh đã biết hát và trình diễn được rất nhiều làn điệu Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh như Hát Giặm ru, Giặm nối, Giặm kể, Giặm Đức Sơn; Ví phường nón, ví phường vải, ví phường cấy, ví sông la, sông Lam, Phụ tử tình thâm, Vè, Hò leo nói, Hò bơi thuyền… qua sự truyền dạy của các nghệ nhân đi trước.
Kiều Thanh bắt đầu chính thức tham gia hát dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh lúc 18 tuổi. Đến khi khoảng năm 20 tuổi, chị đã tham gia các Liên hoan toàn thành phố, toàn tỉnh đạt giải cao. Từ đó tạo thêm tình yêu cho chị về loại hình nghệ thuật này. Khi dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vào năm 2014, Kiều Thanh khao khát được đem lời ca tiếng hát của mình hòa chung vào niềm vui này. Chị cùng với chị Nguyễn Thị Hưởng (cùng phường) làm đơn tình nguyện tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ dân ca Ví Giặm phường Tân Giang. Cho mãi đến năm 2016, phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh, nơi chị sinh sống mới chính thức ra mắt câu lạc bộ. Và cũng từ đó chị bắt đầu dành nhiều thời gian để xây dựng và củng cố các hoạt động câu lạc bộ phường Nam Hà, do em gái mình là Võ Thị Vân - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường làm chủ nhiệm. Chị bỏ công về quê, về các gia đình để sưu tầm lời cổ trong dân gian và khôi phục các không gian diễn xướng truyền thống mà cha ông ngày xưa đã thực hiện qua lời kể của các bậc tiền nhân trong gia đình, dòng họ.
Bằng những kiến thức hiểu biết vốn cổ của mình, chị đã dày công kèm cặp cho một số anh chị em trong câu lạc bộ phường Nam Hà biết hát thuần thục một số làn điệu Dân ca Ví, Giặm của quê nhà. Và câu lạc bộ phường Nam Hà luôn là một trong những đơn vị mạnh của thành phố Hà Tĩnh. Qua nhiều năm gắn bó với phong trào địa phương, chị đã tự nguyện truyền dạy miễn phí Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh cho tất cả anh chị em trong câu lạc bộ và gần khoảng 80 cháu thanh thiếu niên và khoảng 20 hội viên lớn tuổi của các câu lạc bộ trên địa bàn thành phố. Hiện nay, có một số học viên của nghệ nhân KiềuThanh đã chững chạc trong thực hành hát dân ca Ví Giặm. Mấy năm gần đây, nghệ nhân Võ Thị Kiều Thanh và một số thành viên trong toàn tỉnh như các nghệ nhân: Vũ Thanh Minh, Phạm Thế Nhuần, Nguyễn Trọng Tuấn, Đặng Minh Nguyệt, Nguyễn Thanh Minh, Đặng Thị Tuyết, Nguyễn Thị Hưởng… được Chi hội VNDG tổ chức cho đi trình diễn, quảng bá dân ca ví giặm tại Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng dân tộc học, Nhà hát Âu Cơ Hà Nội… Đặc biệt, một số chương trình Dân ca Ví, Giặm được Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Tĩnh ghi hình và phát sóng nhiều lần như Nguyệt dạ tỏ lòng, Thử lòng chung thủy, Thần sấm ngã, Ô lục soạn…
Võ Thị Kiều Thanh (đầu, trái) cùng NNC Phan Thư Hiền và các NN sau chương trình Tọa đàm về GS. Nguyễn Đổng Chi. Ảnh: Phan Linh Châu
Với những cống hiến thành tích của cá nhân trong thực hành và truyền dạy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, nghệ nhân Võ Thị Kiều Thanh Thành tích tiêu biểu mà Kiều Thanh đã gặt hái được trong các kỳ Liên hoan, đó là: Năm 1995, chị dành được giải B, Liên hoan đàn hát dân ca toàn tỉnh với tiết mục “Thử lòng chung thủy” (đối đáp dân ca); năm 2000 đạt giải A Liên hoan Dân ca Nghệ Tĩnh toàn thành phố với tiết mục “Thập ân phụ mẫu”; năm 2012, Giải A, Liên hoan Đàn hát Dân ca toàn thành phố với tiết mục “Duyên phường nón” - tập thể; năm 2014, đạt Giải B Liên hoan CLB dân ca toàn tỉnh với tiết mục Giặm kể Thần sấm ngã – tập thể; năm 2016, Giải B Liên hoan CLB dân ca liên tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh với tiết mục Duyên phường vải – tập thể; giải B cá nhân với tiết mục tổ khúc dân ca Lời ca trên đất mẹ của cố tác gia Phan Lương Hảo; năm 2018, chị tham gia Liên hoan dân ca Ví Giặm toàn thành phố đạt giải B với tiết mục Cõng chồng xem hội…
Giải thưởng của chị so với một số người khác chưa phải là nhiều, nhưng điều quan trọng là những người người yêu thích dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh luôn trân quý nghệ nhân Võ Thị Kiều Thanh, người biết nâng niu vốn quý cha ông và xem nó như “của gia bảo”, chị thầm cảm ơn những người đi trước đã cho chị một cơ duyên để được hát hết mình, diễn hết mình với tình yêu cháy bỏng.