yy-1692842681.jpg
Hằng ngày, muốn ra xã, hay ra ruộng, nương rẫy, người dân bản Nậm Tột, xã Tri Lễ (Quế Phong) phải đi qua cây cầu tạm bợ này

Điều này, không chỉ là nỗi lo, sự thiệt thòi của hàng ngàn hộ dân sinh sống nơi ấy, mà còn là trách nhiệm nặng nề của các cấp chính quyền trong việc tìm nguồn lực, giải pháp để giải quyết những vấn đề bức thiết này. Do vậy, việc triển khai thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu theo dự án 4 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) đang được tỉnh Nghệ An quyết liệt thực hiện, được xem là giải pháp quan trọng để bản làng được thay áo mới.

Ở thời đại 4.0, nhưng nhiều bản làng giáp biên nơi miền Tây xứ Nghệ vẫn đang phải chịu cảnh “ba không”: không đường giao thông, không sóng điện thoại, không nước sạch sinh hoạt… Còn người dân ở vùng đất ấy, thì vẫn phải loay hoay với việc mưu sinh và những khó khăn thiếu thốn đủ đường trong cuộc sống đời thường.

Tôi đã từng lên bản Huồi Mới, xã Tri Lễ (Quế Phong) mấy bận. Khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn nhớ rành rẽ lời vị trưởng bản trẻ tuổi Và Bá Thái đã nói hôm nào. Anh bảo: Ngoài thiếu điện lưới và nước sinh hoạt, thì khó khăn nhất ở bản mình là đường giao thông. Nếu đi bộ thì mất 3 giờ từ trung tâm xã vào, gặp trời mưa thì đành chịu, phải ngồi ở nhà vì đường trơn trượt, nguy hiểm.

Điều Trưởng bản Và Bá Thái nói nghe còn nhẹ. Bởi thực tế, con đường đất độc đạo nối liền Huồi Mới và trung tâm xã, chỉ có núi tiếp núi, rừng tiếp rừng mênh mông, hun hút. Trò chuyện cùng Trưởng bản Và Bá Thái trên đỉnh dốc, tôi chỉ tay về lối mòn vắt qua đỉnh núi, anh Thái liền đáp: đường lên bản Nậm Tột đó. Lối đi duy nhất vào bản là một con đường đất tự phát rộng khoảng 1m, vượt qua nhiều con dốc quanh co, vô cùng hiểm trở và lầy lội. Bản ấy cũng chưa có điện lưới và nước sinh hoạt đâu. Khổ còn hơn bản mình mà.

Bể chứa nước ở bản Khe Ngậu thuộc xã Xá Lượng, huyện Tương Dương cũng không có nước sinh hoạt suốt nhiều năm qua

bb-1692842727.jpg
Dù có bể chứa nước, nhưng các hộ dân ở bản Khe Ngậu thuộc xã Xá Lượng, huyện Tương Dương cũng không có nước sinh hoạt suốt nhiều năm qua

Kể thêm về những vùng đất “sơn cùng thủy tận” này, ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ (Quế Phong) như dốc cả ruột gan: Cả xã Tri Lễ có 9 cụm bản gồm Huồi Xái, Huồi Mới, Huồi Máy, Nậm Tột, Mường Lống, Piêng Lâng, Piêng Lôm, Na Ca, Na Cấn, chủ yếu là người Mông, với hơn 600 hộ sinh sống khu vực dọc biên giới thì tất cả đều chưa có đường giao thông, điện lưới thắp sáng và nước sinh hoạt. Còn sóng điện thoại thì phập phù, chủ yếu là “sóng rơi”.

Tiếp lời Chủ tịch xã, bà Vi Thị Duyến, Trưởng phòng dân tộc huyện Quế Phong còn bổ sung thêm một bản “bốn không”, là bản Na Sành ở xã Tiền Phong chưa có đường giao thông, chưa có sóng điện thoại, chưa có điện lưới thắp sáng, chưa có nước sinh hoạt.

www-1692842751.jpg
Không có điện, đường giao thông khó khăn đang là những cản trở khiến cuộc sống người dân bản Na Nhu, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn vẫn còn muôn vàn khó khăn

Góp mặt trong danh sách những bản làng “biệt lập”, không thể không nhắc đến là huyện 30a Tương Dương. Theo thống kê, toàn huyện đang còn 21 bản tại các xã Nga My, Yên Hòa, Yên Thắng, Tam Hợp, Lượng Minh, Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn chưa có đường cứng hóa đến trung tâm xã. Nền đường lởm chởm đầy ổ voi, ổ gà và dễ dàng bị “cô lập” khi mưa lũ.

Trưởng phòng dân tộc huyện Tương Dương Lương Văn Hiệp kể: Bản Phia Òi, xã Nhôn Mai chưa có điện lưới. Đường giao thông khó khăn nhất hiện nay là đường đi vào bản Na Ngân của xã Nga My; đường đi sang 2 bản Phia Òi và Piêng Luống của xã Nhôn Mai vì phải qua lòng hồ thủy điện bản Vẽ; đường đi bản Cầu Moong, Xốp Cháo của xã Lượng Minh... cũng rất khó khăn. Còn nước sinh hoạt, toàn huyện có 124 công trình nước sinh hoạt, thì 26 công trình ngừng hoạt động dẫn đến hàng ngàn hộ dân thiếu nước triền miên.

f-1692842774.jpg
Con đường đất trơn trượt trên hành trình vào 2 bản Búng và Cò Phạt của xã Môn Sơn (Con Cuông)

Trong số những địa phương có bản làng “biệt lập”, nếu huyện Kỳ Sơn tự nhận mình là số 2, thì không có địa phương nào ở Nghệ An dám nhận mình là số 1. Theo thông tin chúng tôi có được, toàn huyện Kỳ Sơn đang có 25 thôn bản chưa có nhà văn hóa để sinh hoạt, 96 thôn bản chưa có đường ô tô cứng hóa mà chủ yếu là nền đất lởm chởm rất khó đi, 42 thôn bản, với 3.244 hộ chưa có điện lưới quốc gia để sử dụng.

Tại vùng đất khó của huyện Kỳ Sơn, xã Mỹ Lý góp mặt nhiều bản làng hiện chưa có điện lưới, đường giao thông chủ yếu là đường đất khó đi, chưa có nước sinh hoạt… Riêng  điện lưới sinh hoạt, toàn xã Mỹ Lý đang có 9 bản Piêng Vai, Phà Chiếng, Huồi Bún, Xằng Trên, Yên Hòa, Cha Nga, Xốp Dương, Piêng Pèn, Nhọt Lợt, với 844 hộ rơi vào tình trạng không có điện sinh hoạt.

ff-1692842795.jpg
Không điện, các em học sinh ở bản Phà Chiếng, xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn) học bài nhờ ánh đèn pin trên đầu

Ngay như bản Phà Chiếng, một bản biên giới thuộc xã Mỹ Lý, nằm cách trung tâm xã khoảng 15 km, nhưng do đường đi dốc đứng, hiểm trở, nên để đến được bản Phà Chiếng phải đi mất gần 2 giờ đồng hồ. Đây là nơi sinh sống của 53 hộ dân đồng bào Mông. Hàng chục năm qua, ngôi làng này vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Chủ tịch UBND xã Mý Lý Lương Văn Bảy cho biết: Điều kiện sống của bà con nơi đây vô cùng vất vả. Tất cả những sinh hoạt vào ban đêm phụ thuộc hoàn toàn vào đèn dầu hoặc đèn pin treo trên đầu.

Câu chuyện những bản làng thiếu nước, thiếu điện, thiếu đường… đang trở thành nỗi ám ảnh, khốn khổ của những cư dân sinh sống nơi vùng đất ấy. Dù rằng, những năm qua đã có rất nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ để các bản làng có điện, có nước sinh hoạt, có đường giao thông kiên cố, có nhà văn hóa bản… nhưng do địa bàn miền núi Nghệ An quá rộng, trải dài, chia cắt trong khi suất đầu tư nguồn lực ít nên chưa kham nổi. Mặt khác, những công trình, dự án đã từng đầu tư qua thời gian, chịu ảnh hưởng của thiên tai, cùng với ý thức sử dụng chưa tốt của một số người dân đã khiến nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng.