Bị lộ, năm 1937, phải trốn sang Pháp vừa làm vừa học, 3 năm sau (1940), ông tốt nghiệp 3 bằng kỹ sư: Cơ điện, Đúc, Công nghệ và là đảng viên cộng sản Pháp từ tháng 7/1939.
Sinh thời có nhiều đóng góp cho Tổ quốc nhưng có lẽ cuộc đời ông có 2 sự việc để lại dấu ấn sâu sắc. Đó là, Võ Quý Huân được Hồ Chủ tịch mời cùng Người từ Pháp trở về nước cuối năm 1946 và, mẻ gang đầu tiên của ngành Công nghiệp non trẻ do chính tay ông cùng các cộng sự rót ra, góp phần tạo nên những trái bom, những quả mìn diệt giặc Pháp.
Được Cụ Hồ chọn về nước cuối năm 1946
Là một trong những kỹ sư đúc - luyện kim người Việt đầu tiên tốt nghiệp tại Pháp, ông làm việc tại nhiều công ty, nhà máy. Mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, ông tích cực hoạt động trong phong trào của Việt kiều hướng về Tổ quốc. Tháng 8/1945, nghe tin Cách mạng Tháng Tám thành công, ông cùng các Việt kiều (là đảng viên cộng sản Pháp) thành lập “Việt Nam đồng chí Hội” rồi ông làm thư ký cho Hội Pháp -Việt và Hội Việt - Pháp hữu nghị. Tháng 3/1946, khi phái đoàn Chính phủ ta sang Pháp đàm phán tại Hội nghị Phông-ten Nơ-blô, ông đã cùng Hội Việt kiều tổ chức cho bà con ta ra sân bay đón đoàn, sau đó là người giao dịch cho phái đoàn những ngày ở Paris.
Bà con Việt kiều thời ấy kể lại, Võ Quý Huân thoăn thoắt như con thoi. Với máy quay phim trên tay, ông luôn bấm máy chọn những hình ảnh tư liệu quý giá có hình ảnh Hồ Chủ tịch. Khi về nước, những tư liệu quý báu này được bàn giao cho ông Nguyễn Sơn. (Năm 1974, khi sang Pháp làm bộ phim “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” ghi lại thời gian Bác sống và hoạt động tại đây, đạo diễn điện ảnh Phạm Kỳ Nam đã sưu tầm đuợc hơn 1.000 thước phim tư liệu do 2 ông Mai Trung Thứ và Võ Quý Huân quay khi Bác sang Pháp năm 1946).
Cũng chính thời gian này, Võ Quý Huân được gần gũi nhiều với Bác. Con người, tính cách của Người đã để lại trong ông những ấn tượng đặc biệt. Từ khâm phục ở đức độ, tài năng, ông đem lòng yêu mến rồi đặt niềm tin tưởng hoàn toàn ở Người.
Thấy kết quả của hội nghị bất thành, Hồ Chủ tịch cho gọi số trí thức gần gũi lần lượt lên gặp. Bác bảo: “Hội nghị Phông-ten Nơ-blô không thành công, Bác sắp về nước. Các chú chuẩn bị để vài ngày nữa chúng ta lên đường. Chú đã sẵn sàng chưa?”. Cũng chỉ cần viết đơn xin nghỉ việc, còn mọi thủ tục khác đã có người lo (vì Hội Việt kiều yêu nước khi đó hoạt động khá mạnh, người ở lại sẵn sàng giúp người ra đi).
Ngày 16/9/1946, chuyến tàu hỏa đặc biệt, có 2 toa dành riêng, đưa Bác Hồ và đoàn tùy tùng rời Paris xuôi về phía nam. Trên tàu có 6 người tháp tùng: thư ký Đỗ Đình Thiện (tư sản yêu nước, đảng viên cộng sản Pháp, người lo tài chính cho chuyến đi), đại tá cận vệ Vũ Đình Huỳnh cùng 4 trí thức Việt kiều: bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư mỏ - luyện kim Võ Đình Quỳnh, kỹ sư Phạm Quang Lễ (sau này là Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa) và kỹ sư đúc - luyện kim Võ Quý Huân. Số Việt kiều là trí thức yêu nước không ít nhưng cũng không thể mời về quá nhiều vì nước ta còn nghèo, nên Bác đã chọn một bác sĩ sẽ biết tổ chức chăm lo sức khỏe cho dân và 3 kĩ sư có thể khai khoáng, luyện kim và chế tạo ra bom đạn.
Ông Phạm Quang Lễ thì khá đơn giản vì đang sống độc thân; còn ông Tước và ông Huân phải có những thu xếp khéo léo với gia đình riêng. Ông Huân thì có người vợ Pháp gốc Nga cùng cô con gái. Ông hứa về nước một thời gian rồi sẽ quay lại đón mẹ con cùng về.
Từ cảng Toulon, Thông báo hạm Dumont d’Urville của Hải quân Pháp đưa Hồ Chủ tịch về Việt Nam vào sáng 19/9/1946. Suốt một tháng lênh đênh trên biển, trên chính chiến hạm của kẻ địch có trang bị đại bác 155 mm, pháo phòng không, súng đại liên cùng 150 sĩ quan, thủy thủ do một đại tá chỉ huy, có khác gì “chim treo trên lửa”! Nhưng Bác cùng đoàn tùy tùng đã vượt qua mọi khiêu khích; thậm chí các sĩ quan, thủy thủ Pháp trên tầu phải nể trọng.
Ngày 20/10/1946, Thông báo hạm cập cảng Hải Phòng. Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cùng nhân dân Hải Phòng chào đón nồng nhiệt…
Mẻ gang đầu tiên
Trở về nước, kỹ sư Phạm Quang Lễ được giao ngay trọng trách – Cục trưởng Cục Quân giới, còn kỹ sư Võ Quý Huân – Giám đốc Sở Khoáng chất kỹ nghệ Trung bộ.
Ngày 19/12/1946 – toàn quốc kháng chiến, Võ Quý Huân chỉ huy sơ tán 2 nhà máy Xe lửa Tràng Thi và Điện Bến Thủy lên rừng núi phía tây. Các nhà máy Kinh tế 1, 2, 3 cùng trường Cán bộ kỹ thuật Trung bộ lần lượt được thành lập.
Tại Nhà máy Kinh tế 3 đã xây dựng lò cao sản xuất gang đầu tiên, phục vụ kháng chiến, sau được gọi là Nhà máy Kim khí kháng chiến (gọi tắt 3KC) do Võ Quý Huân làm giám đốc kiêm “tổng công trình sư” thiết kế lò cao 3KC1. Cộng sự lúc đó gồm: đốc công Lê Tiến Văn, tổ trưởng luyện gang Lê Huy Yêm, Nguyễn Thái Đồng – công nghệ luyện cốc, Lê Khánh Cư – phụ trách năng lượng...
Mày mò, thử nghiệm. Chiều 15/11/1948, mẻ gang đầu tiên - từ quặng sắt Vân Trì, Nghi Lộc, Nghệ An đã được nhiệt luyện, nóng chảy trong lò cao 450 lít (lò cao 2,4 m, nhiệt độ lò: 400 độ C, áp lực gió 400 mm cột nước). Dòng suối gang chảy ra trong sự reo hò của cán bộ, công nhân nhà máy cùng bà con Cầu Đất, Con Cuông, Nghệ An. Bà con địa phương mừng lắm, dắt ngay con bò mộng sang tặng để giết thịt ăn mừng những thỏi gang đầu tiên.
Trước niềm vui này, 3 công nhân Hiếu, Huệ, Thư tha thiết đề nghị giám đốc cho dùng các thỏi gang đầu tiên đúc tượng Bác Hồ để cảm ơn Người đã đưa các trí thức yêu nước từ Pháp về, xây dựng lò luyện kim ngay trên quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh. Anh em muốn báo cáo với Bác “ngành Đúc - Luyện kim non trẻ sẵn sàng có sản phẩm phục vụ kháng chiến”.
Ông Huân bằng trí tưởng tượng của mình và kỷ niệm thời gian sống cùng Người ở Pháp đã thiết kế xong khuôn tượng bán thân. Ba công nhân (chưa một ngày học kỹ thuật đúc) đã mày mò trong 5 ngày và cho ra bức tượng của Bác. Ai xem cũng khen rất giống. Bức tượng được chuyển về Sở Khoáng chất kỹ nghệ Trung bộ rồi đầu 1949 được đem đi triển lãm ở Liên khu IV, sau đó chuyển ra Việt Bắc.
Sau đó, lò cao 3KC2, 3KC3 với dung tích 1 mét khối lần lượt ra đời. Đồng chí Trần Đăng Ninh vào tận nơi kiểm tra. Sau đó Tổng giám đốc Nha Khoáng chất kỹ nghệ vào và có báo cáo bằng thơ ra Việt Bắc:
Than Khe Bố hết xấu rồi
Thượng lò lớn, nhỏ đồng thời ra gang
Kính thưa Thứ trưởng Đỗ Hoàng
Định ngày vào để sửa sang khánh thành
Theo sau đó, những trái mìn, những quả lựu đạn, những vũ khí “made in Vietnam” được chế tạo theo thiết kế của ông Trần Đại Nghĩa và sản xuất đại trà bằng gang của Võ Quý Huân lần lượt ra chiến trường, góp phần vào công cuộc kháng chiến.
Không chỉ cho ra gang mà còn dạy ra người
Không chỉ là người làm ra mẻ gang đầu tiên, mà Võ Quý Huân còn là người thầy đào tạo ra những “thợ cả” đầu tiên chuyên ngành Đúc - Luyện kim Việt Nam. Các học trò của ông từ thời kháng chiến: Hà Học Trạc, Hoàng Bình, Thái Duy Thẩm, Nguyễn Đình Nam, Nguyễn Hựu, Nguyễn Thái Đồng, Phan Cầu… và sau ngày hòa bình 1954: Trần Lum, Lê Ba, Trần Bạch Đằng, Vũ Đình Hoành… đều trở thành những cán bộ chủ chốt trong ngành Đúc - Luyện kim và của Bộ Công nghiệp nặng. Sau này, ông được bầu là Phó Chủ tịch đầu tiên của Hội Đúc - Luyện kim.
Chuyện riêng sau này mới kể
Công lao của ông với đất nước là rất lớn nhưng không thể không nhắc đến sự hy sinh hạnh phúc cá nhân cho dân tộc. Khi trở về nước, ông phải xa vợ và con gái. Không ngờ, cuộc chia ly ấy kéo dài hàng chục năm.
Không thể quay lại Pháp ngay. Thời gian trôi qua, ông xây dựng gia đình mới. Với tình yêu tha thiết với ngành nghề mà con trai đầu - sinh đúng thời gian cho ra mẻ gang đầu tiên - được đặt tên Võ Quý Gang Anh Hào, sau này là Võ Quý Thép Hăng Hái.
Nhưng cũng chừng ấy năm, ông trăn trở vì còn gia đình ở lại Pháp. Thậm chí, Võ Quý Việt Nga - con gái ông - từng “mang hận với người cha thất hứa”. Trước khi nhắm mắt (tháng 9/1967) ông trăng trối hết với tổ chức và gia đình.
Và cũng phải gần 50 năm sau ngày chia ly, con gái Võ Quý Hòa Bình cùng cháu ngoại của ông đã đến Paris, tìm đến nhà chị Việt Nga. Cuộc trùng phùng với đầy nước mắt đã làm chị Việt Nga hiểu hơn về người cha Võ Quý Huân đã hi sinh hạnh phúc và sự nghiệp để phụng sự Tổ quốc. Gia đình đoàn tụ, âu cũng làm cho ông dưới suối vàng thanh thản.
Ông đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 1999) và điều chỉnh lên hạng Nhất (năm 2011). Nhân dịp này, con đường chạy qua Đại học Công nghiệp Hà Nội được mang tên thầy Võ Quý Huân.
Võ Quý Huân, một trí thức yêu nước, đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho dân tộc. Nhân dân không bao giờ quên ông!