Khi những cây rêu sống ký sinh trên các hòn đá ven sông, suối bắt đầu phát triển mạnh cũng chính là thời điểm người dân vùng cao Nghệ An rủ nhau đi lấy rêu về chế biến món ăn thơm ngon và đầy hấp dẫn.
Dùng một thanh tre không ngừng cạo những mảng rêu đang bám trên các tảng đá dưới đáy sông, chị Vi Thị May (trú xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An) cho biết: “Mùa này rêu phát triển rất tốt, lại sạch nên mỗi ngày có thể kiếm được cả yến. Muốn lấy được nhiều rêu non, ngon và ít cát sạn thì phải ra những vùng nước sâu, dòng chảy xiết. Chỉ có ở đó rêu mới sạch và ngon”.
Là một món ngon nhưng để chế biến được rêu đá cũng khá kỳ công. Rêu lấy về phải nhặt sạch. Sau đó, rêu được rửa ở những nơi có nước chảy mạnh để làm sạch cát, đem vào cối giã cho mềm. Giã xong thì đem ra suối đãi một lần nữa. Công đoạn này thường mất cả giờ đồng hồ.
“Công đoạn làm sạch rêu thường mất nhiều thời gian vì đất cát thường bám vào rêu rất chắc, phải rửa qua nhiều lần mới sạch và đem giã. Trước khi nấu, rêu được băm trộn với gia vị và không thể thiếu hạt mắc khén (tiêu rừng) làm tăng vị thơm ngon cho món ăn”, chị May chia sẻ.
Rêu đá có thể chế biến ra nhiều món ăn khác nhau như: canh rêu, rêu xào, rêu nướng,… Nhưng món ngon và hấp dẫn nhất là mọc rêu. Rêu được cắt thành từng đoạn nhỏ, giã cùng các gia vị như tấm gạo, ớt cay, mắc khén, sả và một ít thịt mỡ lợn tạo độ bóng cho món ăn. Sau đó gói lại bằng lá chuối thành từng đùm rồi đem hấp chín. Thời gian để hấp chín một nồi mọc rêu thường kéo dài hơn một giờ đồng hồ.
Rêu đá xuất hiện trong những bữa ăn thường ngày của người dân vùng cao Nghệ An. Thời gian gần đây, rêu còn được bán như một thứ đặc sản tại các chợ nhỏ. Rêu tươi đã làm sạch giá bán khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg. Món rêu đá nom khá giản dị, như là món ngon, lạ miệng, giúp cho những bữa ăn thêm đa dạng.
Từ nhiều đời nay, rêu đá ở dưới đáy các sông, suối trên thượng nguồn sông Lam được người dân miền núi Nghệ An xem như một loại thực phẩm phục vụ đời sống hằng ngày. Đặc biệt, đối với đồng bào người Thái, rêu đá còn được dùng để chế biến ra nhiều món ăn truyền thống, ngon và đặc sắc.
Rêu được người Thái phân chia thành 2 loại: “cay khướng” là loại rêu mọc thành những búi sợi dài, màu sẫm; “cay hín” là loại rêu có màu xanh mơn mởn và mềm như nhung. Rêu sau khi hái có thể bảo quản tươi được từ 2 - 3 ngày. Tuy nhiên là món đặc sản chỉ có theo mùa nên nhiều gia đình thường lấy rêu non về phơi khô để dành ăn dần hoặc dùng trong các dịp trọng đại như cưới hỏi, mừng nhà mới hay lễ, tết.
Ông Vi Thanh Tùng – Chủ tịch UBND xã Yên Na, huyện Tương Dương cho biết, rêu là món ăn phổ biến, truyền thống của bà con đồng bào dân tộc Thái.
“Trước đây người dân trên địa bàn xã chỉ hái rêu về chế biến món ăn hàng ngày. Hiện nay, rêu được người dân ở các bản khai thác về làm hàng hóa bán để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Rêu sau khi làm sạch được bán với giá 15 - 20 nghìn đồng/kg. Có ngày, người dân có thể thu nhập từ 200 - 400 nghìn đồng từ bán rêu. Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc Thái, rêu đá còn được dùng để chế biến ra nhiều món ăn ngon và đặc sắc trong dịp lễ, Tết”, ông Tùng cho hay.