Khoai lang là loại thực phẩm rất phổ biến trong cuộc sống. Hiện nay, dù điều kiện sống có vượt trội thì giá trị dinh dưỡng của khoai lang cũng không thể bỏ qua, nó còn giàu các nguyên tố vi lượng như canxi, phốt pho, kẽm, có thể ngăn ngừa bệnh thiếu máu, thúc đẩy sự phát triển của não bộ.
Ngoài ra, khoai lang còn rất giàu chất xơ, có tác dụng điều hòa tiêu hóa đường ruột rất tốt.
Mặc dù khoai lang rất bổ dưỡng nhưng vẫn chứa hàm lượng đường cao, có người cho rằng ăn khoai lang có thể hạ đường huyết, có ý kiến lại cho rằng ăn khoai lang có thể làm tăng đường huyết, thế nào đúng?
Về việc khoai lang hạ đường huyết hay tăng đường huyết, bác sĩ Trần Chí Phong - Trưởng Khoa Nội tiết của Bệnh viện Liên kết thứ tư của Đại học Y Cáp Nhĩ Tân cho biết, từ chỉ số đường huyết của thực phẩm, chỉ số đường huyết của khoai lang luộc là 76,7 tức là thuộc nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao.
Hàm lượng carbohydrate và calo trong khoai lang tương đối thấp, đồng thời giàu cellulose, pectin, chất xơ và các thành phần khác có thể làm chậm quá trình hấp thụ đường và chất béo trong thức ăn của cơ thể. Nhìn chung ăn khoai lang một cách điều độ sẽ không làm tăng lượng đường trong máu, chỉ không nên ăn cơm sau khi ăn khoai lang, vì dễ dẫn đến tình trạng hấp thụ quá nhiều đường.
Vậy bệnh nhân tiểu đường và người có lượng đường trong máu cao có được ăn khoai lang không?
Tuy nói khoai lang có hàm lượng đường tương đối cao, nhưng nhiều đường không có nghĩa là đường huyết sẽ tăng nhanh, ví dụ như táo cũng chứa đường nhưng chỉ số đường huyết của táo chỉ là 36. Bởi vì chất xơ, protein và các thành phần khác có trong táo sẽ làm giảm tốc độ tăng đường huyết, khoai lang cũng rất giàu chất xơ và các chất khác, vì vậy bệnh nhân tiểu đường có thể ăn khoai lang.
Tuy nhiên, một số bệnh nhân sau khi ăn khoai lang có lượng đường trong máu tăng cao, nguyên nhân thường là do tiêu thụ quá nhiều, đối với bệnh nhân đái tháo đường, sau khi ăn khoai lang nên bớt ăn cơm, mì để giảm lượng đường huyết.
Ăn khoai lang thường xuyên có thể chống ung thư, đúng hay sai?
Có người nói khoai lang là vua chống ung thư, thực sự khoai lang có thể chống ung thư hay không? Trên thực tế, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng một số loại thực phẩm có thể chống ung thư. Khoai lang cũng rất giàu chất xơ, có thể tăng tốc độ nhu động ruột và cải thiện tình trạng táo bón, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi về vai trò ngăn ngừa ung thư của nó.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các hoạt chất chống ung thư chứa trong khoai lang mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm tế bào và thiếu bằng chứng thực nghiệm lâm sàng, điều thực sự có thể ngăn ngừa ung thư là một chế độ ăn uống lành mạnh.
Ăn khoai lang chưa chắc đã tạo ra tác dụng phòng chống ung thư nhưng điều này không phủ nhận giá trị dinh dưỡng sẵn có của khoai lang, ăn khoai lang điều độ, phù hợp, đúng cách vẫn có lợi cho sức khỏe.
Khoai lang tuy tốt nhưng bạn nên chú ý cách ăn nếu không sẽ gây ra nhiều khó chịu trong cơ thể.
Không ăn những củ khoai có đốm đen bên ngoài
Nếu trên bề mặt khoai lang phát hiện có đốm đen, rất có thể đã bị nhiễm mốc đen, độc tố do mốc đen tiết ra có chứa xeton, sau khi ăn rất dễ gây ngộ độc thực phẩm, vì vậy khoai lang có đốm đen bên ngoài không ăn được.
Không ăn sống
Màng tinh bột trong khoai lang cần được xử lý ở nhiệt độ cao để tiêu hóa tốt hơn, vì vậy cố gắng không ăn khoai lang sống, nếu màng tinh bột của khoai lang sống không bị phân hủy, sau khi ăn có thể gây ợ nóng, đầy hơi và buồn nôn.
Nhớ giảm bớt thực phẩm chủ yếu sau khi ăn khoai lang
Hàm lượng carbohydrate và năng lượng chứa trong khoai lang hầu như tương đương với cùng một lượng cơm, vì vậy sau khi ăn khoai lang, bạn nên giảm bớt lượng ăn vào các loại lương thực chủ yếu khác có cùng lượng, nếu không sẽ dễ dẫn đến tình trạng dư thừa carbohydrate trong cơ thể và tăng lượng đường trong máu.
Vỏ khoai lang tốt nhất là không nên ăn
Vỏ khoai lang chứa nhiều alkaloid, ăn vỏ khoai lang có thể gây khó chịu đường tiêu hóa, vì vậy tốt nhất không nên ăn vỏ khoai lang, nhất là những củ có đốm đen./.
Theo Kiều Dụ - vietnamdaily.trithuccuocsong.vn