Theo đó, năm 2017, gia đình ông Phan Bá Sơn tiến hành xây dựng tòa nhà 4 tầng tại khối 4, thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành. Tuy nhiên, thay vì thực hiện xây dựng theo đúng mốc giới và phạm vi trong phần đất “sổ đỏ”, ông Sơn lại ngang nhiên cho xây dựng công trình trên cả đất trồng cây lâu năm, không những thế còn cho xây dựng vượt ra khỏi phần đất của mình rồi “mặc nhiên” tồn tại cho đến nay.
Được biết, thời điểm ông Sơn đang tiến hành xây dựng nhà, một số người dân là hàng xóm lân cận phát hiện ông này đã xây dựng công trình vượt ra khỏi phần đất của mình và lấn sang phần đất của các hộ dân này. Các hộ dân xung quanh đã báo lên chính quyền địa phương.
Ngày 25/10/2018, tại kết luận biên bản buổi hòa giải giữa ông Phan Bá Sơn và đại diện gia đình ông Phan Văn Đồng, gia đình Nguyễn Thị Hoa các hộ dân liên quan, ông Phan Doãn Hữu – Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thành cũng đã khẳng định ông Phan Bá Sơn đã xây dựng tòa nhà 4 tầng vượt khỏi mốc giới của “sổ đỏ” được cấp và lấn chiếm sang phần đất của các hộ lân cận là hộ ông Phan Văn Thuyên và hộ bà Nguyễn Thị Hoa.
Và mới đây nhất, tại Báo cáo số 53/UBND.ĐC của UBND thị trấn Yên Thành, ngày 05/9/2023, cũng có phần nội dung nêu rõ: Qua xác minh nguồn gốc hiện trạng xây dựng nhà của ông Phan Bá Sơn cho thấy, việc xây dựng vượt so với diện tích theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp là đúng sự thật. Tuy nhiên, phần diện tích vượt đó đã có từ trước khi gia đình ông Phan Bá Sơn, nhận bàn giao từ gia đình ông Trần Đình Nguyên, trên cơ sở hiện trạng đã xây dựng một số công trình trước đó. UBND thị trấn sẽ căn cứ vào quy định Nhà nước yêu cầu ông Phan Bá Sơn giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới xây dựng công trình mới trên phần diện tích đất 50,2m2 đang tranh chấp.
Theo hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Phan Bá Sơn là thửa đất số 91 – tờ bản đồ số 7, có diện tích 256m2 (trong đó đất ở 200m2, đất trồng cây lâu năm 56m2) nhận chuyển nhượng từ ông Trần Đình Nguyên từ năm 2017. Như vậy theo quy định, ông Phan Bá Sơn chỉ được xây dựng công trình trên phần đất ở 200m2. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên thì tòa nhà 4 tầng của ông Phan Bá Sơn đã xây dựng trên toàn bộ diện tích 256m2 (trong đó bao gồm cả 56m2 đất trồng cây lâu năm, mà theo quy định loại đất này không được xây dựng công trình nhà kiên cố).
Trao đổi với phóng viên, ông Tống Hữu Tình - Công chức Địa chính thị trấn Yên Thành cho biết: Thửa đất của ông Sơn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 256m2, nhưng thực tế ngoài có khả năng là sẽ hơn. Hiện trạng chúng tôi cũng biết là diện tích có tăng lên và ông Sơn đã xây dựng công trình trên nhiều thửa, trong đó có xây dựng trên toàn bộ thửa đất có diện tích 256m2 (thửa đất ông Sơn nhận chuyển nhượng từ ông Nguyên) và có xây dựng lấn sang một phần diện tích ngoài phạm vi sổ đỏ của mình.
Trong khi đó, theo Luật Đất đai năm 2013 quy định một số thông tin về xây dựng nhà ở và loại đất như sau: Theo Điều 10 quy định về loại đất: Đất trồng cây lâu năm thuộc nhóm đất nông nghiệp; Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị, đất sử dụng để xây dựng trụ sở… thì thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.
Ngoài ra, Điều 12 Luật này cũng nêu rõ những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đất đai, cụ thể đối với trường hợp này quy định: Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích, nghĩa là việc không thể xây dựng nhà ở hoặc thực hiện công trình trên đất trong trường hợp đất này thuộc quỹ đất nông nghiệp mà Nhà nước quy định.
Và đối với trường hợp đất quy định mục đích sử dụng đất là đất trồng cây lâu năm, thì người sử dụng đất không được phép xây dựng nhà ở hoặc thực hiện xây dựng công trình trên phần đất này mà chưa được pháp luật cho phép.
Bên cạnh đó, khi chủ thể có đất thuộc loại đất trồng cây lâu năm, nhưng cố tình xây dựng công trình nhà ở hoặc công trình kiên cố trên đất thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc chủ thể xây dựng trái phép khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai về sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích khác, không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Ngoài ra, chủ thể còn phải khắc phục lại tình trạng của đất theo Khoản 4 điều này như sau: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo quy định pháp luật; buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất.
Như vậy, với việc ông Phan Bá Sơn đã thực hiện xây dựng nhà ở kiên cố trên phần đất trồng cây lâu năm, cùng với đó xây dựng lấn chiếm sang phần đất mà không phải đất nhà mình, liệu ông Sơn có bị áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành? Đã đến lúc, chính quyền huyện Yên Thành cần phải quyết liệt vào cuộc kiểm tra, xử lý những vi vphạm trong hoạt động xây dựng này theo quy định của pháp luật.