Do là hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái nên chất lượng không được cơ quan chức năng kiểm định khi lưu thông trên thị trường. Vì vậy, khi các sản phẩm này được kinh doanh, chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Đơn cử, ngày 7/4, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Nghệ An đã tiến hành kiểm tra xe tải mang biển kiểm soát 29H-784.97, do ông Lê Văn Thành, hộ khẩu tại tỉnh Quảng Trị điều khiển. Trên xe, cơ quan chức năng phát hiện hàng nghìn chai bia, rượu, sữa nghi nhập lậu, do lái xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

r-1681528104.jpg
Cận cảnh 7 tấn lòng lợn chưa qua sơ chế, bốc mùi hôi thối tại Bắc Ninh. (Ảnh: DMS)

Tiếp đến, trong ngày 10/4, Cục QLTT Bắc Ninh đã tiến hành tiêu hủy 7 tấn lòng lợn chưa qua sơ chế, bốc mùi hôi thối. Điều đáng nói, chủ nhân của 7 tấn lòng lợn bẩn này là Công ty TNHH Đông Loan, một doanh nghiệp “có tiếng” tại huyện Yên Phong. Giám đốc là ông Nguyễn Văn Đông. Với hành vi trên, Công ty TNHH Đông Loan bị phạt hành chính với số tiền là 34 triệu đồng.

Cũng trong ngày 10/4, tại Lào Cai, lực lượng QLTT tiếp tục phát hiện chiếc xe tải mang biển kiểm soát 29H-786.53 đang vận chuyển 66.000 sản phẩm đồ chơi trẻ em, xúc xích không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong đó có hơn 56.000 vỉ xúc xích ăn liền trên vỏ thùng in chữ nước ngoài; xuất xứ ghi Made in China.

Người điều khiển phương tiện là ông Nguyễn Hồng Quân, sinh năm 1996, trú quán tại tỉnh Lào Cai. Dù vậy, quá trình làm việc, lực lượng chức năng xác định chủ lô hàng là ông Phùng Việt Ninh, trú quán tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

nn-1681528154.PNG
Hàng hóa vi phạm tại Lào Cai (Ảnh: DMS)

Sang tới ngày 11/4, Cục QLTT Gia Lai thông báo phát hiện gần 1.300 lít dầu thực vật không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chủ cơ sở kinh doanh không cung cấp được hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, trên nhãn sản phẩm của hàng hóa cũng không có căn cứ để xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

kkk-1681528180.jpg
Dầu thực vật không rõ nguồn gốc. (Ảnh: DMS)

Ngày 13/4, Cục QLTT Nghệ An đã phát hiện và thu giữ 100kg chà bông thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ tại xã Nghi Liên, thành phố Vinh. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng. Tổng số hàng hóa vi phạm trị giá 19 triệu đồng.

fff-1681528216.PNG
Hàng hóa vi phạm tại Nghệ An. (Ảnh: DMS)

Do đó, Cục QLTT Nghệ An đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh T.L 12.000.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm nói trên.

Lợi dụng mạng xã hội để kinh doanh sản phẩm nhập lậu, thực phẩm bẩn

Vài năm trở lại đây, xu hướng mua sắm online đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Dù vậy, trên không gian mạng, không phải các sản phẩm nào được kinh doanh cũng có chất lượng tốt. Trên thực tế, rất nhiều cơ sở kinh doanh, thậm chí là một số doanh nghiệp vì chạy đua lợi nhuận sẵn sàng kinh doanh các sản phẩm nhập lậu, hàng giả, hàng nhái.

a-1681528251.PNG
Thanh cua ăn liền và kẹo dẻo không rõ nguồn gốc kinh doanh qua mạng xã hội. (Ảnh: DMS)

Ví dụ, trong ngày 13/4, Cục QLTT Lao Cai hát hiện, xử lý 12.880 sản phẩm thanh cua ăn liền và kẹo dẻo không rõ nguồn gốc được kinh doanh qua mạng xã hội.

Chủ sở hữu của hàng hóa được xác định là bà Trần Thị Huyền, địa chỉ tại tổ 23, đường Bùi Đức Minh, phường Bắc Cường, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Qua làm việc, bà Huyền khai nhận do thấy sự thông dụng của mạng xã hội nên đã đăng bán hàng trên nhóm rao vặt, khi có khách đặt hàng thì tìm mua gom trôi nổi trên thị trường về bán để kiếm lời.

Trước đó, vào ngày 12/4, tại Hà Nội, lực lượng QLTT cũng phát hiện nhiều thùng bánh (nội địa Trung Quốc) trên bao bì thể hiện chữ tượng hình, và không có nội dung thể hiện nguồn gốc xuất xứ.

Theo Cục QLTT Hà Nội, sau khoảng thời gian dài theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội, lực lượng chức năng đã kiểm tra đột xuất đối với điểm kinh doanh, tập kết hàng hóa tại địa điểm số 838 đường Bạch Đằng, Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

ll-1681528288.PNG
Hàng hóa vi phạm tại Hà Nội. (Ảnh: DMS)

Thực tế kiểm tra, việc kinh doanh tập kết hàng hóa thuộc địa điểm kinh doanh Taxi tải Việt Hiếu 1 - Công ty cổ phần NET GROUP do Bà Mai Thị Thương Huyền là người đứng đầu địa điểm kinh doanh. Địa điểm kinh doanh này hoạt động theo ủy quyền của Công ty cổ phần NET GROUP do Ông Trương Xuân Hiếu là Tổng Giám đốc công ty.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, thời gian vừa qua, trên môi trường thương mại điện tử, nhất là trên các trang mạng xã hội thường xuyên giao bán nhiều loại thực phẩm nói chung và bánh kẹo nói riêng được quảng cáo là hàng nội địa Trung Quốc với nhiều chủng loại bao bì đẹp cao cấp nhưng không có thông tin địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như các quy định quản lý của Nhà nước.

Theo PV - congluan.vn