d-1724719543.jpg
Một góc bản Nậm Khiên hôm nay.

Bản Nậm Khiên mùa này mờ nhạt trong sương mù, thấp thoáng xa xa những ngôi nhà gỗ nằm thưa thớt bên những cây đào cổ thụ. Nhà ông Lầu Xái Phia ở bên một ngọn đồi, phong thủy hữu tình. Từ đây có thể quan sát được những ngôi nhà của các hộ gia đình khác.

Nghe tiếng khách tới nhà, ông bước ra niềm nở đón tiếp. Vừa rót nước tiếp khách ông vừa bảo: “Phong tục người Mông mình thường là tiếp khách quý bằng hai chén rượu, đi hai chân cho vững rồi mới nói chuyện. Nhưng tục ấy không tốt nên bỏ dần đi là vừa”. Có lẽ đó cũng là một câu nói vui của ông vì quý khách. Khi chúng tôi hỏi chuyện ông là một trong những già làng có uy tín nhất ở huyện Kỳ Sơn này, ông khiêm tốn nói rằng, đó chẳng qua người ta nói vậy thôi chứ bản thân ông làm việc với một mục đích duy nhất là muốn làm cho bản làng tốt đẹp hơn.

Sinh năm 1947 tại bản Nậm Khiên khi đất nước còn chịu bao nhiêu đau thương, chiến tranh. Bản làng không một ngày bình yên. Những ngày đó, người Mông nhận thức còn thấp lắm, họ chỉ cầu mong sự bình yên cho bản thân. Mới 18 tuổi, chàng trai Lầu Xái Phia đã xa gia đình đi hoạt động cách mạng. Được Đảng giao cho phụ trách công việc Đoàn và phụ trách y tế, chàng thanh niên ấy đã nỗ lực hết mình vận động thanh niên người Mông tham gia các hoạt động cách mạng. Năm 1966, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Ông là người con đầu tiên của dòng họ Lầu ở Nậm Khiên có được vinh dự ấy.

Trò chuyện với chúng tôi, đôi mắt ông như rực sáng khi kể về những năm tháng đầy gian khổ nhưng rất đỗi vinh quang ấy. Ngày đó, địch lôi kéo, dụ dỗ những thế lực phản động bên kia biên giới về quấy phá các địa bàn biên giới của huyện Kỳ Sơn, làm cho tình hình an ninh chính trị vùng biên ngày càng phức tạp. Ông lại phải xa gia đình, bao nhiêu tiền bạc của gia đình tích góp được ông đều mang theo quyên góp cho cách mạng.

“Mình phải bỏ tiền ra để vận động các hộ gia đình an cư lạc nghiệp, không nghe theo lời địch. Dân trí còn thấp, ai cho gì là họ theo thôi nên mình cũng phải làm như vậy mới mong giữ được dân”. Ông tập hợp tất cả các già làng, trưởng bản trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đi đến từng nhà dân vận động, tuyên truyền. Nhờ vậy mà trong một thời gian dài, tình hình an ninh trên địa bàn huyện trở nên ổn định”, ông Phia chia sẻ.

Năm 1976, ông Phia được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Nậm Càn và đảm nhiệm chức vụ Bí thư từ năm 1976 đến năm 2005. Đó là thời kỳ khó khăn nhất. Khi Đảng và Nhà nước có chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, ông lại hăm hở vào cuộc. Ông xách dao lên rẫy của mình phát và đốt hết hơn 1,5ha cây thuốc phiện mặc cho vợ con can ngăn. Dòng họ Lầu thấy ông làm thế cũng vô cùng ngỡ ngàng nhưng rồi họ nghĩ, ông đã làm thế thì chắc là đúng. Vậy là dòng họ của ông cũng phá hết số cây anh túc còn lại. Sau đó ông lại lặn lội vào các bản khác vận động bà con xóa bỏ loại cây này.

i-1724719568.jpg
Ông Lầu Xái Phia đang vận động người dân thực hiện nếp sống mới.

Ông bảo, kỷ niệm đáng nhớ nhất là vào bản Thăm Hín để vận động. Khi vào đến bản, nhà nào nhà nấy đều dựng một cây trước nhà, trên cây có cắm vào 3 viên đạn. Ý nói rằng, cán bộ nào đến để xóa bỏ cây thuốc phiện của họ thì sẽ như cái cây này. Lúc đó nhiều người tỏ ra nhụt chí nhưng ông vẫn kiên quyết, một lần không được thì nhiều lần. Mưa dầm thấm lâu, dần dần người dân cũng nhận ra tác hại của cây anh túc và phá bỏ chuyển sang chuyên canh các loại cây khác. Bây giờ, các loại giống cây do ông mang về như gừng, khoai sọ, dứa… đã phát huy hiệu quả mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn cho Nhân dân trong xã. Ông hồ hởi khoe với chúng tôi về tấm Bằng khen xóa bỏ cây thuốc phiện do chính quyền trao tặng trong thời gian ấy với ánh mắt đầy niềm tự hào.

Khi xóa bỏ được cây thuốc phiện, chưa kịp ngơi nghỉ thì đến nạn phỉ hoành hành trên biên giới. Ông lại sát cánh cùng cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Càn xua đuổi, quét trừ bọn phỉ và đến từng hộ gia đình vận động họ không theo phỉ, không tiếp tay cho phỉ. Nhờ vậy, xã Nậm Càn đã trở lại bình yên vào năm 2005.

Ông về nghỉ hưu khi bản làng đã trở lại yên bình, bà con chăm lo sản xuất phát triển kinh tế. Các con, cháu ông bây giờ đã trưởng thành, theo gương bố cống hiến sức mình cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Con ông có người làm Bộ đội Biên phòng, người làm giáo viên, người làm bác sĩ... Phải khẳng định rằng, thật khó có được một tấm gương như ông ở vùng cao này. Ông bảo rằng, dù đã già nhưng những cuộc họp quan trọng ở xã chưa bao giờ thiếu mặt ông mặc dù phải đi bộ 5 km từ bản lên nhưng còn sức là ông còn cống hiến.

Chia tay ông khi mặt trời đã lên cao, ánh sáng của buổi trưa đã xua tan sương mù dày đặc bao trùm lên bản. Ông tiễn chúng tôi bằng những cái bắt tay thật chặt. Bản làng khuất dần sau dãy núi nhưng chúng tôi vẫn thấy bóng dáng của một cây đại thụ sừng sững giữa đại ngàn xứ Nghệ.