Hơn một tháng nữa là năm 2021 khép lại, bước sang năm 2022, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhu cầu mua hàng hóa, nhất là nông sản, thực phẩm tươi sống của người dân rất lớn. Song đây cũng là thời điểm một số đối tượng xấu lợi dụng tung ra thị trường thực phẩm bẩn để bán kiếm lời, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Để ngăn chặn vấn nạn này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ba quý đầu năm 2021, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra 16.318 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 1.389 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 18 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong tháng 10, tháng 11 các vụ vi phạm còn xảy ra nhiều. Ngày 6/11, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Cà Mau) cùng lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra xe ô-tô mang BKS 69C-051.89 do lái xe Nguyễn Minh Thuận (25 tuổi, ngụ ấp Cái Keo, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi) điều khiển, phát hiện ô-tô đang vận chuyển 54 thùng tôm sú nguyên liệu có chứa tạp chất agar, tổng trọng lượng là 1.378 kg, để bán cho một số công ty trên địa bàn TP Cà Mau.
Trước đó, chiều 4/11, Đội Quản lý thị trường số 11 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An cùng Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Vinh kiểm tra ô-tô tải mang BKS 29H-010.19 do lái xe Nguyễn Công Nam (ở xóm 4, Trung Sơn, huyện Đô Lương) điều khiển, thấy trong thùng xe có hơn 650kg thịt sườn lợn không có xuất xứ, nguồn gốc, đã bốc mùi hôi thối đang đưa đi tiêu thụ.
Khoảng 21 giờ ngày 3/11, trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận khóm 5, phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bạc Liêu kiểm tra xe tải BKS 94C-037.61 do Lâm Văn Toàn (sinh năm 1994, ngụ khóm 1, phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai) điều khiển theo hướng từ Bạc Liêu đi Cà Mau, phát hiện trên xe có 24 thùng xốp chứa hơn 960 kg tôm nguyên liệu có tạp chất là CMC (phụ gia tạo đặc, tạo nhớt)… Cơ quan chức năng đã xác minh làm rõ, xử lý các vụ vi phạm theo quy định pháp luật.
Thực tế cho thấy, vì muốn làm giàu nhanh, bất chính, kiếm tiền bằng mọi giá, một số đối tượng xấu đã bán rẻ lương tâm, cố ý "phù phép" biến thực phẩm bẩn thành sạch bán cho người tiêu dùng, nhẫn tâm đầu độc đồng loại bằng các phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Đơn cử, việc bơm chích tạp chất vào tôm, được thực hiện có tổ chức như làm hàng rào, bố trí người canh gác, thậm chí có nơi còn trang bị máy thay vì làm thủ công như trước đây.
Thực trạng nêu trên chứng tỏ việc giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm còn nhiều mối lo. Nguyên nhân là do việc quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) của cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn bất cập, các chế tài, quy định chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, ý thức chấp hành của người dân chưa cao. Họ chưa có đầy đủ thông tin để phân biệt được đâu là thực phẩm an toàn và không an toàn.
Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, liên kết với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở nhiều địa phương còn chậm dẫn đến sản lượng, quy mô liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn còn hạn chế. Đội ngũ làm công tác quản lý, kiểm soát chất lượng ATTP nông lâm thủy sản tại các địa phương biến động, không đồng nhất. Nguồn lực tại một số nơi chưa đáp ứng để triển khai đầy đủ các nhiệm vụ quản lý, thanh tra về ATTP theo phân công, phân cấp; việc phổ biến, vận động cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết tuân thủ quy định về bảo đảm ATTP chưa đầy đủ, thường xuyên.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, từ khi Luật Thú y được áp dụng, bỏ kiểm dịch nội tỉnh, cùng với thực trạng hiện nay, phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm là nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, khó kiểm soát, khiến nạn buôn bán, vận chuyển, chế biến thực phẩm bẩn vẫn tồn tại.
Để xử lý triệt để tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, bảo đảm ATTP theo hướng hài hòa với các chuẩn mực quốc tế, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, bảo đảm ATTP.
Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tổ chức liên kết, nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, gia tăng giá trị, góp phần bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tránh để thiếu hụt cục bộ, có thể dẫn đến nguy cơ mất ATTP. Các địa phương cần tăng cường năng lực quản lý chất lượng ATTP, chế biến và phát triển thị trường để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc chất lượng nông sản. Chủ động xử lý các sự cố mất ATTP...
Về công tác quản lý ATTP trong lĩnh vực chăn nuôi, Cục trưởng Chăn nuôi Dương Tất Thắng chia sẻ, thời gian tới, Cục sẽ tăng cường kiểm tra vật tư đầu vào của ngành chăn nuôi, tập trung vào thức ăn chăn nuôi bảo đảm các quy chuẩn về ATTP, không tồn dư kháng sinh và chất cấm.
Như vậy sẽ bảo đảm các bước tiếp theo trong chuỗi thực phẩm an toàn. Cục trưởng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết thêm, Cục sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giám sát vệ sinh ATTP nông lâm thủy sản theo phương thức trực tuyến, sẵn sàng thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang./.