Sôi động hoạt động công nghiệp, thương mại, xuất khẩu
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An chia sẻ niềm vui cuối năm, khi cả 3 chỉ tiêu quan trọng của ngành Công Thương đều đạt vượt mức kế hoạch. Đó là: Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 113.027 tỷ đồng, tăng 16,38% so với năm 2023; Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 107.000 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2023, tăng 15,05% so với kế hoạch; Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 3,7 tỷ USD, tăng 28,38% so với năm 2023, vượt 23,33% so với kế hoạch năm 2024.
Năm qua, ngành Công Thương tỉnh nhà chú trọng tái cơ cấu ngành công nghiệp và thu hút đầu tư theo hướng có chiều sâu, chuyển dịch sản phẩm truyền thống sang công nghệ cao, góp phần đưa sản phẩm Nghệ An tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Công nghiệp hỗ trợ tiếp tục phát triển, nhất là lĩnh vực sản xuất linh phụ kiện điện tử, phụ tùng ô tô. Ngành dệt may, da giày với mục tiêu hướng đến đầu tư vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ sản xuất thông minh trong các khâu sản xuất trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
Nhiều doanh nghiệp (nhà đầu tư trong nước) vượt qua khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh, thuộc tốp đầu trong thu nộp ngân sách của tỉnh như sữa, đường, tôn, thép, bia…
Đối với hoạt động xuất khẩu, tỷ lệ hàng thô chưa qua chế biến giảm, hàng công nghiệp và hàng qua chế biến tiếp tục tăng. Doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ngày càng tăng với gần 400 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 250 doanh nghiệp Nghệ An. Thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Nghệ An liên tục được mở rộng qua các năm. Đến năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu hàng hóa sang 150 nước và vùng lãnh thổ, tăng 26 thị trường so với năm 2020.
Trong hoạt động thương mại, nguồn cung hàng hóa dồi dào, các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực thực phẩm… giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Năm 2024 được xác định là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi, đẩy mạnh và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, ngành Công Thương Nghệ An đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa; khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp quan trọng, tích cực vào phát triển kinh tế của tỉnh.
Lãnh đạo Sở Công Thương tham gia hội nghị kết nối cung cầu tại Phnom Penh, Campuchia tháng 8/2024. Ảnh: TH
Làm rõ hơn về những kết quả đạt được, ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Bám sát các nhiệm vụ chỉ tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Nghị quyết, chương trình, kế hoạch chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương, của HĐND-UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Sở Công Thương đã xây dựng 10 kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo Sở (Quyết định số 13/QĐ-SCT.KHTCTH ngày 18/01/2024) đảm bảo phát huy tính dân chủ, chủ động, linh hoạt, sáng tạo và có trách nhiệm trong công tác chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công.
Với vai trò giúp việc Tổ Công tác chỉ đạo tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp của tỉnh, cùng với chỉ đạo phương án sản phẩm công nghiệp chủ lực theo kịch bản tăng trưởng, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện và các doanh nghiệp, nhà đầu tư nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đồng thời báo cáo UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo xử lý.
Cũng trong năm qua, ngành tích cực triển khai các dự án lưới điện trọng điểm đáp ứng tiến độ, như đường dây 500kV mạch 3. Đồng thời, tích cực chuẩn bị mời gọi đầu tư dự án nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập công suất 1.500MM với tổng mức trên 2 tỷ USD. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, khuyến công, công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ hạ tầng cụm công nghiệp; hỗ trợ thương mại điện tử.
Công tác kiểm tra, kiểm soát và ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, triển khai thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam gắn với phát triển thị trường trong nước và các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, triển khai ứng dụng thương mại, phát triển kinh tế số, thương mại điện tử... tiếp tục được quan tâm phát triển mạnh. Tích cực phối hợp với Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương thường xuyên thông tin tình hình thị trường, sản phẩm, qua đó, kết nối, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và mở rộng, xúc tiến thị trường xuất khẩu.
“Năm 2025, ngành Công Thương Nghệ An đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 130.600 tỷ đồng, tăng 15,55%/năm 2024; Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 12,1%; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4.500 triệu USD, tăng 21,62%, đạt mục tiêu giao tại Đề án Phát triển xuất khẩu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025.
Để đạt mục tiêu đề ra, ngành Công Thương tiếp tục huy động nguồn lực triển khai các nhiệm vụ phát triển công nghiệp, thương mại được giao tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Tập trung thực hiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch điện VIII; Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…