Theo báo cáo của các tổ chức nghiên cứu năng lượng E3G và Ember, từ tháng 3 đến tháng 9 năm nay, lượng điện gió và quang điện Mặt Trời ở Liên minh châu Âu (EU) đã tăng kỉ lục 13% so với cùng kì năm ngoái.
Vào thời điểm Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu điện, sự phát triển của năng lượng tái tạo (NLTT) dường như mang ý nghĩa to lớn. Đây được cho là nguồn cung năng lượng với mức giá ổn định. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả Nga, đã kiếm được 2 nghìn tỉ USD trong xung đột tại Ukraine. E3G và Ember cho biết việc sản xuất điện Mặt Trời và điện gió của EU đã giúp châu Âu không phải nhập khẩu 70 tỉ m3 khí đốt, trị giá 99 tỉ USD.
Giáo sư Jonathan Stern, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho rằng, NLTT vẫn sẽ hấp dẫn, nhưng nhiều quốc gia châu Âu sẽ không có đủ kinh phí để mở rộng quy mô, vì đã cam kết chi 500 tỉ USD để hỗ trợ các ngành công nghiệp và người tiêu dùng khi giá nhiên liệu tăng cao. Con số này cao gấp đôi so với việc EU đang cung cấp các khoản bảo lãnh cho vay đối với NLTT thông qua Quỹ phục hồi trong giai đoạn 2020-2027.
Về tác động lâu dài của xung đột, IEA tin rằng rạn nứt năng lượng giữa EU và Nga là vĩnh viễn. Theo một phần của lệnh trừng phạt của EU, khu vực này đã ngừng nhập khẩu than của Nga từ tháng 8, dầu thô sẽ ngừng chảy trong tháng 12 và các sản phẩm dầu tinh luyện sẽ bị cấm vào tháng 2/2023. Để trả đũa, Nga đã cắt giảm 80% lượng khí đốt cấp cho châu Âu so với năm ngoái.
Báo cáo của IEA cho biết, EU bù đắp cho sự thiếu hụt năng lượng nhập khẩu từ Nga bằng quá trình chuyển đổi nhanh khỏi khí đốt tự nhiên bằng bổ sung NLTT, xây dựng thêm các tòa nhà và lắp đặt máy bơm nhiệt, dẫn tới một số hiệu ứng mang tính toàn cầu. Nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập kỉ đáp ứng 80% nhu cầu năng lượng, nhưng sẽ giảm xuống 75% vào năm 2030 và 60% vào năm 2050 và nếu những cam kết được thực hiện, tỉ lệ đó sẽ giảm hơn nữa.
IEA cũng dự báo đầu tư hàng năm trên toàn cầu vào NLTT sẽ tăng gần gấp đôi, lên 2 nghìn tỉ USD vào năm 2030. Song cơ quan này cho rằng điều đó không đủ để đáp ứng mục tiêu về 0 phát thải ròng vào năm 2050 của Liên Hợp Quốc. Dẫu vậy, đây vẫn là sự cải thiện lớn.
Năm 2020, trong thời kì suy thoái do đại dịch Covid-19, châu Âu tung ra gói kích thích trị giá 730 tỉ USD, thông qua Quỹ Phục hồi. Trong đó, 37% ngân sách đầu tư vào việc sản xuất điện tái tạo, giúp tạo ra 32% tổng mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng từ NLTT vào năm 2030. Vào năm 2021, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn, EU đặt mục tiêu NLTT sẽ chiếm tỉ trọng 40% tổng mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2030. Ba tháng sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EU nâng mục tiêu đó lên 45%. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng bao gồm sản xuất điện, vận chuyển, sưởi ấm và làm mát. Để đáp ứng yêu cầu này, EU cần sản xuất ít nhất 69% điện năng từ NLTT.
Suy thoái giúp giảm lượng khí thải toàn cầu, ít nhất là trong ngắn hạn. Thế giới đã nhận thấy rõ điều này trong đại dịch Covid-19, khi lệnh phong tỏa giúp giảm 4% mức sử dụng năng lượng và 5,8% lượng khí thải - mức lớn nhất từ trước đến nay. Giờ đây, mọi người cho rằng khủng hoảng năng lượng là một điều tốt, bởi vì dù sao cũng phải cắt giảm lượng khí thải…/.