Phát triển bền vững - Yêu cầu tất yếu đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, quy mô xuất khẩu của Việt Nam ngày càng mở rộng và đạt mức cao, tăng từ 96,91 tỷ USD năm 2011 lên 371,30 tỷ USD năm 2022, gấp 3,8 lần. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trên GDP năm 2022 chiếm 90,1% (năm 2011 là 72,7%). 

Tuy nhiên, việc mở rộng xuất khẩu có nguy cơ gia tăng áp lực ô nhiễm do khai thác nhiều các nguồn lợi tự nhiên. Theo ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương trích trên Tạp chí Tài chính: “Xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua phát triển chưa bền vững. Việc mở rộng xuất khẩu đang có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường”. 

Áp lực từ biến đổi khí hậu cũng đặt ra thách thức cho ngành xuất khẩu Việt Nam trong việc duy trì chất lượng sản phẩm. Điều này dễ nhận thấy đối với các sản phẩm nông sản. 

Tại những khu vực chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn và hạn hán vào mùa khô, nguồn nước tưới không đảm bảo dẫn đến khó đạt năng suất và chất lượng cao. Nếu chất lượng nông sản đạt yêu cầu thì chi phí đầu tư cũng sẽ lớn, khó cạnh tranh với nông sản của các quốc gia khác.

Do đó, định hướng xuất khẩu bền vững là vấn đề cấp bách đối với nước ta trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế sắp tới, với mục tiêu hài hòa giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng nhanh, bảo vệ môi trường.

Yêu cầu về sản phẩm “xanh” ngày càng cao

Phát triển bền vững (PTBV) không chỉ là vấn đề nội tại quốc gia, các thị trường xuất khẩu của Việt Nam cũng đang đặt ra những yêu cầu nhập khẩu cao hơn. 

Tháng 4/2023, Nghị viện châu Âu thông qua dự luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản như cà phê, ca cao, gỗ và cao su… có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng.

Tiếp đó, từ 1/10/2023, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) bắt đầu đi vào hoạt động. Theo đó, tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) trong các lĩnh vực công nghiệp có cường độ carbon cao (thép, nhôm, xi măng, phân bón…) sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh.

kl-1698306314.PNG
Sản phẩm “xanh” được người tiêu dùng quốc tế ngày càng quan tâm, ưa chuộng. Ảnh: Vi Nam

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều quy định phi thuế quan ngặt nghèo hơn từ các thị trường trong Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các yêu cầu bảo vệ môi trường, bao gồm đa dạng sinh học, giảm phát thải… 

Để chinh phục thị trường ngoại, các doanh nghiệp không chỉ cần vượt qua những “hàng rào xanh” để thuận lợi xuất khẩu. Quan trọng hơn là thu hút được người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm và khắt khe hơn các tiêu chuẩn sản phẩm thân thiện môi trường.

Sản phẩm “xanh” - Thách thức và cơ hội chinh phục thị trường quốc tế

Tiêu biểu cho các doanh nghiệp thực hiện chiến lược sản xuất, kinh doanh bền vững có thể kể đến Vinamilk, doanh nghiệp Việt đã có thị phần ở gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu khắt khe của Singapore, Nhật Bản, New Zealand…

Vừa qua, Vinamilk được đánh giá thuộc Top 5 thương hiệu sữa có tính bền vững cao nhất toàn cầu và dẫn đầu tại Việt Nam. Đặc biệt, điểm nhận thức về tính bền vững của doanh nghiệp này được đánh giá cao nhất, vượt qua nhiều tên tuổi lớn khác trong ngành sữa thế giới.

hj-1698306351.PNG
Các sản phẩm Vinamilk có mặt tại các thị trường xuất khẩu yêu cầu cao về tính bền vững 

Ông Võ Trung Hiếu - Giám đốc Kinh doanh quốc tế Vinamilk, chia sẻ, “Hiện nay hầu hết các đối tác của chúng tôi ở các nhóm thị trường phát triển đã đề cập về yếu tố phát triển bền vững. Vinamilk đã và đang chủ động chuyển đổi phương thức hoạt động, tăng cường đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo phát triển nhân lực, tích cực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm thích ứng với điều kiện mới”.

Tại New Zealand và Úc, nơi có yêu cầu cao về yếu tố môi trường, Vinamilk đặt mục tiêu trước 2025 toàn bộ các sản phẩm xuất khẩu sang 2 thị trường này đều sử dụng bao bì HDPE (bao bì dễ tái chế). Hiện các sản phẩm xuất khẩu cung ứng đến New Zealand và Úc đều không có ống hút nhựa, nắp dễ mở hơn nhằm giảm rác thải nhựa ra môi trường. 

Việc nhận định và đánh giá khá sớm sự quan trọng của yếu tố phát triển bền vững giúp doanh số của Vinamilk tại châu Úc tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Sản phẩm được phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn Costco, Woolworths, Coles, Aldi, Foodstuff… và liên tục có các dự án phát triển sản phẩm mới cho thị trường này.

lm-1698306375.PNG
Vinamilk dự kiến trước 2025 toàn bộ các sản phẩm xuất khẩu sang Úc & New Zealand đều sử dụng bao bì HDPE

Mới đây, Vinamilk cũng ký kết hợp tác đưa sản phẩm sữa chua vào thị trường tỷ dân – Trung Quốc. Các sản phẩm sữa chua được sản xuất trên dây chuyền khép kín theo Hệ thống quản lý chất lượng quốc tế ISO 9001:2015 và tiêu chuẩn FSSC 22000, áp dụng công nghệ lên men tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản nhằm đảm bảo tính an toàn và vệ sinh.

Với những giá trị và tiềm năng của xu hướng xuất khẩu bền vững, Vinamilk cũng sẽ phát triển ở các nhóm thị trường có thu nhập cao ở châu Á, châu Mỹ và nhóm thị trường truyền thống đã khai thác trong giai đoạn vừa qua.

Có thể thấy, với nhiều giá trị lâu dài, phát triển bền vững chính là “chìa khoá” để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu, tạo thiện cảm với người tiêu dùng, khẳng định chỗ đứng trên thị trường quốc tế.