Theo báo cáo từ Hiệp hội Chế biến thủy sản (VASEP) kết quả xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2024, đạt gần 3,6 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kì năm 2023. Trong số các sản phẩm chính, mực, bạch tuộc và các loại cá khác có giá trị xuất khẩu thấp hơn so với cùng kì năm ngoái, giảm lần lượt 1% và 3%.

Xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt tăng 7% và 4%, trong khi xuất khẩu cua ghẹ tăng mạnh nhất đạt 84%, cá ngừ cũng tăng tích cực với 22%, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng 13%.

Phân tích về thị trường, trong top 4 thị trường hàng đầu, chỉ có Mỹ có dấu hiệu tích cực hơn với tăng trưởng 7%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương cùng kì năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%.

Sự phục hồi chậm và dè dặt của các thị trường, áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu và nguồn cung cùng với những khó khăn trong sản xuất chế biến trong nước như chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt... đang và sẽ tiếp tục tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024.

gf-1721269850.jpg
Chế biến cá tra xuất khẩu.

Theo dự báo từ VASEP, xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 sẽ đạt 4,4 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kì năm 2023. Kì vọng sau quý II/2024, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại vào quý III - thời điểm nhu cầu cao phục vụ lễ Tết cuối năm.

Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, ngành thủy sản đang đối mặt với tình hình thiếu hụt nguyên liệu cả nuôi trồng lẫn đánh bắt tự nhiên. Nguồn hải sản khai thác gặp khó khăn khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu nên phải thêm nguồn cung từ nhập khẩu. Tuy nhiên, quy định của thị trường EU và các quy định mới của Việt Nam liên quan đến khai thác IUU đang khiến cho nút thắt nguyên liệu thêm tắc nghẽn.

Đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, cá tra, hải sản kiến nghị cần xây dựng hình ảnh và marketing cho cá tra Việt Nam, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất xuất khẩu cá ngừ, tiềm năng xuất khẩu mực - bạch tuộc, surimi của Việt Nam…

Chia sẻ về những khó khăn của ngành tôm, ông Đỗ Ngọc Tài, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản Tài Kim Anh cho rằng, xuất khẩu tôm của Việt Nam hiện đã có mặt ở hơn 100 thị trường. Trong top 5 thị trường lớn, thị trường Mỹ tăng khoảng 5%, châu Âu tương đương năm ngoái; thị trường Nhật Bản giảm 4% chủ yếu là hàng chế biến; thị trường Trung Quốc tăng 41%. Tuy nhiên, dự báo những tháng cuối năm, tôm Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ khó khăn.

Ngoài ra, một trong những khó khăn được các doanh nghiệp đề cập là giá cước tàu biển tăng mạnh. Trong đó, cước tàu đi Mỹ tăng đột biến 40% từ tháng 5/2024; cước tàu đi EU tăng 60%... do chiến tranh ở Trung Đông và Trung Quốc gom container rỗng dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kì hạn áp thuế mới.

Để đạt mục tiêu đặt ra, các doanh nghiệp cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường, trong đó cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc, đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam, đồng thời cập nhật thông tin từ các thị trường để đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.

Để xuất khẩu thủy sản bền vững, điều quan trọng nhất hiện nay là gỡ được thẻ vàng IUU; doanh nghiệp đa dạng sản phẩm xuất khẩu; thúc đẩy xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước; tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, điểm nghẽn ảnh hưởng đến xuất khẩu… Đặc biệt, để gỡ thẻ và IUU, các tỉnh phải quan tâm quản lí đội tàu đánh bắt hải sản, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, truy đến cùng những cảng cá vi phạm, yêu cầu xử lí hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng.