Với tôi, món bánh ấy gắn liền với cả một tuổi thơ khó nhọc. Là những ngày theo mẹ ra đồng còng lưng cấy lúa. Là những hôm theo chân cha đẩy cái trục nặng gấp đôi bản thân. Là những ngày dang nắng đi chân trần phơi lúa giữa trưa hè bỏng rát. Ngày ấy, thóc gạo chỉ đủ làm nên ba bữa ăn, năm nào mất mùa thì nguyên nồi cơm chỉ thấy mỗi khoai, mỗi sắn.
Cha mẹ làm quần quật cả năm, dành dụm được đôi ba cân nếp đủ gói mấy cái bánh dâng bàn thờ tổ tiên. Họa hoằn lắm mới dư ra một ít bột làm đủ cho mấy chị em tôi một bát bánh ngào nhỏ xíu để ăn. Thành ra cái món bánh ấy trở thành nỗi thèm khát, ám ảnh cả trong giấc ngủ của chính bản thân tôi. Lớn một chút, tôi biết phụ giúp o cấy lúa, bất chấp cả những hôm mưa to gió rét, đổi lại o tôi luôn làm một đĩa bánh ngào nghi ngút thơm nức mùi gừng để thỏa mãn cơn đói của đứa cháu đang tuổi lớn.
Mấy năm đi làm xa nhà, đôi lúc tôi lại thèm cái vị ngọt bùi ấy mà đành nén lòng chờ dịp cuối năm, chờ tới đêm ba mươi, chui vào bếp, hít hà mùi mật đậm đà quyện hòa cùng mùi gừng quyến rũ dậy lên từ góc bếp.
Để có được đĩa bánh ngào ngon ngọt như thế, vừa dễ lại vừa khó. Dễ là ở chính nguyên liệu vô cùng đơn giản, cách làm dễ mà đến người vụng về cũng học được. Khó là ở khâu tìm mật, bởi không phải nơi nào cũng có mật mía và không phải mật mía nào cũng ngon. Mật mía thơm ngọt phải được nấu đủ vừa, không quá non lửa hay già lửa. Non quá thì bị loãng, màu không đẹp mà già quá thì hay bị xen vị đăng đắng khó ăn. Mẹ tôi vẫn bảo, mật ngon thường có màu nâu đỏ, sánh nhuyễn, vị ngọt đậm, dù để cả năm cũng không sợ hỏng.
Bột nếp làm bánh được lấy từ thứ gạo nếp ngon, xay nhỏ và rây kỹ để lấy được phần tinh bột. Sau đó, đem bột nhào kỹ với một ít nước, nóng hay nguội đều được. Theo kinh nghiệm của mẹ tôi thì nên thêm vào một chút nước nóng, bột sẽ dẻo và mịn hơn rồi trộn sao cho bột không còn bị dính tay là được. Nhân bánh thường là nhân thịt, nhân đỗ xanh hay nhân lạc.
Nhưng tôi thích nhân lạc hơn bởi nó bùi, nó thơm, ăn không bị ngấy. Bột trộn xong thì chia thành nhiều viên nhỏ, có thể cán mỏng ra hoặc lấy tay đè bẹp xuống, cho vào đó vài ba hạt lạc, nắn nắn cho bánh tròn tròn xíu hoặc muốn cho ra hình nào thì ra, tùy độ sáng tạo của mỗi người.
Nặn xong thì đun một nồi nước, sôi một cái thì bỏ ngay bánh vào, chờ vài phút cầm nồi lắc nhẹ để bánh không bị dính vào nhau. Nấu thêm một lúc, thấy bánh nổi lên trên nghĩa là đã chín. Đem đổ hết nước trong nồi ra, cho mật mía và gừng đã cắt lát vào. Nhớ cho ít gừng thôi, nhiều quá lại cay và khó ăn. Đun lửa nhỏ, khi bánh màu vàng đẹp thì tắt bếp rồi sắp ra đĩa. Ai thích màu cánh gián thì đun lâu một lúc, còn không cứ sơ sơ vài ba phút là có thể ăn. Bánh ngào phải ăn nóng, cứ vừa ăn vừa xuýt xoa. Bột nếp dẻo dẻo xen trong đó vị giòn bùi của lạc, vị ngọt đậm đà của mật mía và vị cay nồng của mấy lát gừng.
Những ngày lập xuân lành lạnh, túm chụm nhau lại ngửi mùi bánh ngào thôi cũng đã thấy dư vị tết toát lên một cách diệu kỳ. Dư vị có màu mật mía.