Là giống dưa chuột có trọng lượng siêu "khủng” người ta quen gọi là "dưa rẫy, hoặc “dưa Mông”. Quả dưa to, ăn giòn, ngọt, thanh mát, có lẽ chỉ bà con người Mông sinh sống ở vùng quanh năm mây phủ, khí hậu ôn hòa mới trồng được.
Dưa rẫy siêu
Trẻ em thu hoạch dưa rẫy có trọng lượng "khủng" ở bản Huồi Đun, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Văn Trường

Những ngày này, đi dọc tuyến Quốc lộ 7 qua huyện rẻo cao Kỳ Sơn dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân bày bán khá nhiều dưa rẫy. Gọi là dưa rẫy bởi đây là giống dưa thường được bà con người dân tộc Mông trồng trên nương rẫy xen canh cùng lúa nương từ tháng 3 hàng năm. Đến tháng 6 thì bắt đầu thu hoạch và sẽ hết mùa vào tháng 9.

Dưa rẫy ở đây có trọng lượng gấp 4-5 lần so với các giống dưa bình thường, cá biệt có quả nặng từ 1,5-2 kg. Khi trồng không cần phải làm giàn mà chúng tự bò trên mặt đất, trên các mỏm đá...

Dưa rẫy siêu
Quả dưa rẫy có trọng lượng gần 2 kg. Ảnh: PV
Dưa rẫy siêu
Dưa rẫy có trọng lượng lớn đắt gấp 2-3 lần dưa chuột thường. Ảnh: Văn Trường

Ông Dềnh Bá Lồng - Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn cho biết thêm: Bà con đang vào vụ thu hoạch dưa rẫy, trên địa bàn xã Huồi Tụ trồng được bao nhiêu thì tiêu thụ sạch đến đó, thậm chí tư thương lên tận rẫy để thu mua. Toàn xã Huồi Tụ mới có khoảng 5 ha, trong khi tiềm năng đất còn nhiều, vì thế, xã đang chỉ đạo các bản mở rộng thêm diện tích trồng dưa xen với lúa rẫy để tăng thêm thu nhập cho bà con.

Dưa rẫy siêu
Dưa rẫy và các sản vật núi rừng được bày bán ven đường năm 2020. Ảnh tư liệu CTV

Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn cho biết thêm: Sở dĩ dưa Mông tại địa bàn huyện Kỳ Sơn được nhiều người ưa chuộng bởi đây là một loại “dưa sạch”, được người Mông trồng tự nhiên xen canh với lúa rẫy, không bón phân, không phun thuốc,… Dưa rẫy hiện nay được trồng nhiều nhất ở các xã có người Mông sinh sống như Nậm Cắn, Huồi Tụ, Mường Lống…

Dưa rẫy siêu
Dưa rẫy to, ăn giòn, ngọt, thanh mát chỉ bà con người Mông sinh sống ở vùng quanh năm mây phủ, khí hậu ôn hòa mới trồng được. Ảnh :FB Kỳ Sơn xứ Nghệ

Là giống dưa đặc sản, truyền thống, chỉ có khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đồng bào Mông mới có, nhưng hiện nay đang trồng tự phát nên hiệu quả chưa cao. Qua rà soát toàn huyện mới chỉ có khoảng gần 30 ha. Huyện Kỳ Sơn đang thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích người dân trong việc bảo tồn, trồng, phát huy giống dưa bản địa này để cải thiện cuộc sống cho đồng bào miền rẻo cao.