Cảnh hoang tàn tại các nông trường nức tiếng một thời ở miền Tây xứ Nghệ
Trước đây, các nông trường ở vùng Phủ Quỳ (Nghệ An) được xem là những cánh chim đầu đàn trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc. Thế nhưng, trái ngược với cảnh "huy hoàng" ngày trước là hình ảnh khá ảm đạm với những dãy nhà lụp xụp, xuống cấp hiện nay...
Sau khi kháng chiến chống Pháp thành công, cả miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, là hậu phương lớn cùng tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ. Vào những năm cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, các nông trường, 3-2, Tây Hiếu, Đông Hiếu, 1-5, 19-5 hay Cờ Đỏ lần lượt được thành lập tại vùng đất Phủ Quỳ. Trong ảnh, một dãy nhà được xây dựng cách đây hàng chục năm tại Nông trường 3-2. Ảnh: Quang An
Tại Nông trường 3-2 nay đã chuyển đổi thành Công ty CP công nông nghiệp 3-2, những dãy nhà của đội sản xuất nay đã xuống cấp và đang chờ được phá bỏ. Ảnh: Tiến Đông
Trong khuôn viên của Nông trường 3-2, những cây xà cừ hàng chục năm tuổi đội hẳn rễ lên nền đất đỏ, phủ bóng xuống dãy nhà trầm mặc. Ảnh: Quang
Trải qua thời gian dài với nhiều biến động, cùng với sự chuyển đổi mô hình để phù hợp với điều kiện thực tế, các nông trường đã không còn giữ được vị thế như xưa. Những dãy nhà xuống cấp, hư hỏng là hình ảnh đặc trưng của các nông trường trên vùng đất Phủ Quỳ hiện tại. Ảnh: Tiến Đông
Những chiếc thùng phuy nằm lăn lóc bên những dãy nhà hoang tàn. Ảnh: Tiến Đông
Những bức phù điêu, tượng đài được dựng tại các nông trường khắc họa tinh thần chiến đấu, hăng say lao động, sản xuất của nhân dân một thuở. Ảnh: Quang An