Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, những ý kiến khen, chê dành cho các tác phẩm nghệ thuật như Đất rừng phương Nam là cơ hội để chúng ta có thể hoàn thiện hơn nữa các bộ phim phóng tác từ các tác phẩm văn học hay liên quan đến các sự kiện lịch sử, cần trân trọng tất cả các ý kiến đó.
Khi công chúng quan tâm, có nghĩa họ yêu mến
Tại phiên chất vấn của Quốc hội vừa qua, những chất vấn liên quan tới bộ phim “Đất rừng phương Nam” đã gây “nóng” nghị trường. Ông suy nghĩ gì về việc này, thưa Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn?
Tôi cho rằng, khi những vấn đề liên quan đến văn hóa nghệ thuật được thảo luận một cách công khai, rộng rãi ở diễn đàn quốc gia là tín hiệu tích cực, từ đó, khi đã đủ chín, đủ rõ, chúng ta sẽ tăng cường nhận thức, thống nhất quan điểm của toàn xã hội đối với những vấn đề đó.
Bên cạnh những vấn đề nóng về kinh tế - xã hội, rõ ràng, những vấn đề văn hóa nghệ thuật giờ đây đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các Đại biểu và cử tri cả nước. Vấn đề không chỉ nằm ở một bộ phim cụ thể mà còn là cách chúng ta ứng xử với các tác phẩm văn học nghệ thuật – một lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa. Thảo luận rộng rãi cũng là cơ hội lớn để văn hóa nghệ thuật phát triển.
Ông đánh giá thế nào về việc dư luận quan tâm tới các tác phẩm văn học nghệ thuật, thời gian qua đã có một số vụ việc dư luận khá “ồn ào” liên quan đến lĩnh vực này, trong đó có bộ phim Đất rừng phương Nam?
Tôi cho rằng, việc quan tâm của công chúng đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật là một điều rất tích cực với văn học nghệ thuật. Khi họ quan tâm, có nghĩa là họ yêu mến, muốn lĩnh vực đó phát triển. Với phim Đất rừng phương Nam cũng như vậy. Dù là quan điểm trái chiều, nhưng chúng ta tin rằng, mọi người có một mục đích, đó là mong muốn bộ phim Đất rừng phương Nam nói riêng và những tác phẩm viết về lịch sử nói chung sẽ có đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước, thông qua những thông điệp đến từ quá khứ, những thông điệp quan trọng về những giá trị lịch sử của dân tộc.
Trong phiên chất vấn, có đại biểu đã nhắc tới việc “đập cho tơi bời”, “góp ý kiểu cho chết” khi nói về cách ứng xử của công chúng, trong đó có đối với phim Đất rừng phương Nam. Theo ông, dư luận có thể làm “chết” được tác phẩm văn học nghệ thuật hay không? Những ý kiến của công chúng có ý nghĩa thế nào với tác phẩm văn học nghệ thuật?
Một tác phẩm nghệ thuật luôn cần có công chúng. Dư luận có ý nghĩa rất lớn trong việc phổ biến một tác phẩm nghệ thuật, đến tâm huyết của nghệ sĩ, đến thái độ của nhà quản lý và sự ủng hộ chung của xã hội đối với tác phẩm ấy.
Dư luận cũng có ý nghĩa rất lớn đối với sức sống của một tác phẩm nghệ thuật, như phim ảnh cũng vậy. Các ví dụ trên thế giới cho chúng ta thấy, nhiều dư luận xã hội đã khiến một bộ phim bị tẩy chay, dừng thậm chí bị cấm phát hành. Ở nước ta, việc này cũng không thiếu!
Trong xã hội hôm nay, dư luận lại càng có ý nghĩa quan trọng và phức tạp hơn nhờ sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới, ở đó, bất cứ ai cũng có thể trở thành một nhà báo, nhà phê bình điện ảnh hay phê bình nghệ thuật.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, dư luận dù rất quan trọng nhưng không thể hoàn toàn “đập chết” một tác phẩm nghệ thuật như một bộ phim chẳng hạn. Nhiều tác phẩm nghệ thuật cần có độ lùi của thời gian mới có thể có được những đánh giá đầy đủ, hoặc phải cần có đội ngũ chuyên gia, am hiểu sâu mới có thể đánh giá hết giá trị của tác phẩm ấy.
Trân trọng tất cả ý kiến khen, chê
Có tác giả khi nhận về quá nhiều chỉ trích cho tác phẩm của mình, thì tác giả đăng đàn, chê lại công chúng không có hiểu biết gì về nghệ thuật, khiến bức xúc càng bị đẩy lên. Có ý kiến cho rằng, với sự phát triển của mạng xã hội, giờ đây, ai cũng có thể trở thành nhà báo, nhà phê bình nghệ thuật… Vậy nên tiếp nhận những ý kiến từ dư luận thế nào, thưa ông?
Việc bất cứ ai cũng có thể trở thành một nhà báo, nhà phê bình điện ảnh hay phê bình nghệ thuật cũng có cái hay và dở riêng.
Đầu tiên, nguyên tắc quan trọng là chúng ta cần tôn trọng mọi ý kiến khác biệt. Nguyên tắc này giúp cho nghệ thuật được/bị đánh giá khắt khe hơn, nhưng cũng có thêm nhiều thông tin để hoàn thiện mình hơn.
Tuy nhiên, cũng dễ gây nên tình trạng “đẽo cày giữa đường” tạo nên một tác phẩm thiếu bản sắc, cá tính do phải chiều lòng quá nhiều dư luận trái chiều. Tác phẩm văn học đôi khi lại là những sáng tạo “gai góc”, khác lạ để tìm tòi cái mới, thậm chí “vượt trước” so với nhận thức chung của xã hội nên cũng hay gây ra các dư luận khác nhau.
Thứ hai, văn học nghệ thuật là một lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa, vì thế, chúng ta cũng cần đối xử tinh tế đối với văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật cũng rất phức tạp nên có nhiều cách đánh giá, bình luận khác nhau về một tác phẩm, thậm chí chỉ một đoạn văn, câu thơ. Dư luận xã hội đa chiều nhiều khi khiến công chúng bối rối, không biết đâu là hay, đâu là dở?
Thứ ba, văn học nghệ thuật là một lĩnh vực chuyên sâu. Không phải ai, lúc nào cũng có thể hiểu rõ hết được những thông điệp, giá trị của nghệ thuật. Đấy là lý do chúng ta luôn cần có đội ngũ lý luận, phê bình nghệ thuật chuyên nghiệp để định hướng công chúng, định hướng dư luận.
Cụ thể, với trường hợp phim Đất rừng phương Nam, chúng ta nên xử lý những ý kiến khen, chê thế nào?
Chắc chắn là chúng ta trân trọng tất cả ý kiến khen, chê dành cho các tác phẩm nghệ thuật như Đất rừng phương Nam.
Đây là cơ hội để chúng ta có thể hoàn thiện hơn nữa các bộ phim phóng tác từ các tác phẩm văn học hay liên quan đến các sự kiện lịch sử.
Như tôi vừa nói, tôi tin rằng, dù có khác biệt nhưng đa phần ý kiến đều có chung một mục đích, đó là mong muốn chúng ta có được những tác phẩm điện ảnh có chất lượng tốt hơn, để nghệ thuật tạo nên niềm tự hào, sự tự tin cho đất nước, con người Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đây cũng là cơ hội tốt để chúng ta hoàn thiện hơn nữa văn hóa phê bình văn học, nghệ thuật để định hướng nhận thức cho toàn xã hội, từ đó những ý kiến khen – chê đều có cơ sở khoa học, trên tinh thần tôn trọng các ý kiến khác biệt, tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo văn học, nghệ thuật.
Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Yếu tố quan trọng đầu tiên của sáng tác: Tôn trọng lịch sử
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho rằng, dư luận xã hội có những ý kiến trái chiều buộc các văn nghệ sĩ phải chú ý, quan tâm nhiều hơn tới dư luận, để có sự chỉnh sửa điều chỉnh nhất định với các tác phẩm của mình.
Tuy nhiên, sự điều chỉnh này phải dựa trên những yếu tố quan trọng, trong đó, yếu tố đầu tiên là phải tôn trọng lịch sử. Những gì đã đúng, đã được thừa nhận, được xem là giá trị thì cần được tôn trọng. Đó là nguyên tắc đạo đức của bất kỳ công dân Việt Nam nào, và nghệ sĩ cũng vậy.
Nhưng bên cạnh đó, lịch sử không phải tất cả đều rõ ràng, mà có những góc khuất, điểm mờ, người nghệ sĩ có thể sáng tạo, tung hứng, hư cấu, để từ đó thêm những hấp dẫn cho các sự kiện lịch sử. Chúng ta cần tôn trọng nghệ sĩ, tôn trọng sự sáng tạo, tạo môi trường để người nghệ sĩ có được sự tự do sáng tạo. Từ đó, mới có được những tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của người dân với tác phẩm và giúp cho lịch sử có đời sống mới. Đó là điều rất quan trọng.
“Tôi mong muốn rằng, mọi người dân Việt Nam thêm yêu các sản phẩm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, tăng thêm niềm tự hào về những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Từ đó, giúp cho chúng ta phát triển nhận thức, nâng cao hơn nữa lòng yêu nước và phát triển đất nước bền vững từ tinh thần ấy”, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn nói.