Thao túng trong bất động sản rất tinh vi

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

iii-1698737792.jpg
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai). Ảnh: QH.

Liên quan đến các điều cấm tại Điều 18 của dự thảo Luật, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị vấn đề này cần tiếp tục được quy định và làm rõ hành vi cấm, thao túng, làm giá đối với thị trường bất động sản.

Theo đại biểu, hành vi thao túng trong thị trường bất động sản nguy hiểm không kém gì hành vi thao túng trong thị trường chứng khoán. Hiện nay thao túng trong thị trường kinh doanh bất động sản rất tinh vi, tình trạng bong bóng, giá trên trời so với thực tế. Do đó, đại biểu đề nghị cần cấm hành vi này trong luật và có quy định để loại trừ.

Đại biểu Trịnh Xuân An chỉ rõ, việc thao túng thị trường bất động sản không chỉ thông qua việc đấu thầu bỏ giá cao, bỏ cọc mà còn dùng giá dự án này để kích giá cho dự án khác và tăng mặt bằng giá lên rất cao. Đại biểu cho rằng, nếu không xử lý vấn đề này triệt để thì sẽ tạo thành bong bóng. Vì vậy, cần quy định hành vi cấm thao túng giá trong dự án Luật này.

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) nhấn mạnh, đây là dự án Luật rất quan trọng, có nhiều nội dung liên quan dẫn chiếu với Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) và một số luật khác.

Nếu luật được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, đồng thời giúp cho công tác quản lý nhà nước hiệu lực và hiệu quả hơn.

Về các hành vi bị cấm, ông Sinh đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung thêm quy định về hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, quy định rõ các dấu hiệu của việc thao túng làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.

“Thời gian qua, hành vi thao túng đã gây bất ổn định cho thị trường bất động sản và làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, ông Sinh nói.

Đấu giá, thổi giá đất khiến người dân có nhu cầu nhà ở không thể mua

Cũng góp ý về các hành vi bị cấm trong Dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị sửa đổi, bổ sung một số hành vi. 

Theo đó, về các hành vi bị cấm tại khoản 4 Điều 8 quy định thu tiền mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng quy định của luật này, sử dụng tiền mua bán thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai của bên mua, thuê mua trái pháp luật.

lk-1698737839.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) . Ảnh: QH.

Khác với quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 khi bỏ hành vi huy động chiếm dụng trái phép về vốn và không thống nhất với khoản 6 Điều 6 Luật Nhà cấm ký các văn bản huy động vốn cho phát triển nhà ở khi chưa đủ điều kiện.

"Điều này vô tình tạo khẽ hở trong việc sử dụng vốn của chủ đầu tư, cũng như tạo các kênh khác để huy động nguồn vốn", đại biểu Mạnh cho hay.

Đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nhấn mạnh tới việc cấu kết trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá nhằm thổi giá đất ở các khu vực xung quanh.

"Vì thực tế thời gian qua, hành vi này diễn ra phổ biến, làm giá đất tăng cao, người dân thật sự có nhu cầu về nhà ở, bất động sản không thể mua đất và xây dựng nhà ở", đại biểu cho hay.

Ngoài ra, về bảo lãnh trong bán, cho thuê, mua nhà ở hình thành trong tương lai, đại biểu đề nghị cần quy định rõ phạm vi bảo lãnh.

Khoản 1 Điều 26 hiện đang quy định, nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng mua, thuê mua nhà ở khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo cam kết với khách hàng trong hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, bao gồm số tiền chủ đầu tư đã nhận ứng trước từ khách hàng và khoản tiền khác (nếu có) theo thỏa thuận tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đã ký mà chủ đầu tư có nghĩa vụ phải trả cho khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo cam kết.

Đại biểu đề nghị làm rõ số tiền chủ đầu tư đã nhận ứng trước từ khách hàng là khoản tiền nào, có phải tiền đặt cọc hay không, khoản tiền khác là tiền gì. Đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể về nội dung này.