Bạn đọc bình luận về câu chuyện bảy người con chia làm hai phe, đưa nhau ra tòa án giành quyền nuôi mẹ đã 86 tuổi. Những gì tệ hại nhất của đối phương được hai bên phô bày trước tòa để chứng minh sự bất hiếu, vô đạo đức không xứng đáng nuôi mẹ.
Phiên tòa giành quyền nuôi mẹ chưa từng có trong lịch sử ngành tòa án tỉnh Quảng Ngãi khiến bạn đọc Nguyễn Việt Sơn xót xa: "Một phiên tòa mang lại quá nhiều nỗi buồn cho nguyên đơn, bị đơn, hội đồng xét xử và mọi người, nhất là người mẹ".
Câu chuyện tranh tụng giành quyền nuôi mẹ thật khác biệt còn ở chỗ như bạn đọc TVT chỉ ra: "Sự việc hoàn toàn thuộc phạm trù đạo lý, vậy mà các con lại lôi nhau ra tòa dùng pháp lý để giải quyết! Theo tôi, cả bảy người con đều đáng trách".
Nhắc lại lời của người xưa, bạn đọc Hứa Hải Vi bày tỏ: "Ông bà ta từng nói: một mẹ nuôi được 10 con nhưng 10 con chưa chắc nuôi nổi mẹ. Thật đau lòng cho người mẹ đến tuổi lẽ ra an hưởng niềm vui con đàn cháu đống quây quần thì lại chứng kiển cảnh huynh đệ tương tàn".
Vì đâu nên nỗi? Theo bạn đọc KGB: "Bản chất của vấn đề đó là những người con này bất hòa với nhau nên muốn dùng người mẹ làm bình phong nhằm xỉ vả, nhục mạ nhau cho thỏa cái tôi. Có thể ngoài mặt họ hả hê lắm nhưng sâu thẳm bên trong tâm hồn họ bị tổn thương, vỡ nát vì cái tôi tranh đua".
Cùng nhận định, bạn đọc Mạnh Võ cho rằng căn cơ của vấn đề ở đây là anh em bất hòa, từng xung đột lợi ích, nghi kỵ lẫn nhau. Một khi anh em ruột với nhau mà hành xử như vậy thì việc tranh luận ai có hiếu hơn ai là điều hết sức khôi hài.
"Chăm sóc cha mẹ nên được hiểu là nghĩa vụ hơn là quyền lợi. Đã là nghĩa vụ thì cần chia đều, đồng thời có rất nhiều cách để thực hiện. Điều quan trọng là không để mẹ thiếu thốn và cảm thấy buồn tủi" - bạn đọc Mạnh Võ ưu tư.
Chung quan điểm, bạn đọc Lê Văn Vinh cho hay: "Nuôi cha mẹ là trách nhiệm của con cái. Ai có điều kiện hơn thì nuôi, những người con khác thì thường xuyên thăm nom để ông bà vui vẻ. Đừng tranh nhau vì tài sản, ông bà chẳng vui đâu!".
Theo bạn đọc Khang Nguyên, bản án nào cũng không thấu tình bằng tòa án lương tâm. Vì thế nên giao mẹ cho người con nào có điều kiện kể cả về đạo đức và kinh tế để nuôi dưỡng. Các thành viên có trách nhiệm đóng góp.
"Điều quan trọng là để người mẹ chọn muốn ở với người con nào" - bạn đọc Thành Trường có ý kiến. Và bạn đọc Nguyen Anh góp lời: "Nếu các con có lòng hiếu thuận thực sự thì hãy hỏi xem cụ thích sống với ai để cụ quyết. Những người con khác chung tay đóng góp để cùng nuôi mẹ".
Vừa buồn vừa thương cho tất cả, bạn đọc Mini hy vọng những người con ngồi lại với nhau làm hòa, để cho mẹ sống những năm cuối đời được thanh thản.
Thời gian qua, dư luận trong nước thường xuyên phản ánh về hiện tượng “giang hồ mạng”. Sau khi xây dựng tên tuổi thành công, nhiều đối tượng “giang hồ mạng” thậm chí còn mang danh tiếng đó để đi làm từ thiện. Trước thực tế có phần méo mó trên, dư luận xã hội đang mong chờ hướng xử lý của Bộ TT&TT và các nền tảng truyền thông xã hội đối với hiện tượng này.
Tại họp báo tháng 10 của Bộ TT&TT, trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) cho hay: “Chúng ta không có khái niệm giang hồ mạng trong quy định pháp luật, đây là cách nói dân dã, đời thường của xã hội và báo chí. Đối với các hành vi vi phạm, cũng không có hành vi nào gọi là giang hồ mạng”.
Các biểu hiện của người được gọi là “giang hồ mạng” như sử dụng ngôn từ không chuẩn mực hay làm các video clip bạo lực, ăn mặc không đúng thuần phong mỹ tục,... đều đã có chế tài xử lý.
“Nói chung, tất cả những điều cấu thành nên một người tạm gọi là giang hồ mạng đều có đủ biện pháp xử lý khi chiếu vào trong các quy định pháp luật”, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT khẳng định.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc cơ quan chức năng sẽ xử lý thế nào với hiện tượng “giang hồ mạng”, ông Do cho rằng, trong thời gian qua, Bộ TT&TT và Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ nhằm chấn chỉnh hiện tượng này.
Nhiều đối tượng được gọi là “giang hồ mạng” đã bị xử lý hình sự, theo nhiều vi phạm khác nhau. Bộ TT&TT rất quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là các sai phạm liên quan tới nội dung bạo lực, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên không gian mạng. Mới đây nhất, Bộ đã xử lý vụ việc livestream trên mạng của bà Nguyễn Thị Phương Hằng.
Bộ TT&TT cũng đã có những liên hệ đối với các nền tảng xuyên biên giới và doanh nghiệp trong nước, yêu cầu họ tham gia đấu tranh, nhằm hạn chế hiện tượng “giang hồ mạng”, đặc biệt là với các nội dung có yếu tố bạo lực, xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức, cá nhân.
Các nền tảng cần có bộ lọc, để hạn chế ngay từ đầu khi người dùng đăng tải các nội dung độc hại. Theo Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, các nền tảng hiện đang phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT để thực hiện.
Đối với quy trình xử lý các nghệ sĩ có sai phạm, ông Do cho biết, đây là những đối tượng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Do đó, việc ban hành quy trình xử lý sẽ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì.
Bộ TT&TT đã làm hết tất cả những nội dung liên quan, sau đó chuyển sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp thành quy trình chung, nhằm hạn chế sự xuất hiện của các nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật trên sóng truyền hình, báo chí và các sân khấu nghệ thuật biểu diễn.
“Ở Trung Quốc hay dùng từ "phong sát", Việt Nam không sử dụng cụm từ này. Chúng ta chỉ hạn chế. Như tôi được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm đến bước cuối cùng và thực hiện xin ý kiến các bộ, ngành. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chỉnh sửa lại và thực hiện các thủ tục để ban hành quy định”, ông Do chia sẻ thêm.
Theo Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, việc ban hành quy trình xử lý đối với các nghệ sĩ có sai phạm hơi chậm so với mong muốn của Bộ TT&TT. Tuy nhiên, đây là quy trình thí điểm, chưa từng có tiền lệ, do vậy, có lẽ cơ quan chủ trì soạn thảo đã có sự thận trọng trong việc xin ý kiến và thăm dò dư luận kỹ hơn để khi ban hành, quy định này sẽ thực sự đi vào đời sống.