Trước ý kiến đề xuất của cử tri một số địa phương liên quan vấn đề dạy thêm, học thêm, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (sửa Thông tư số 17).
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, thầy Nguyễn Danh Bắc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang cho rằng, công tác quản lý đối với việc dạy thêm sẽ khách quan hơn nếu đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đi vào thực tiễn.
Thầy Bắc thông tin thêm: "Lâu nay, việc dạy thêm, học thêm cũng nhiều than phiền, thiếu sự quản lý. Thực tế, không ít cơ sở dạy thêm cũng mặc sức đưa ra các mức giá ép phụ huynh. Thông thường, phụ huynh cũng chỉ nghe truyền tai nhau hoặc thấy cơ sở nào đông người học, có giáo viên của trường có tiếng trong vùng về dạy là mặc định chấp nhận cho con theo học ở đó với mức giá cao.
Khi ấy, thiệt thòi trước hết là với những học sinh của các cơ sở đó, bởi lẽ không có một căn cứ nào để khẳng định, nếu học tại các cơ sở dạy thêm có mức thu cao thì đồng nghĩa chất lượng học tập ở đó cũng sẽ tốt cả.
Vậy nên, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục cách ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở thời điểm này cũng là điều hoàn toàn hợp lý".
Vị Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang cũng cho rằng, có thể sau khi đề xuất này đi vào thực tiễn, với yêu cầu hoạt động như một ngành nghề kinh doanh thì chắc chắn các đội tượng tham gia trong hoạt động đó bắt buộc phải có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề đi kèm.
Qua đó vị này nhận định, cũng có thể xảy ra tình trạng "chạy chọt", mua bán giấy phép con để đủ điều kiện dạy thêm tương tự như các ngành nghề kinh doanh khác. Tuy nhiên, theo thầy Bắc, nếu về mặt quản lý nhà nước thì các giấy phép con này có thể là cần thiết nhưng với phụ huynh có nhu cầu học thêm lại thì điều này không quá nặng nề.
"Nếu cơ sở dạy thêm có tiếng, có chất lượng thì qua thời gian sẽ được học sinh, phụ huynh tự thẩm định và tuyển chọn, từ đó nó sẽ thu hút được người học. Phụ huynh tìm đến các cơ sở dạy thêm cũng chỉ với mục đích bổ trợ kiến thức cho con, các cơ sở dạy thêm cũng không có chức năng cấp văn bằng hay chứng chỉ nên việc cơ sở đó đủ giấy phép hay không là điều phụ huynh không mấy quan tâm", thầy Bắc cho hay.
Ngoài ra vị này cũng nhận định, nếu đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo đi vào thực tiễn thì sẽ có những mặt lợi nhất định trong công tác quản lý. Trong đó có việc, hoạt động dạy thêm sẽ cùng chịu sự giám sát của nhiều cơ quan quản lý. Khi đó, các tiêu chí đánh giá với cơ sở tổ chức dạy thêm cũng được đánh giá khách quan hơn.
Thầy Bắc cho biết: "Có thể hoạt động dạy thêm được công nhận là một ngành nghề kinh doanh thì nó sẽ phải chịu thêm sự giám sát của các cơ quan khác.
Khi có nhiều cơ quan vào cuộc thay vì chỉ mỗi ngành giáo dục đi giám sát như trước đây thì sẽ tránh được việc cả nể, bỏ qua sai phạm. Bên cạnh đó, việc dạy thêm khi được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì nó cũng buộc phải niêm yết giá cả, chất lượng một cách công khai. Điều này sẽ đảm bảo được quyền lợi và công bằng giữa các người học.
Các cơ sở dạy thêm chính thống cũng tự tin khi hành nghề và họ sẵn sàng đóng góp, nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước".
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cũng bày tỏ lo ngại rằng, nếu đề xuất đi vào thực tiễn, việc quản lý không tốt sẽ dễ dẫn đến tình trạng "chạy" giấy phép con bằng mọi cách để hợp thức hóa việc dạy thêm, gây ra nhiều hệ lụy.
"Trên thực tế, nếu đối chiếu với yêu cầu trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay, chúng ta có thể thấy bắt buộc các ngành nghề ấy phải có những tiêu chí riêng để đảm bảo cho việc hoạt động.
Việc dạy thêm cũng là không ngoại lệ nếu nó được công nhận là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì thế, lo ngại của về việc chạy chọt, mua bán giấy phép con hoặc hợp thức hóa các quy định bằng mọi cách để được tổ chức dạy thêm là điều dễ hiểu.
Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có những tính toán kỹ lưỡng để lường trước và hạn chế được những tiêu cực nếu đề xuất này đi vào thực tiễn". Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương nêu quan điểm.
Qua đó, thầy Tuấn Anh chia sẻ thêm rằng, nếu đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng nghĩa với việc Nhà nước phải thu thuế và quản lý nó chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, không nên vì công nhận nó là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà để cho các tổ chức, cá nhân biến tướng để làm méo mó thị trường kinh doanh đó. Nếu để bị méo mó thì nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy và có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động dạy học chính khóa.
"Lâu nay, trong việc dạy thêm một phần xuất phát từ nhu cầu thực sự của các phụ huynh nhưng bên cạnh đó rất nhiều học sinh phải đi học thêm trong tâm thế bị "ép" buộc. Điều này tạo ra tâm lý nặng nề, chi phối rất lớn đến học sinh trong giờ học ở trường", thầy Tuấn Anh cho hay.
Vị này cũng cho rằng, hiện hoạt động dạy thêm đang thiếu sự quản lý chặt chẽ nên mức thu phí dạy thêm ở mỗi nơi là khác nhau, cũng không có quy định siết chặt các mức thu nên nở rộ các cơ sở dạy thêm và loạn về giá cả.
Bên cạnh đó, lâu nay việc giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý đối với việc này chỉ mang tính "thời vụ" hoặc "cao điểm", nên lúc làm mạnh thì các cơ sở thông báo nhau để giải tán. Lúc lắng xuống thì các cơ sở này lại hoạt động mạnh trở lại, thách thức dư luận.
"Nhiều nơi khi bị các cơ quan quản lý phát hiện là cố tình "lách luật" hoặc dạy thêm chui, vi phạm các quy định nhưng khi xử phạt, mức phạt không đáng là bao so với thu nhập từ các buổi dạy thêm.
Vì thế, các cơ sở vẫn hoạt động theo kiểu "cố đấm ăn xôi" mà không sợ bị xử phạt thêm lần nữa. Tôi kỳ vọng, nếu đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đi vào thực tiễn nó sẽ xóa bỏ được những tồn tại trong hoạt động dạy thêm hiện nay", thầy Tuấn Anh bày tỏ.
Theo Trung Dũng - giaoduc.net.vn