d-1683951422.jpg
Doanh nghiệp Hồng Lương chưa tháo dỡ các công trình xây dựng trên đất lấn chiếm dù đã hết thời hạn cho phép.

Nộp phạt nhưng không tháo dỡ

Ngày 9/12/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định xử phạt hành chính số 4787/QĐ–UBND, xử phạt Công ty TNHH Hồng Lương (DN Hồng Lương), có trụ sở tại khối 11, thị trấn Quỳ Hợp, do ông Đinh Văn Lương làm Giám đốc. Với nguyên nhân, DN Hồng Lương đã thực hiện hành vi chiếm đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn. Cụ thể DN Hồng Lương đã xây dựng lán trại công nhân, 2 hệ thống bàn rung để tuyển quặng, đổ đất đá trên diện tích 3ha tại thung Hung Nọi, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, mà chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất theo quy định. Sau đó, DN Hồng Lương bị xử phạt 210 triệu đồng.

Tương tự, Công ty CP Tân Hoàng Khang, do ông Nguyễn Văn Thủy làm Giám đốc, có địa chỉ tại khối 17 thị trấn Quỳ Hợp cũng có hành vi lấn chiếm 18,380m2 đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn. UBND tỉnh Nghệ An đã xử phạt Công ty CP Tân Hoàng Khang 170 triệu đồng, buộc doanh nghiệp này khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã chiếm đối với khoảng 2.724m2 đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm) là phần diện tích nằm ngoài dự án khai thác quặng khoáng sản và đá xây dựng đi kèm. Đồng thời, buộc Công ty CP Tân Hoàng Khang tiếp tục thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định đối với phần diện tích khoảng 15.656m2 đất nông nghiệp, thời hạn thực hiện là 120 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định này.

Cũng với hành vi trên, Công ty TNHH Thành Trung (trụ sở chính ở xóm Cầu Đá, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp) vừa vị UBND huyện Quỳ Hợp xử phạt vi phạm hành chính do lấn chiếm đất trong quá trình khai thác khoáng sản. Theo đó, doanh nghiệp này đã đổ đất, đá thải, làm bãi tập kết đá trên khu vực chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo quy định trên diện tích 1,97ha tại khu vực giáp ranh với mỏ của công ty tại bản Kèn, xã Châu Lộc, trong suốt 3 năm qua. Với hành vi này, Công ty TNHH Thành Trung bị xử phạt 100 triệu đồng và buộc phải thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định đối với diện tích 1,97ha, trong thời hạn 180 ngày. Buộc phải nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính với số tiền hơn 47 triệu đồng.

Ngoài ra, nhiều đơn vị khai thác khoáng sản còn bị xử phạt với số tiền trên 100 triệu đồng cùng với hành vi lấn chiếm đất như Công ty CP Khoáng sản Nghệ An bị phạt 158 triệu đồng vì lấn chiếm đất đồi núi chưa sử dụng tại xã Châu Tiến; Công ty TNHH Hà Quang bị phạt 140 triệu đồng vi phạm khai thác khoáng sản vượt ra ngoài giới hạn phạm vi được cấp phép; Công ty CP Khoáng sản Thành Châu Nghệ An bị phạt hơn 150 triệu đồng vì 4 vi phạm, trong đó có hành vi chiếm đất rừng sản xuất…

Vì sao chậm hoàn thiện?

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có 80 mỏ được cấp phép còn hạn, trong đó, 14 mỏ được cấp giấy phép khai thác quặng thiếc, 34 mỏ được cấp giấy phép khai thác đá hoa trắng, 30 mỏ được cấp giấy phép khai thác đá xây dựng, 1 giấy phép khai thác nước khoáng, 1 mỏ cát sỏi. Tuy nhiên, qua kiểm tra hầu hết các công ty khai thác đều có hành vi lấn chiếm đất. Thậm chí, trên diện tích đất bị lấn chiếm, một số công ty khai thác khoáng sản đã xây dựng nhà xưởng, kho bãi, các công trình phục vụ sản xuất lên trên…

Sau khi xử phạt, dù quá thời hạn vẫn không tháo dỡ. Trong quyết định xử phạt nói trên, cơ quan chức năng đều yêu cầu biện pháp bổ sung đối với các đơn vị vi phạm “Trong thời hạn 180 ngày, 90 ngày nếu không hoàn thiện giấy tờ thủ tục sẽ bị cưỡng chế”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, các đơn vị này dù chưa hoàn thiện thủ tục và cũng đã hết thời gian cho phép nhưng vẫn không tháo dỡ công trình vi phạm trên diện tích đất lấn chiếm.

Đơn cử như DN Hồng Lương, bị xử phạt vì hành vi chiếm đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn dù đã hơn 2 năm, đơn vị này chỉ nộp tiền phạt, còn hồ sơ thuê đất vẫn chưa hoàn thiện, thậm chí các lán trại, hệ thống bán rung… vẫn “tồn tại” ngay trên diện tích lấn chiếm này. Lý giải về vấn đề này, ông Đinh Văn Lương - Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc DN Hồng Lương cho rằng: Về hồ sơ thủ tục sau khi nộp tiền xử phạt, DN Hồng Lương đã làm các thủ tục hồ sơ gửi lên huyện, nhưng do vướng mắc nên đến nay vẫn chưa xong. Còn việc không tháo dỡ các công trình trên đất là vì trong quyết định xử phạt không yêu cầu.

Ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Trước hết phải khẳng định từ trước nay, các mỏ khoáng sản chỉ được cấp phép về khai thác, chứ chưa cấp phép các vùng đệm xung quanh mỏ. Đến nay, sau khi kiểm tra, rà soát thì hầu hết các doanh nghiệp khai thác đều “dính” lỗi này. Trước thực trạng trên, huyện đã có báo cáo UBND tỉnh để hướng dẫn tháo dỡ nhưng đến nay vẫn đang là dự thảo.

Theo Điền Bắc - daidoanket.vn