g-1724636032.PNG
Người dân Tường Sơn từ già đến trẻ ai ai cũng có thể làm bánh gai

Nghề làm bánh gai có từ bao giờ, những người già nhất ở xã Tường Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) cũng không còn nhớ. Chỉ nhớ rằng, từ nhỏ, họ đã theo cha mẹ làm ra thứ bánh đen hoắc này. Bánh có màu đen đặc trưng từ lá gai không dễ thu hút thực khách về vẻ bề ngoài nhưng lại gây ấn tượng bởi hương vị và sự thơm ngon đặc biệt.

Cặm cụi ngồi cắt lá chuối khô thành từng tấm rồi dùng khăn lau sạch mặt lá, bà Nguyễn Thị Phượng (70 tuổi, trú xã Tường Sơn) cho biết, bánh gai xứ Dừa xưa nay được xem là món ăn chơi, được người dân trong vùng làm để ăn quanh năm. Dần dần, món bánh này được nhiều người từ khắp nơi ưa chuộng. 

Theo hình thức cha truyền con nối, nghề làm bánh gai được gìn giữ từ nhiều đời cho đến ngày nay. Hầu hết người dân Tường Sơn, từ già đến trẻ ai cũng biết làm bánh. Gia đình nào không tự mở lò làm ở nhà thì đi làm thuê cho các cơ sở làm bánh trong xã. Vì thế, người dân trong xã gần như ai ai cũng biết làm ra sản phẩm đặc trưng của xứ Dừa.

Bà Bùi Thị Lan - chủ một cơ sở sản xuất bánh gai tại xã Tường Sơn - cho biết, ban đầu, gia đình bà chỉ kinh doanh nhỏ lẻ, chủ yếu bán cho người dân địa phương và các vùng lân cận, khách thập phương qua lại. Nhưng lâu dần khách đông, bà phải thuê thêm lao động, mang bánh chào hàng nhiều nơi để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

gg-1724636075.PNG
Mỗi người một công đoạn, từ vò bánh, lau lá... cho tới gói bánh

Mỗi ngày cơ sở của bà sản xuất gần 5.000 chiếc bánh cung cấp cho thị trường. Vào cao điểm mùa hè, khi lượng khách du lịch đông và vào dịp Tết Nguyên đán, số lượng bánh sản xuất mỗi ngày tăng gấp nhiều lần, do đó ngoài 20 lao động thường xuyên, cơ sở phải sử dụng thêm nhiều lao động.

Theo bà Lan, là nghề thủ công truyền thống nên không cần nhiều kỹ năng, hầu như ai quen tay đều có thể làm được bánh gai. Lao động ở đây chủ yếu là phụ nữ, người cao tuổi và học sinh, tranh thủ thời gian nghỉ học hay mùa nông nhàn kiếm thêm thu nhập. Nếu nguyên liệu được chuẩn bị sẵn, một ngày mỗi người có thể làm được hàng trăm chiếc bánh.

mm-1724636104.PNG
Mỗi chiếc bánh chỉ bé vừa một lần ăn
mmm-1724636131.PNG
Mỗi ngày, cơ sở của bà Lan cung cấp cho thị trường gần 5.000 chiếc bánh

Bà Nguyễn Thị Hồng (73 tuổi), cho biết gia đình bà đã gắn bó với nghề làm bánh gai hàng chục năm qua, và hiện tại “chúng tôi vẫn làm như trước đây thôi”, bà nói.

Sau khi nên bột nên hồ, người làm bánh sẽ cho nhân đậu và một ít dừa nạo vào cho có vị thơm rồi dùng lá chuối gói lại, sau đó xếp vào đầy nồi và bắc lên bếp hấp cách thủy, sau khoảng vài tiếng đồng hồ bánh chín đều rồi vớt ra. Mỗi cặp bánh gai như thế giá chỉ 2.000 - 2.500 đồng.

“Cái khác của bánh gai gốc Dừa với các địa phương khác là nó thơm, dẻo và bánh chỉ bé đủ một lần ăn chứ không làm to...” - bà Hồng nói.

Dẻo của nếp, bùi của đậu xanh và sợi cùi dừa, ngọt của đường kính, hương vị đặc trưng của lá gai, qua bàn tay của người dân nơi đây đã không còn là quà quê mà trở thành sản phẩm mang lại giá trị kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

mn-1724636166.PNG
Bánh gai xứ Dừa được bày bán dọc hai bên quốc lộ 7 để du khách mua về làm quà

Hiện xã Tường Sơn có 30 hộ sản xuất bánh gai, trong đó có 15 cơ sở sản xuất quy mô lớn, sử dụng hàng chục lao động thường xuyên. Lãnh đạo xã Tường Sơn cho biết, xã đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng nguyên liệu như trồng chuối và cây gai bản địa để sản xuất bánh gai. 

Cùng với việc xây dựng thương hiệu cho bánh gai xứ Dừa, xã Tường Sơn đang có kế hoạch trong thời gian tới sẽ mở rộng quy mô sản xuất để tăng nguồn thu, tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là lao động nông nhàn ở địa phương.