Nhắc đến đặc sản xứ Nghệ, không thể không nhắc đến món súp lươn cay. Đây cũng là món ăn được người miền Trung “gọi tên” nhiều nhất trong những ngày đầu tháng, đầu năm, với hy vọng mọi việc sẽ hanh thông, trôi chảy, “đầu xuôi đuôi lọt”.

luon-1732284548.jpg

Món súp lươn là một trong những món ăn nổi tiếng nhất của Nghệ An. Ảnh tư liệu: Trung tâm xúc tiến đầu tư Nghệ An

Một nhà văn từng nói với tôi, món súp lươn Nghệ An có rất nhiều nét tương đồng với tính cách của người Nghệ, đậm đà, khó quên. Có lẽ thế thật, cái đậm đà của một bát súp lươn khiến những người quen ăn nhạt phải ái ngại, những người ít ăn cay phải nhăn mặt. Nhưng nếu là một cùng gu sẽ rất dễ “nghiền”. Sự đậm đà đó là tổng hoà của nhiều loại gia vị, trong đó không thể không kể đến vị cay của ớt, của tiêu, của hành, nghệ… Súp lươn là phải cay và vị cay nhất định phải đủ mạnh để làm tôn lên vị ngọt của những miếng lươn đồng săn chắc. Trong cái lạnh của đất trời, ngồi hít hà mùi thơm của rau răm, hành tăm trên bát lươn nóng hổi, húp xoạt một miếng lươn ngọt lịm, nhai kỹ để cảm nhận vị mặn, vị cay hoà trộn cùng nhau rồi lại xuýt xoa vì cay… Thật không gì sảng khoái hơn!

Để giữ trọn vẹn hương vị, món súp lươn cay thường được ăn kèm với bánh mướt hoặc bánh mì. Sự kết hợp này không chỉ giúp cân bằng vị giác mà còn giúp thực khách có thể ăn no.

Bên cạnh yếu tố vị giác, thính giác, màu sắc của một bát súp lươn còn mang tính thẩm mỹ rất cao. Màu xanh rau răm trên nền đỏ của nước dùng cay dễ dàng khiến người ta liên tưởng đến màu của Tết, màu của những sung túc, đủ đầy.

Thịt gác bếp

Trong văn hoá ẩm thực của vùng Tây Nghệ, thịt gác bếp là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất. Loại thực phẩm chín bằng khói này thường được biết đến với tên gọi “bò giàng”, “trâu giàng”, “lợn giàng” và có vị rất dễ ăn, đặc biệt phù hợp với mùa lạnh. Đó cũng là lý do mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhu cầu tìm mua sản vật này rất cao.

Mặc dù na ná các loại bò khô, lợn khô của miền xuôi nhưng cách chế biến, cách ăn và hương vị của chúng hoàn toàn khác. Thịt gác bếp phải là những miếng thịt tươi ngon, săn chắc nhất, được tẩm ướp những gia vị đặc trưng, đặc biệt không thể thiếu hạt mắc khén. Sau khi miếng thịt ngấm đẫm gia vị, chúng sẽ được xâu lạt tre rồi treo lên bếp than củi trong nhiều ngày. Sức nóng của than và mùi thơm của khói khiến miếng thịt chín một cách từ từ. Thành phẩm đạt chuẩn có màu nâu ở ngoài nhưng đỏ hồng ở phía trong, từng thớ thịt được cắt dọc nên rất dễ xé nhỏ, nhưng lại rất dai và săn.

Thịt gác bếp có mùi thơm của khói, có vị ngọt, bùi của thịt, vị cay đặc trưng của gia vị. Sự kết hợp hài hoà của ớt, tỏi, mắc khén, tạo nên một cảm giác rất núi rừng, vừa mộc mạc, vừa tinh tế. Sự mộc mạc, tinh tế đó mà đứng cùng với đĩa xôi nếp nương dẻo thơm, mây mẩy thì không còn gì bằng. Nó như một sự kết hợp vừa đủ, bù trừ, bổ sung cho nhau cả về hình thức lẫn hương vị.

Trong những dịp gặp gỡ đặc biệt, nhất là dịp lễ, Tết, bên những chén rượu cay, người ta cũng thường nhâm nhi, nha nhẩn những thớ thịt gác bếp xé nhỏ với tương ớt/ muối ớt chanh. Nhưng thực tình, nếu không ăn kèm theo bất cứ cái gì thì món ăn đặc sản vùng cao này vẫn đủ ngon để có thể chinh phục những thực khách khó tính nhất.

Hải sản

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến hải sản biển Nghệ An trong danh sách này. Dẫu vị cay không phải là yếu tố bắt buộc của các món hải sản, nhưng trong cái lạnh của mùa Đông miền biển, mùi sả thơm và vị cay nồng của mù tạt, ớt trong nước chấm sẽ làm khiến tất cả trở nên hoàn hảo hơn.

Hải sản biển những năm gần đây đã đa dạng hơn về trải nghiệm ẩm thực. Không chỉ ăn nướng, ăn lẩu tại nhà hàng, khách còn có thể tự mình mua những mớ hải sản tươi nháy. Xuýt xoa, hít hà những món ngon nóng hổi, cay xè ngay trên vỉa hè lộng gió là một trải nghiệm thú vị, rất đáng để thử./.