Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu họp thẩm định Luật căn cước công dân (sửa đổi). Luật căn cước công dân (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2024.
Đáng chú ý, trong hồ sơ dự thảo, Bộ Công an đề xuất bổ sung một số nhóm thông tin về sinh trắc học như mống mắt, ADN, giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước.
Như vậy, cơ sở dữ liệu căn cước tới đây có thể sẽ bao gồm 22 trường thông tin cá nhân của công dân gồm:
Họ tên khai sinh, số định danh cá nhân, ngày/tháng/năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, nhóm máu, số chứng minh nhân dân 9 số, ngày cấp và thời hạn sử dụng của chứng minh nhân dân/căn cước công dân, họ tên, số định danh cá nhân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại.
Ngoài ra còn có đặc điểm nhân dạng, thông tin sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói), tên gọi khác, nghề nghiệp (trừ lực lượng vũ trang nhân dân), trình độ học vấn, trạng thái của tài khoản định danh điện tử (khóa, mở, mức độ…).
Với nội dung này của dự thảo, Bộ Y tế đề nghị cân nhắc quy định theo hướng linh hoạt, không bắt buộc đối với thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói.
Trong khi đó, Bộ Công an cho rằng việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với một số người có tiền án, tiền sự phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Những thông tin sinh trắc học trên sẽ do các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc…) thu thập trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật và được chuyển cho cơ quan quản lý căn cước công dân để cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Theo Danh Trọng -tuoitre.vn