Việc trẻ em phải đi học quá sớm, theo bác sĩ Ninh Thị Phương Mai – Khoa Nội Nhi Tổng hợp (Bệnh viện E), lâu ngày dẫn đến thiếu ngủ, không được ăn sáng đầy đủ sẽ thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe
Ngoài ra, trẻ em cần có thời gian ăn sáng và nghỉ trưa phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể.
Trẻ cần có thời gian ăn sáng
- Giờ vào học của trẻ em hiện rất đa dạng. Có nơi, trẻ phải có mặt ở trường từ 6 giờ 40 phút nhưng ở trường khác là 7 giờ, 7 giờ 15 phút, thậm chí 7 giờ 30 phút. Theo bác sĩ, giờ vào học của trẻ, đặc biệt học sinh tiểu học thế nào là hợp lý?
- Trong một ngày, trẻ cần ngủ 9 - 12 giờ, trong đó thời lượng giấc ngủ ban đêm cần đảm bảo từ 8 - 11 giờ. Vậy một lịch trình tối ưu là buổi tối trẻ đi ngủ từ 21 giờ và thức dậy vào 6 giờ sáng. Thời gian sau đó trẻ có thể vệ sinh cá nhân, ăn sáng cùng gia đình và đến trường. Thời gian lý tưởng cho một bữa ăn là 30 phút. Theo ý kiến cá nhân, giờ vào học tùy thuộc nhiều yếu tố nhưng với trường vào học quá sớm (trước 7 giờ) việc lùi giờ là cần thiết, giúp phụ huynh có thêm thời gian chuẩn bị bữa sáng và ăn cùng trẻ. Bản thân trẻ cũng có thêm thời gian để ăn bữa sáng đầy đủ hơn cả về chất và lượng.
Bữa ăn sáng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hoạt động thể chất, tinh thần cũng như tăng khả năng học hỏi của trẻ. Có thể khẳng định, đây là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Bởi, sau khoảng thời gian dài từ 10 - 12 giờ, kể từ bữa ăn cuối cùng của ngày hôm trước, bữa ăn sáng là nguồn cung cấp năng lượng, cũng như các yếu tố đa lượng và vi lượng cho cả một ngày dài hoạt động của trẻ.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, trẻ thường xuyên ăn sáng có khả năng học hỏi tốt hơn so với em không ăn sáng. Một bữa ăn sáng đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp trẻ: Tăng sự tập trung chú ý, dễ tiếp thu kiến thức trên lớp học. Có trí nhớ và giao tiếp tốt. Trẻ tự tin hơn, có niềm vui và sự yêu thích khi trường đến. Ngoài ra, bữa sáng giúp trẻ duy trì vóc dáng, ít phải nghỉ học do mắc bệnh.
Ngủ trưa để tái tạo năng lượng và thư giãn hệ thần kinh
- Ngoài ăn uống, trẻ cũng cần được nghỉ ngơi, thư giãn. Bác sĩ có thể cho biết thời gian nghỉ trong ngày của trẻ thế nào là hợp lý?
- Sau những giờ học tập trung và căng thẳng, trẻ cần thời gian nghỉ ngơi và ngủ trưa để tái tạo năng lượng và thư giãn hệ thần kinh, giảm căng thẳng, phục hồi khả năng ghi nhớ. Đối với trẻ lứa tuổi tiểu học, giấc ngủ trưa đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển về thể chất và trí não. Trẻ cần được nghỉ ngơi và ngủ trưa tối thiểu 30 - 60 phút. Nếu thời gian nghỉ ngơi không đảm bảo, trẻ khó có sức khỏe về thể chất và tinh thần tốt, làm giảm khả năng ghi nhớ và nhận thức. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập, tiếp thu kiến thức của trẻ; thậm chí sự căng thẳng kéo dài có thể khiến trẻ tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề tâm lý như giảm tập trung chú ý, trầm cảm…
Theo Tuyên bố đồng thuận của Học viện Y học về giấc ngủ Hoa Kỳ năm 2016, trẻ em lứa tuổi tiểu học được khuyến cáo ngủ từ 9 - 12 giờ mỗi ngày để tăng cường sức khỏe tối ưu.
Giấc ngủ trẻ em chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có nhịp sinh học hình thành liên quan đến chu kỳ ánh sáng và bóng tối. Nghiên cứu trên 10.000 trẻ em tại Anh được thực hiện bởi Trường Đại học London cho thấy, những em bé với giờ ngủ thất thường có nhiều khả năng gặp các vấn đề về hành vi, bao gồm: Hiếu động thái quá, khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc. Những triệu chứng này gần tương tự với sự mệt mỏi sau một chuyến bay dài.
Giờ ngủ lộn xộn trong một thời gian dài gây ra những ảnh hưởng rõ rệt tới trẻ do gián đoạn nhịp điệu sinh học dẫn tới thiếu ngủ. Điều này dần dần phá hoại sự phát triển của não bộ cũng như khả năng điều chỉnh hành vi nhất định ở trẻ nhỏ.
Nghiên cứu cũng nhận thấy, những trẻ có giờ ngủ không cố định hay đi ngủ sau 21 giờ tối thường có nền tảng xã hội kém hơn và nhiều khả năng hình thành các thói quen xấu. Do đó, trẻ em lứa tuổi tiểu học nên có thói quen đi ngủ vào một khung giờ cố định, trước 21 giờ tối.
Bên cạnh đó, giấc ngủ giúp cải thiện tầm vóc. Các nghiên cứu y học đã chứng minh khi ngủ, cơ thể tiết hormone sinh trưởng cao gấp 4 lần so với khi thức. Giấc ngủ hỗ trợ sự phát triển nhận thức, trí nhớ, ngôn ngữ, chú ý, học tập, cảm xúc, hành vi và kỹ năng xã hội thông qua tái tạo năng lượng, giúp bộ não được phục hồi và hoạt động tốt hơn, tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung, thúc đẩy năng lực sáng tạo, giảm căng thẳng, đem lại sự cân bằng về cảm xúc, cải thiện khả năng miễn dịch cho cơ thể.
Vì các lý do trên, việc thiết lập các thói quen ngủ lành mạnh trong giai đoạn tiền học đường và tiểu học là cần thiết cho sự phát triển lành mạnh và hạnh phúc, cả về ngắn hạn và dài hạn./.