Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, mặc dù tính đến tháng 11/2022, tình hình ngộ độc thực phẩm trên cả nước giảm cả về số vụ, số mắc so với cùng ký 2021. Tuy nhiên vụ ngộ độc tại trường ISchool làm nhiều người mắc, trong đó có các trường hợp nặng, 1 ca tử vong.

Để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại trường học, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế, Ban quản lý an toàn thực phẩm và Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học.

Trong đó chú ý nâng cao sự phối hợp giữa cơ quan chức năng với nhà trường, gia đình trong việc giáo dục hướng dẫn học sinh thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng thực phẩm an toàn. Tăng cường kiểm tra giám sát, hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trường học, cơ sở cung cấp suất ăn có ký hợp đồng với nhà trường.

Đồng thời, huy động sự phối hợp của cán bộ y tế trường học, ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc giám sát nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến tại các bếp ăn trường học, kiên quyết không sử dụng nguyên liệu, sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc nghi ngờ không bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý cho trường học; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về toàn thực phẩm.

Thực tế hiện nay, tại nhiều nhà trường, khâu truy xuất nguồn gốc thực phẩm vẫn chưa được thực hiện bài bản, thiếu sự giám sát, các bếp ăn trong trường vẫn "đặt tin tưởng" và phó thác cho nhà cung cấp thực phẩm. Bên cạnh đó, việc kiểm tra đột xuất, không báo trước đối với các bếp ăn tập thể tại các trường học gần như không được thực hiện.

Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Sở Y tế, Ban quản lý an toàn thực phẩm và Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương hướng dẫn nhà trường phối hợp với phụ huynh học sinh kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm thực phẩm được tặng miễn phí hoặc trong chương trình giới thiệu, quảng cáo, bán, hỗ trợ nhân đạo mà các tổ chức, cá nhân thực hiện trong khu vực trường học (nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, việc chấp hành quy định về đăng ký, tự công bố sản phẩm, quá trình vận chuyển, bảo quản, phân phát sản phẩm…)

Trường hợp phát hiện hay nghi ngờ sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm thì nhà trường cần tạm dừng sử dụng sản phẩm và thông báo ngay cho cơ quan chức năng có thẩm quyền tại địa phương để xác minh, xử lý.

Dấu hiệu trẻ bị ngộ độc

Theo các chuyên gia, khi bị ngộ độc thức ăn, trẻ em thường có một số dấu hiệu:

-Buồn nôn: sau khi ăn thức ăn nhiễm khuẩn, nhiễm độc, trẻ có thể buồn nôn, nôn ngay sau vài phút, vài giờ hoặc lâu hơn.

-Đau bụng, đi ngoài: trẻ đi ngoài nhiều lần, dạng lỏng nước, có thể có lẫn máu.

-Sốt: Một số trường hợp trẻ ngộ độc có thể có sốt cao, nhiệt độ trên 38 độ C.

Các triệu chứng này thường xuất hiện sau khi ăn thức ăn bị nhiễm độc từ 1 giờ tới 3 ngày. Trẻ có thể nôn liên tục hoặc vài lần trong ngày.

Bên cạnh đó, trẻ còn đau bụng dữ dội, đau quặn từng cơn, tiêu chảy. Triệu chứng đau quặn xảy ra trước lúc trẻ đi ngoài. Tùy vào tác nhân gây ngộ độc mà dấu hiệu nôn trớ nổi bật hay đi ngoài nhiều hơn.

Thông thường, trẻ sẽ bị nôn nhiều và đau bụng nếu nguyên nhân do độc tố gây nên. Nếu nguyên nhân do vi khuẩn thì triệu chứng tiêu chảy, đi ngoài sẽ nổi bật hơn.

Tình trạng này khiến rối loạn mất nước và điện giải đặc biệt rõ ở trẻ. Trong trường hợp trẻ sốt, đi ngoài phân nhầy có máu là dấu hiệu nhiễm khuẩn gây nên tổn thương đường ruột.

Chủ động ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm

Các chuyên gia khuyến cáo người dân phải rửa tay kỹ bằng nước xà phòng ấm trước và sau khi xử lý hoặc chuẩn bị thức ăn. Sử dụng nước xà phòng nóng để rửa đồ dùng, thớt và các bề mặt khác khi sử dụng. Giữ thực phẩm sống tách biệt với thực phẩm ăn liền.

Khi mua sắm, chuẩn bị thực phẩm hoặc bảo quản thực phẩm, hãy để thịt sống, thịt gia cầm, cá và động vật có vỏ cách xa các thực phẩm khác. Điều này ngăn ngừa lây nhiễm chéo. Nấu thức ăn đến nhiệt độ an toàn.

Để tiêu diệt các sinh vật gây hại trong hầu hết các loại thực phẩm bằng cách nấu chín thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp. Kiên quyết loại bỏ thực phẩm khi nghi ngờ đã bị hư hỏng. Nếu không chắc thực phẩm đã được bảo quản an toàn hay chưa, thì nên loại bỏ thực phẩm đó. Thực phẩm để ở nhiệt độ phòng quá lâu có thể chứa vi khuẩn hoặc chất độc không thể bị tiêu diệt bằng cách nấu chín, ngay cả khi nó trông thấy tươi ngon và có mùi thơm.

Thông thường, ngộ độc thực phẩm nhẹ và tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phải đến bệnh viện khi nạn nhân bị mất nước, nôn hoặc sốt cao./.

Theo Hiền Minh - baochinhphu.vn