Bánh đa là món quà quê rất phổ biến, nhiều làng nghề ở Việt Nam làm bánh đa như: bánh đa Kế (Bắc Giang), bánh đa Kiện Khê (Hà Nam), bánh đa gấc Kẻ Sặt (Hải Dương)... nhưng bánh đa Đô Lương (Nghệ An) mang hương vị rất độc đáo, khó quên.
Nếu như bánh đa xứ Bắc có kích thước khá lớn, thơm bùi vị lạc, vừng thì bánh đa Đô Lương chỉ bé vừa chiếc đĩa, quyện đủ vị bùi, mặn, cay... của miền Trung nắng gió.
Làng Vĩnh Đức, thị trấn Đô Lương, tỉnh Nghệ An có lịch sử hơn 300 năm làm bánh đa, những chiếc bánh đa dân dã, thấm đượm công sức lao động của người dân quê mộc mạc đã có mặt khắp các địa phương trên cả nước.
Để làm ra chiếc bánh đa “gây thương nhớ”, người ta phải chọn gạo tẻ là loại gạo mới, ít dẻo lại giàu tinh bột, trắng tinh, không lẫn tạp chất. Sau khi ngâm qua một đêm, gạo đủ độ mềm là lúc mang đi xay thành bột mịn. Trước kia, bột được xay bằng cối đá nhưng hiện nay máy móc đã thay thế ở công đoạn này, vừa tăng năng suất gấp nhiều lần lại cho ra bột chất lượng đồng đều hơn.
Cối bột sền sệt trắng tinh theo sau đó sẽ được hòa trộn thêm vừng đen chắc mẩy, tiêu già thơm nồng, tỏi ta, ớt, gia vị mằn mặn và chờ đem đi tráng.
Tráng bánh chính là khâu quan trọng nhất trong quy trình sản xuất bánh đa, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề và kinh nghiệm mới có thể cho ra lò những chiếc bánh đa tròn xoe, có độ dày đồng đều, không quá dày hay quá mỏng. Có như vậy, khi nướng bánh mới nở đều.
Một điểm độc đáo ở làng nghề bánh đa Vĩnh Đức là tất cả các hộ sản xuất đều sử dụng bếp củi để tráng bánh như bao đời vẫn vậy, cho dù dùng bếp củi vất vả rất nhiều so với bếp than hay bếp công nghiệp.
Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Nghĩa, cho biết : “Hương vị chiếc bánh đa được tráng bằng ngọn lửa bếp củi thơm ngon hẳn hơn so với các loại bếp khác, nên dù vừa phải luôn tay tráng bánh lại vừa canh củi lửa nhưng chúng tôi vẫn phải giữ phương pháp truyền thống này”.
Bánh sau khi tráng sẽ được đặt lên các giàn đan bằng tre và mang đi phơi. Nếu trời nắng to thì bánh phơi một ngày, còn không thì phải phơi từ 2 đến 3 ngày. Đủ độ khô cần thiết, người thợ sẽ thu về và buộc bánh thành từng chục để phân phối ra thị trường dưới hình thức bánh sống. Một hình thức khác là bánh sẽ được đem nướng trên than hồng, thành bánh chín có thể ăn ngay.
Bánh đa quạt bằng than củi hồng rực mới thực sự làm nổi bật lên vị thơm bùi của gạo tẻ, vừng đen giòn xốp hòa quện cùng vị tiêu, tỏi, ớt ấm nồng, tạo nên hương vị mặn mòi đặc trưng của bánh đa Đô Lương, khiến bất kì ai thưởng thức khó mà quên được.
Bánh đa Đô Lương có thể ăn riêng hoặc kết hợp cùng nhiều loại thực phẩm khác, tạo nên những món ẩm thực vô cùng hấp dẫn. Chẳng hạn, bánh đa giòn tan ăn kèm với hến sông Lam mềm ngọt xào cùng lá hẹ; bánh đa thơm bùi ăn kèm với lươn đồng cay xè lưỡi...., chắc hẳn sẽ chiều lòng được vị khách khó tính nhất.
Thời đại công nghệ, máy móc thay thế hiệu quả sức lao động chân tay nên đã có gia đình nghiên cứu chuyển đổi tráng bánh thủ công sang tráng máy, thế nhưng, sản phẩm bánh tráng máy mất đi hương vị đặc trưng, thị trường không chấp nhận. Thế là lại quay về phương pháp truyền thống của cha ông - tráng tay trên bếp lửa đun bằng củi, dù vất vả.
Mỗi năm, người dân Vĩnh Đức sản xuất, đưa ra thị trường khoảng hơn 300 triệu chiếc bánh đa. Người dân Đô Lương tự hào khi những chiếc bánh đa dân dã tỏa đi muôn phương, xuất sang nhiều nước: Đức, Hàn Quốc, Singapore, Nga....
Thu nhập từ nghề làm bánh đa giúp cuộc sống người dân sung túc, đủ đầy. Những chiếc bánh đa dân dã, mộc mạc thấm đượm công sức lao động đã góp phần nuôi bao người con Vĩnh Đức thành tài.
Bánh đa Đô Lương đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ bảo hộ nhãn hiệu tập thể nhằm đưa sản vật địa phương này trở thành thương hiệu hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường.