1-1639377580.jpg
Anh V.B.C tâm sự về nghĩa tình nhận được khi trở về quê hương cách ly phòng chống dịch. Ảnh: Thành Cường

Nhưng rồi, những ám ảnh đó nhanh qua. Sau đại dịch, điều khắc ghi lại là những nghĩa tình và sự biết ơn sâu sắc.

Khắc ghi ân tình

Ở các huyện miền núi phía Tây Nghệ An (nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn), dịch Covid-19 đã và đang hoành hành, lây lan nhanh chóng. Đại dịch Covid-19 đã khiến rất nhiều bản, làng bị phong tỏa; vườn không, nhà trống; người thì đi điều trị; cách ly tập trung, người thì cách ly tại nhà. Với nhiều người dân thuộc các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Tây Nghệ An “bị Covid-19” ẩn chứa biết bao sợ hãi lo âu. Điều này xuất phát từ sự tự ti, sự kỳ thị… và cả những lo lắng về cơ nghiệp, sinh kế bao gồm vườn tược, vật nuôi không được ai chăm sóc.

Bà C.T.L (sinh năm 1979, ở  bản Chăm Puông) là ca nhiễm cộng đồng đầu tiên được ghi nhận ở “ổ dịch” tại bản Khơ mú nghèo của xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Bà đã kể lại những ám ảnh mà mình gặp phải: Mấy ngày trước khi đi khám, tôi cùng con dâu (M.T.H) và cháu (C.T.B.N) trong nhà đã thấy sốt, ho, đau họng, khó thở, mệt mỏi. Không biết mình mắc bệnh gì, ngày 13/7, mẹ con, bà cháu đã xuống Trung tâm Y tế huyện khám và được xét nghiệm là mắc Covid-19. Sau đó, chồng tôi là ông M.V.X cũng được xác định mắc Covid-19…

2-1639377601.jpg
Bà C.T.L ở bản Chăm Puông chia sẻ những buồn, vui sau khi bị nhiễm Covid-19. Ảnh: Thành Cường

Ở vùng sâu vùng xa, nhận thức về bệnh còn hạn chế, bị mắc bệnh, gia đình bà C.T.L đã hết sức lo sợ vì không biết Covid-19 là như thế nào?  Chỉ biết đã rất nhiều người chết vì bệnh. Ngoài ra, gia đình cũng rất buồn vì đã có những tin đồn xấu liên quan đến việc một số người trong nhà có mối quan hệ không tốt khiến dịch lây lan cho bản (trong khi bản thân bà, con dâu đã nhiều tháng nay không ra khỏi bản hay tiếp xúc với người lạ). Càng thêm lo khi mà 4/5 người trong gia đình mắc bệnh, người còn lại thì đi cách ly, nương rẫy trâu bò không ai chăm sóc… Có lẽ vì những ám ảnh này nên khi xuống Bệnh viện Dã chiến số 1 Nghệ An điều trị, 3/4 người đều chuyển nặng hơn.

Bà C.T.L cho hay: Xuống đến nơi, bệnh tình chuyển nặng hơn nhưng rất may là các bác sĩ ở bệnh viện đã tận tình chăm sóc. Các bác sĩ đã giải thích cho cả nhà hiểu rõ về Covid-19; thường xuyên thăm khám, quan tâm, động viên và chăm sóc đặc biệt. Mọi người đều được cấp phát ăn uống đầy đủ; cháu nhỏ còn được tặng thêm sữa, quà. Nhờ thế, người sớm thì 3 tuần, người muộn thì 1 tháng đã hoàn toàn khỏi bệnh và xuất viện về nhà.

Càng vui hơn, khi trở về bản, bà C.T.L đã biết rằng: Trong khoảng thời gian cả nhà đi điều trị cách ly, ruộng vườn, vật nuôi của nhà mình đã được cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân trông coi, cày cấy giúp cho và tất cả đều cẩn thận, chu đáo, sạch sẽ… Mọi người trong bản đã biết rõ hơn về bệnh Covid-19 và không còn hiểu nhầm gia đình bà là “tội đồ” gieo rắc bệnh. Công tác tuyên truyền về dịch bệnh được đẩy mạnh, nhận thức được nâng lên thì các tin đồn xấu cũng tự động tan biến đi. Bà C.T.L bày tỏ sự cảm kích: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước, các y bác sĩ và lực lượng chống dịch nhiều lắm, đã hết lòng hết sức chăm lo, cứu sống cả gia đình tôi”.

3-1639377633.jpg
Gia đình bệnh nhân L.V.S ở bản Chăm Puông trở về cuộc sống bình yên sau đại dịch. Ảnh: Thành Cường

Đã có 23 người mắc Covid-19 được xác định ở ổ dịch Chăm Puông. Gia đình anh L.V.S (sinh năm 1982) 6 người thì có tới 5 người mắc. Cũng chung tâm trạng như bà CT.L, anh L.V.S chia sẻ: “Gia đình không biết bị lây trong hoàn cảnh nào nên ban đầu rất hoang mang. Sau khi được xét nghiệm, ngày 16/7, 5 người được đưa xuống Bệnh viện Dã chiến để điều trị. Ở bệnh viện, mỗi người được ở 1 phòng, ngày khám 3 lần. Đồ ăn được cấp phát đầy đủ và rất ngon nên khi khỏi bệnh ai cũng tăng từ 3-5 kg. Khỏi bệnh về nhà, gia đình còn được hỗ trợ, ủng hộ lương thực và thực phẩm giúp vượt qua khó khăn sau dịch. Cảm ơn các ban ngành, đoàn thể, các cán bộ và người dân trong tỉnh rất nhiều”.

Cũng theo anh L.V.S: Sau đại dịch, người dân càng tin yêu hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương và từ đó nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Được tuyên truyền nhiều và hiểu rõ hơn về dịch: Ở bản bây giờ, người đến, đi, về đều được kiểm soát, khai báo chặt chẽ. Người dân tự ý thức thực hiện tốt khuyến cáo 5K. Nhiều thanh niên sau khi được tiêm mũi hai vắc-xin phòng Covid-19 cũng đã bắt đầu đi làm ăn xa.

Nâng cao tinh thần tự giác

Lũy tích từ đầu mùa dịch đến sáng 13/12 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 5.797 bệnh nhân (BN) mắc Covid-19 ở 21 địa phương. Trong đó, có hơn 1.000 người nhiễm Covid-19 là những lao động từ các tỉnh, thành phía Nam trở về.

Anh V.B.C (23 tuổi, ở xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) là một bệnh nhân trở về từ tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Em làm trong 1 công ty gỗ ở tỉnh Bình Dương. Dịch bệnh bùng phát, công ty cho nhân viên ở lại trong nhà xưởng để làm việc. Nhưng do đông người, nhiều người không ý thức, đặt đồ, đặt trà sữa bên ngoài vào… Một người nhiễm thì toàn bộ nhà xưởng nhiễm nên em nghỉ việc, ở tạm nửa tháng, rồi đi xe máy về quê”.

Anh V.B.C và vợ là chị T.Y.T (20 tuổi) đã đi xe máy mất 3 ngày từ Bình Dương về huyện Kỳ Sơn. 2 vợ chồng được đưa vào cách ly phòng bệnh tại điểm cách ly tập trung của xã. Sau 6 ngày, đến ngày 03/8 thì V.B.C được phát hiện mình bị nhiễm Covid-19. Anh V.B.C cho rằng: “Rất có thể em bị nhiễm trên đường di chuyển về quê. Rất may là về đến quê mới phát bệnh chứ ở trong kia hay trên đường đi thì không biết như thế nào. 2 vợ chồng mới vào làm được 2 tháng, chưa có tiền tích trữ…”.

4-1639377662.jpg
Lực lượng chức năng thực hiện phòng chống dịch ở xã Nhôn Mai. Ảnh: Thành Cường

Ngày đầu được xác định nhiễm Covid-19, V.B.C rất chán nản, mệt mỏi, hoang mang, lo sợ bị kỳ thị, xa lánh. Trạng thái này nhanh chóng tan biến khi anh xuống Bệnh viện dã chiến để điều trị. Các y, bác sĩ đã chăm sóc tận tình, thăm hỏi động viên thường xuyên nên tinh thần trở lại bình thường. Sau mấy ngày ăn uống không được, V.B.C thấy lạc quan hơn. “Sau 19 ngày điều trị, em tăng được 2 kg”…

Khỏi bệnh trở về nhà, vợ chồng anh V.B.C - T.Y.T đã và đang cố gắng làm việc nương rẫy, chăn nuôi ở xã; phòng chống dịch Covid-19, chờ ngày dịch lắng để tiếp tục đi làm công ty. V.B.C chia sẻ: “Đi làm xa, kiếm tiền về xây dựng cuộc sống gia đình, địa phương cũng là cách báo đáp nghĩa tình quê hương anh nhỉ!”

Ở thời điểm này, trên địa bàn các huyện miền núi phía Tây Nghệ An đã và đang có những ổ dịch Covid-19 lớn, phức tạp: xã Nhôn Mai, Xá Lượng (Tương Dương); xã Châu Tiến, Châu Thắng, Châu Bình (Quỳ Châu); xã Mường Nọc, Tri Lễ, thị trấn Kim Sơn (Quế Phong)... Phòng chống dịch bệnh, ngành Y tế, chính quyền và các ban ngành đoàn thể các địa phương đã và đang “căng mình” cố gắng hết sức. Nhiều cán bộ y tế vẫn làm ngày làm đêm chống dịch; nhiều cán bộ thôn bản tích cực chống dịch, không lương. Có những cán bộ chống dịch ở xã Mường Nọc, Châu Bình nén đau, cố chịu đựng bệnh tật bản thân để bám trụ; có lái xe cứu thương chuyển tải bệnh nhân Covid-19 ở Tương Dương vẫn chạy 750km mỗi ngày…

5-1639377690.jpg
Công tác phòng chống dịch ở xã Nhôn Mai được thực hiện quyết liệt. Ảnh: Thành Cường

Tạo sự thuận tiện, hiệu quả cho người dân, người bệnh, Đảng và Nhà nước, các cấp ngành đã chỉ đạo thực hiện cách ly F1 tại nhà, tiến tới điều trị F0 tại nhà. Việc tạo thuận lợi cho bệnh nhân, người dân đồng nghĩa với sự vất vả của lực lượng chức năng tăng thêm… Dẫu đã có nhiều sự cố gắng nhưng công tác phòng chống dịch Covid-19 tại khu vực miền núi vẫn đang gặp nhiều khó khăn do các yếu tố đặc thù như trình độ nhận thức, tập quán cũ, ý thức chấp hành các quy định phòng dịch chưa tốt. Đâu đó, đã xuất hiện tình trạng người dân tự ý rời khỏi khu vực phong tỏa khiến dịch lây lan. Với tình trạng đó, Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch Covid-19 đã phải yêu cầu các địa phương xử lý thật nghiêm việc vi phạm quy định chống dịch.

Đảng, Nhà nước, các địa phương và cơ quan chức năng đã và đang hết sức, hết lòng vì người dân. Mong rằng, mọi người dân cần chuyển biến ý thức từ sự biết ơn trở thành hành động cụ thể trong chống dịch mà trước hết là tinh thần tự giác chống dịch./.