Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 11 Âm lịch chính là thời điểm mía đã tích đủ đường. Khi ấy, người dân xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An vào mùa thu hoạch mía. Đây cũng là địa phương trồng mía nhiều nhất trong tỉnh.

Ông Trần Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng cho biết trên tờ Dân trí, hiện trong xã có tới 500 ha trồng mía. Tuy nhiên, không phải tất cả số mía đều nhập hết cho nhà máy sản xuất đường mà một phần phục vụ cho các cơ sở chế biến mật mía làng Găng.

Được biết, các cơ sở chế biến mật mía tại làng Găng bắt đầu xuất hiện từ năm 1960. Làng này cũng được công nhận là làng nghề vào năm 2013. Đến năm 2023, hai sản phẩm chủ đạo của làng nghề là mật mía và đường phèn đã được đạt chuẩn OCOP.

v-1736410428.jpg
Một người dân đổ mồ hôi, đứng bếp nấu mật mía. Ảnh: Dân trí

Với lịch sử lâu đời cùng chất lượng đạt chuẩn, sản phẩm sản xuất mật mía đến đâu xuất đi đến đó. Đặc biệt trong dịp giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu tăng cao, công nhân tại các cơ sở trong làng đều phải tăng ca làm việc ngày đêm mới kịp tiến độ.

Ngày nay, công đoạn ép nước mía không phải làm thủ công như trước nữa mà đã được đầu tư cơ giới hóa bằng máy ép. Sử dụng bằng máy không chỉ giúp ép triệt để nước mía, giảm sức tối đa sức lao động mà còn tăng năng suất ép. Nước mía sau khi được ép sẽ được đưa lên bếp nấu.

Trước kia khi mọi thứ còn được làm thủ công thì dùng chảo đơn lẻ để nấu mật, nhưng hiện nay các cơ sở sản xuất ở làng Găng đã sử dụng hệ thống bếp lò có thể nấu 5 chảo mật cùng 1 lúc. Một mẻ mật được nấu trong khoảng 1,5 tiếng.

v111-1736410492.jpg
Người dân bán mật mía tại xã Nghĩa Hưng. Ảnh: Dân trí

Trong quá trình nấu mật, việc duy trì lửa đảm bảo nhiệt độ trên lò đóng vai trò quan trọng. Chất đốt phải được bổ sung liên tục và duy trì nhiệt độ của bếp. Công đoạn này tốn rất nhiều nhiều sức lực và thời gian, đòi hỏi sự kiên nhẫn của bà con trong làng.

Nước mía được nấu liên tục ở nhiệt độ cao, khi sôi sẽ trào và sủi bọt, người đứng bếp phải sử dụng một thùng sắt cao khoảng 50cm đặt trên miệng chảo để tránh nước mía trào ra ngoài và dùng muỗng vớt bọt liên tục. Để đảm bảo mật sạch, trong và có màu đẹp, người thợ phải nhanh tay và liên tục. Khi nước mía đã được cô đặc thành mật sẽ được vớt bọt thêm một lần nữa.

Tiếp theo sẽ để mật mía nguội và cho vào các thùng phi bảo quản. Khi đã cho vào thùng bảo quản rồi nhưng việc lọc cặn vẫn tiếp tục được thực hiện để đảm bảo mật mía đưa ra thị trường có màu sắc đẹp nhất và chất lượng tốt nhất.

“Mỗi phi chứa mật chứa 200 lít có giá 4-4,2 triệu đồng”, ông Võ Đình Lượng, Giám đốc Hợp tác xã làng nghề Găng nói. Trong dịp Tết này, gia đình ông dự kiến sẽ sản xuất 60 phi mật, trừ các chi phí đi ông thu về trên 60 triệu đồng.

Ông Lượng cho biết thêm: "Khi đủ nguyên liệu (khoảng 2 - 3 ngày), xưởng sẽ sản xuất 1 lần. Một lần nấu mật ít nhất từ 4h, lâu nhất có thể đến 20h. Vì nhu cầu phục vụ Tết Nguyên Đán, các lò nấu mật trong làng phải hoạt động suốt ngày mới đủ hàng xuất đi".

Khi nói về sản xuất và bảo quản mật mía, ông Nguyễn Thế Vinh, Phó Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: “Phần lớn mật mía sản xuất ra là để cung ứng trong dịp Tết Nguyên Đán, còn lại được bảo quản trong các thùng phi để kết tinh thành đường phèn. Để tạo thành đường phèn cần thêm 8 - 9 tháng. Trung bình 1 phi mật 200l sẽ kết tinh được khoảng 40kg đường phèn. So với việc bán mật thì để kết tinh thành đường phèn có giá trị hơn từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/thùng”.

Mật mía làng Găng được đánh giá có hương vị rất riêng, mùi thơm đậm, có màu đậm cánh gián và rất trong. Mật mía thường được tiêu thụ nhiều vào dịp trước Tết Nguyên đán. Người tiêu dùng có thể sử dụng để nấu các món ăn truyền thống hoặc dùng trong một số loại bánh, ăn kèm với bánh chưng luộc.

Được biết, nghề nấu mật làng Găng đã tạo cơ hội việc làm cho khoảng 200 lao động, mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.