Từ ngày 1/12/2024, Nghệ An sẽ chính thức thực hiện việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã trong giai đoạn 2023-2025, theo Nghị quyết số 1243 và Đề án mở rộng địa giới hành chính cũng như không gian đô thị TP Vinh.
Sau khi sáp nhập, dự kiến sẽ có khoảng 1.754 người thuộc các đối tượng dư thừa, bao gồm cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, Ủy viên Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Thường vụ các đoàn thể cấp xã và lao động hợp đồng hỗ trợ, phục vụ.
Cụ thể, để triển khai 2 đề án trên, sẽ có 207 cán bộ, công chức cấp huyện, 799 cán bộ, công chức cấp xã, 392 người hoạt động không chuyên trách, 356 Ủy viên Thường trực Mặt trận Tổ quốc cấp xã, Ủy viên Thường vụ các đoàn thể cấp xã và lao động hợp đồng phải nghỉ việc.
Để hỗ trợ các cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập, Nghệ An sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, với mức hỗ trợ 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Đối với những trường hợp thôi việc ngay, sẽ được hỗ trợ 1 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đối với những người đang hưởng chế độ hưu trí và đảm nhiệm vị trí cán bộ cấp huyện, cấp xã, tỉnh sẽ hỗ trợ 1 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác tại vị trí hiện tại.
Bên cạnh đó, người hoạt động không chuyên trách cấp xã sẽ được hỗ trợ bằng 1 tháng phụ cấp hiện hưởng cho mỗi năm công tác ở chức danh hiện tại, với mức hỗ trợ tối đa không quá 15 tháng.
Ủy viên Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy viên Thường vụ các đoàn thể cấp xã sẽ được hỗ trợ một lần với mức tiền 3,2 triệu đồng/người.
Nguyên tắc thực hiện chính sách là, đối với trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh, người lao động chỉ được hỗ trợ theo chức danh có mức phụ cấp cao nhất.
Thời gian công tác để tính hỗ trợ được xác định theo nguyên tắc, từ đủ 1 tháng đến đủ 6 tháng sẽ tính là 1/2 năm. Từ trên 6 tháng đến 12 tháng sẽ tính là 1 năm. Thời gian công tác tính hỗ trợ là tổng thời gian công tác, và nếu có sự gián đoạn, thời gian công tác sẽ được cộng dồn.
Việc ban hành chính sách hỗ trợ cho các đối tượng dôi dư là cần thiết, nhằm động viên, khích lệ và hỗ trợ những người phải nghỉ việc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư do thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính.
Được biết, để hỗ trợ các cán bộ dôi dư kể trên, Nghệ An dự kiến sẽ chi 76 tỉ đồng, nhằm động viên, khích lệ những người phải nghỉ việc do thực hiện chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính của tỉnh.
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và Đề án mở rộng địa giới hành chính, không gian đô thị TP Vinh, giai đoạn 2023-2025, vừa được Quốc hội thông qua, Nghệ An sẽ thực hiện việc sắp xếp đối với 3 đơn vị hành chính cấp huyện (bao gồm toàn bộ thị xã Cửa Lò và một phần huyện Nghi Lộc sáp nhập vào TP Vinh). Đối với cấp xã, tỉnh sẽ thực hiện sắp xếp đối với 89 đơn vị hành chính thuộc diện bắt buộc.
Sau khi hoàn tất việc sắp xếp, Nghệ An sẽ giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, từ 21 xuống còn 20 đơn vị, và giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã, từ 460 xuống còn 412 đơn vị.