ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An): Chỉ gắn thiết bị giám sát hành trình với xe kinh doanh dịch vụ
Tại Khoản 1, Điều 33, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ yêu cầu xe cơ giới gắn thiết bị giám sát hành trình. Cơ quan soạn thảo có nêu: Chính phủ sẽ quy định rõ trường hợp nào gắn thiết bị giám sát hành trình, trường hợp nào không. Tuy nhiên, dự thảo Luật dường như đang quy định “cứng” là tất cả các phương tiện xe cơ giới, kể cả xe cá nhân đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Đề nghị cân nhắc về chi phí thực hiện, nếu thực hiện gắn thiết bị hành trình giám sát với tất cả các xe cơ giới thì chi phí xã hội bỏ ra rất lớn. Mặt khác, quy định này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của cá nhân có gắn giám sát hành trình, ảnh hưởng đến quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân. Do vậy, chỉ nên cân nhắc gắn thiết bị giám sát hành trình với xe kinh doanh dịch vụ.
Đối với xây dựng hệ thống giám sát giao thông, hai dự thảo Luật đã có sự phân định: dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tập trung lấy dữ liệu vào đối tượng tuân thủ quy định về trật tự an toàn giao thông; dự thảo Luật Đường bộ tập trung giám sát hệ thống đường bộ. Tuy nhiên, hai dự thảo Luật đều có cùng phương tiện và cách thức lấy dữ liệu; đối tượng giám sát đều là con người vận hành tham gia giao thông, các phương tiện giao thông và hệ thống giao thông đường bộ. Nếu không quy định rõ, thì một địa điểm sẽ có hai hệ thống cùng theo dõi, gây ra sự lãng phí. Do vậy, cơ quan soạn thảo hai dự án Luật cân nhắc, phối hợp dùng chung hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu bên nào cần thì lấy riêng.
Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có đưa ra khái niệm: phương tiện giao thông thông minh, đây là quy định điều chỉnh đối với xe tự lái. Nhiều nước hiện đang thực hiện thí điểm xe tự lái. Nếu quy định ngay trong dự thảo Luật là quá sớm, bởi với xe tự lái còn nhiều vấn đề đặt ra, nếu xảy ra tai nạn thì quy trách nhiệm pháp lý với ai? Người ngồi trên xe có trách nhiệm như thế nào, người lập trình phần mềm có trách nhiệm như thế nào? Đề nghị cân nhắc thời điểm điều chỉnh đối với phương tiện giao thông thông minh, bảo đảm những vấn đề đã chín, đã rõ mới đưa vào Luật.
ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam): Tùy vào đối tượng cụ thể để quy định khám sức khỏe định kỳ
Xây dựng và ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên cơ sở kế thừa một số nội dung của Luật Giao thông năm 2008 là rất cần thiết. Dự thảo Luật trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu đã cơ bản giải quyết, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển của nước ta và thông lệ quốc tế.
Tại khoản 3, Điều 51, dự thảo Luật quy định việc khám sức khỏe định kỳ đổi với người lái xe và xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe là hết sức cần thiết góp phần bảo đảm an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, việc khám sức khỏe định kỳ đối với tất cả những người lái xe sẽ không khả thi vì sẽ tác động lớn đến một bộ phận người dân, nhất là người lái xe mô tô, xe máy; tốn kém thời gian và chi phí xã hội; có thể xảy ra tiêu cực trong khám sức khỏe tại các cơ sở y tế. Do vậy, đề nghị, tùy vào đối tượng cụ thể để quy định việc khám sức khỏe định kỳ, không nên áp dụng chung cho các đối tượng mà chỉ tập trung vào các nhóm đối tượng, như: Người từ 65 trở lên (áp dụng cho tất cả lái xe đối với các phương tiện) vì độ tuổi này đa số sức khỏe giảm sút, thị lực kém, xử lý tình huống chậm, thiếu tập trung; người lái xe khách vận tải (lái xe khách tuyến đường dài, container và các phương tiện nặng khác), vì đối tượng lái xe này điều khiển phương tiện ô tô vận tải cồng kềnh, trọng tại lớn, nếu không đảm bảo sức khỏe sẽ gây thiệt hại lớn cho xã hội; người có tiền sử bị các bệnh nền được phát hiện thông qua việc khám sức khỏe để cấp bằng lái xe lần đầu hoặc phát hiện thông qua khám chữa bệnh (như bệnh tim mạch, cận thị, điếc hoặc khuyết tật các chi trên cơ thể…). Mặc dù những đối tượng này bảo đảm điều kiện để lái xe nhưng vẫn phải bắt buộc khám sức khỏe định kỳ để xác nhận đủ điều kiện lái xe.
ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu): Bổ sung trách nhiệm của cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với xe vận chuyển hàng hóa siêu trọng
Tôi cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông là nội dung quan trọng vì liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Do đó, đề nghị cần bổ sung trách nhiệm của cảnh sát giao thông tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật đối với xe vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng, xe quá tải, xe quá khổ lưu hành trên đường bộ để khắc phục chồng chéo nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông giữa lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông hiện nay. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, hai lực lượng này khi thực hiện nhiệm vụ đã có sự chồng chéo, trùng lắp và vấn đề này được cử tri đặc biệt quan tâm, phản ánh. Vì vậy, việc điều chỉnh, bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật là phù hợp.
Tại khoản 1, Điều 45 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định điều kiện hoạt động kinh doanh của xe bốn bánh có gắn động cơ. Tuy nhiên, dự thảo Luật Đường bộ thì không quy định hoạt động chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe 4 bánh có gắn động cơ là hoạt động kinh doanh vận tải. Đề nghị nghiên cứu, rà soát để có sự thống nhất giữa 2 dự thảo Luật để không gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, Điều 76 dự thảo Luật Đường bộ quy định về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, trong đó quy định một số nội dung về điều kiện của lái xe ô tô đưa đón học sinh. Tuy nhiên, Điều 46 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng quy định về xe ô tô đưa đón học sinh với các yêu cầu chung, bố trí người quản lý trên xe ô tô... Tôi đề nghị nghiên cứu, rà soát lại và có sự đánh giá một cách cụ thể về quy định giữa 2 điều này xem liệu đã phù hợp hay chưa, thống nhất chưa? Vì nếu quy định chung chung, không rõ ràng như vậy có thể gây vướng mắc trong thực tiễn và khó khăn cho người dân khi tham gia giao thông đường bộ.