Theo đó, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc trong 6 tháng đầu năm tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu khác cũng tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước như chè tăng 67%, thép và phôi thép tăng hơn 34%. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu chung của toàn tỉnh đạt khá.
Thời gian vừa qua, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt hơn 1,33 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2022. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh vẫn là sản phẩm thép và phôi thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Đây cũng là mặt hàng đạt mức tăng cao trong 6 tháng với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,23 tỷ USD.
Những tín hiệu tích cực trong xuất khẩu 6 tháng đầu năm cho thấy các doanh nghiệp đã nỗ lực trong phát triển thị trường, tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và sự phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, bên cạnh những nhóm hàng tăng trưởng tích cực thì vẫn có những nhóm hàng xuất khẩu đang hết sức khó khăn. Trong đó, 3 ngành hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm là dăm gỗ (giảm 42%); thủy sản (giảm 17%); xơ, sợi dệt (giảm 40%).
Đơn cử như mặt hàng dăm gỗ những tháng đầu năm 2023 đạt kim ngạch xuất khẩu thấp so với cùng kỳ do giá dăm gỗ giảm mạnh và nhu cầu từ thị trường đối tác giảm, dẫn đến đơn hàng sụt giảm. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu xơ, sợi dệt đã phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng từ năm 2022 tới nay.
Riêng với ngành thủy sản, không chỉ tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu khắt khe hơn, đơn hàng giảm mà còn chịu ảnh hưởng của nguồn nguyên liệu khan hiếm và tăng giá. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần tập trung hơn nữa vào việc nắm bắt tình hình thị trường để chủ động kế hoạch sản xuất, sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường phục hồi và tìm những hướng đi mới phù hợp.
Thời gian tới, các cơ quan ban ngành của nhà nước cần tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ liên quan đến xuất khẩu; tuyên truyền để cán bộ công chức, hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nâng cao hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia; kịp thời cập nhật và cung cấp các thông tin về thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp.
Tỉnh và ngành công thương cùng với Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tăng sức cạnh tranh; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, góp phần đa dạng sản phẩm của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung. Dự báo, một số ngành hàng xuất khẩu sẽ khởi sắc hơn trong những tháng cuối năm, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp, ngành hàng phải nỗ lực hơn để nắm bắt cơ hội từ thị trường, tổ chức tốt và đáp ứng năng lực sản xuất kinh doanh.
Dù còn chịu ảnh hưởng trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới, song với hơn 1,33 tỷ USD đã đạt được trong nửa đầu năm, đây sẽ là “đòn bẩy” thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Hà Tĩnh hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra trong năm 2023 với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu là 2 tỷ USD.