1-1667870703.jpg

Số phận của những cựu lính biệt kích Afghanistan lưu vong

Ba cựu tướng lĩnh Afghanistan, được hãng tin Pháp AP phỏng vấn đã nói rằng, Nga hy vọng sẽ chiêu dụ hàng nghìn cựu biệt kích tinh nhuệ của Afghanistan gia nhập "Quân đoàn nước ngoài" để tham chiến ở Ukraine.

Với đề nghị mức lương ổn định 1.500 USD/ tháng và đặc biệt là “lời cam đoan” sẽ cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho bản thân và gia đình họ. Đặc biệt họ không bị hồi hương về Afghanistan - nơi nhiều người tin rằng tại đó, họ sẽ bị trả thù bởi chế độ Taliban.

"Họ không muốn tham chiến - nhưng họ không có lựa chọn nào khác", một tướng Afghanistan tên là Abdul-Raf Agandiwal nói, đồng thời ông cho biết thêm rằng, hơn một chục lính biệt kích Afghanistan hiện đang lưu vong ở Iran mà ông biết, điều họ sợ nhất là bị Iran trục xuất về nước.

"Họ hỏi tôi, hãy cho tôi một giải pháp? Chúng tôi phải làm gì? Nếu chúng tôi quay trở lại Afghanistan, Taliban sẽ giết chúng tôi"; Agandiwal nói.

2-1667870719.jpg

Phóng viên của AP cho biết, các hoạt động tuyển mộ lính đánh thuê của công ty quân sự tư nhân Nga Wagner, nhằm vào đối tượng cựu binh Afghanistan, đang được tiến hành rầm rộ tại Iran.

Một tướng Afghanistan lưu vong khác tên là Shibatullah Alizai cho biết, ông nguyên là Tổng tham mưu trưởng quân đội Afghanistan cuối cùng, trước khi Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan.

3-1667870733.jpg

Tướng Alizai cho biết, một cựu chỉ huy lực lượng đặc biệt Afghanistan sống ở Nga và nói được tiếng Nga, cũng đang tích cực hỗ trợ việc tuyển quân này của Nga.

Những quân nhân của lực lượng đặc biệt Afghanistan trong thời gian qua đã cảnh báo rằng, Taliban có ý định trả thù các thành viên của lực lượng đặc biệt Afghanistan. Để cứu lấy mạng sống của mình và tìm được một nơi an toàn cho gia đình họ, những cựu binh này có rất ít sự lựa chọn.

4-1667870776.jpg

Lo ngại của Mỹ về những cựu binh đặc nhiệm Afghanistan

Vào tháng 8 vừa qua, một báo cáo của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã cảnh báo cụ thể rằng, lính biệt kích Afghanistan, từng được huấn luyện chung bởi lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ và Mũ nồi xanh (Lực lượng đặc biệt của Lục quân); cuối cùng có thể làm rò rỉ thông tin chiến thuật của Mỹ cho lực lượng khủng bố IS, Iran hoặc Nga.

5-1667870795.jpeg

Michael Mulroy, một sĩ quan CIA từng phục vụ tại Afghanistan, hiện đã nghỉ hưu cho biết: "Chúng tôi đã không đưa những người này ra nước ngoài như đã hứa và bây giờ, đã đến lúc phải gánh chịu hậu quả".

Mulroy nói thêm rằng, các biệt kích Afghanistan là những chiến binh lành nghề và có kỹ năng. "Thành thật mà nói, tôi không muốn nhìn thấy họ trên bất kỳ chiến trường nào, đặc biệt là tại Ukraine"; Mulroy nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Mulroy hoài nghi rằng, Nga khó có thể thuyết phục nhiều biệt kích Afghanistan tham gia chiến đấu cùng họ; vì biết rằng, hầu hết họ muốn một cuộc sống hòa bình, chứ không phải trở thành lính đánh thuê.

6-1667870811.jpg

Quân đội Nga đang tích cực tuyển thêm binh lính, vừa qua họ đã phải tiến hành động viên cục bộ; tuy nhiên họ muốn có lực lượng chiến đấu thiện chiến và họ đã phải cậy nhờ vào lực lượng bán quân sự Wagner và công ty Wagner đang tiến hành tuyển nhân sự trên toàn cầu.

Một phát ngôn viên của Yevgeny Prigozin, người gần đây thừa nhận là người sáng lập Công ty quân sự tư nhân (PMC) Wagner của Nga, đã bác bỏ những tuyên bố rằng công ty hiện đang tuyển mộ các cựu binh Afghanistan; ông gọi đó là "điều vô nghĩa điên rồ".

Lầu Năm Góc cũng không trả lời yêu cầu bình luận, nhưng một quan chức cấp cao cho biết, việc tuyển mộ này không có gì đáng ngạc nhiên, vì Công ty Wagner cũng đang cố gắng tuyển quân ở nhiều quốc gia khác khắp Trung Đông.

7-1667870830.jpg

Nga có thể tuyển được bao nhiêu cựu binh Afghanistan tham gia chiến đấu?

Không rõ có bao nhiêu thành viên lực lượng đặc biệt Afghanistan trốn sang Iran đã được mời bởi người Nga? Nhưng một thành viên lực lượng đặc biệt Afghanistan hiện đang lưu vong ở Afghanistan nói với Associated Press rằng, anh ta đang sử dụng dịch vụ trò chuyện của các mạng xã hội, để gặp gần 400 người khác; những người đang tự nhận là thành viên biệt kích Afghanistan và đã chấp nhận lời mời liên hệ.

Ông lưu ý rằng, nhiều cựu quân nhân của Afghanistan, giống như ông, sợ bị trục xuất khỏi Iran và tức giận vì bị người Mỹ bỏ rơi.

"Chúng tôi nghĩ rằng, có thể chính quyền Mỹ đã có một kế hoạch đặc biệt cho chúng tôi, nhưng giờ họ hoàn toàn không nghĩ về số phận của chúng tôi", cựu biệt kích yêu cầu giấu tên nói, vì lo lắng cho sự an toàn của bản thân và của gia đình. "Họ để mặc số phận của chúng tôi cho Taliban"; anh nhấn mạnh.

8-1667870849.jpg

Người cựu lính biệt kích Afghanistan cho biết, các điều kiện mà “bên kia” hứa hẹn bao gồm thị thực Nga cho anh ta cùng vợ và 3 đứa con vẫn đang ở Afghanistan; trong khi những người khác được gia hạn thị thực ở Iran.

Người cựu lính biệt kích Afghanistan nói rằng, anh đang chờ để tham khảo quyết định của người khác, nhưng anh ấy nghĩ rằng nhiều người sẽ chấp nhận thỏa thuận này.

Các cựu binh Mỹ từng phục vụ trong lực lượng đặc biệt của Afghanistan đã kể với phóng viên AP rất nhiều câu chuyện về việc Taliban đi từng nhà để tìm các cựu biệt kích vẫn còn ở Afghanistan, sau đó tra tấn hoặc giết họ.

9-1667870867.jpg

Các cựu binh Afghanistan cáo buộc, Taliban đã phớt lờ những lời hứa ân xá và gây ra các vụ giết hại hoặc cưỡng bức "mất tích" hơn 100 cựu binh sĩ, sĩ quan tình báo và cảnh sát Afghanistan chỉ ba tháng sau khi tiếp quản Afghanistan.

Một báo cáo của Liên hợp quốc được công bố vào giữa tháng 10 đã ghi lại các vụ hành quyết “không cần xét xử” đối với 160 cựu quan chức chính phủ và quân đội Afghanistan và việc bắt giữ 178 người khác.

Em trai của một lính biệt kích Afghanistan, hiện đang sống lưu vong ở Iran tên là Murad, người đã chấp nhận lời đề nghị của Nga cho biết, mối đe dọa từ Taliban khiến “việc từ chối lời đề nghị này rất khó khăn”.

Murad cũng cho biết, anh trai của anh ta đã phải đi ẩn náu trong ba tháng sau khi Kabul thất thủ và phải lẩn trốn ở nhà của một số người thân, trong khi Taliban khám xét nhà của anh ta.

"Anh trai tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận lời đề nghị tham gia lính đánh thuê", Murad nói. Murad không tiết lộ tên đầy đủ của mình vì sợ rằng Taliban có thể tìm thấy mình. "Đó không phải là một quyết định dễ dàng đối với anh ấy".

10-1667870886.jpg

Cựu Tham mưu trưởng Quân đội Afghanistan Alizai cho biết, nỗ lực tuyển mộ của Nga tập trung ở Tehran và Mashhad. Mashhad là một thành phố ở biên giới Iran gần với Afghanistan, ở đó nhiều người đã chạy trốn khỏi Afghanistan, sau khi Taliban lên nắm quyền.

Một số cựu tướng lĩnh Afghanistan được phỏng vấn bởi The Associated Press, bao gồm cả một vị tướng là Abdul-Jabbar al-Wafa cho biết, không ai nắm được số lượng binh lính Afghanistan hiện đang lưu vong tại Iran là bao nhiêu và bao nhiêu trong số này sẽ chấp nhận làm lính đánh thuê?

"Bạn thực hiện hai tháng huấn luyện quân sự ở Nga và sau đó bạn ra mặt trận", một cựu binh Afghanistan ở Iran viết trong một tin nhắn cho Agandiwal. "Một số cựu nhân viên đặc nhiệm đã rời đi, nhưng họ hoàn toàn không liên lạc với gia đình và bạn bè. Số liệu thống kê chính xác không rõ ràng".

11-1667870902.jpg

Ước tính có khoảng 20.000 đến 30.000 binh sĩ lực lượng đặc biệt Afghanistan đã chiến đấu bên cạnh người Mỹ trong cuộc chiến kéo dài gần 20 năm ở Afghanistan. Và khi Mỹ cuối cùng rút khỏi Afghanistan, chỉ có vài trăm sĩ quan cấp cao được đón đi cùng người Mỹ. Không có bất cứ kế hoạch di tản nào cho số còn lại, dù rằng với thân phận của họ, những cựu binh này khó có thể tránh được việc bị Taliban trả thù.

Nhiều biệt kích Afghanistan không làm việc trực tiếp cho quân đội Mỹ và do đó không đủ điều kiện để được cấp thị thực đặc biệt của Mỹ.

"Họ là những người đã chiến đấu đến cùng. Và họ không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ đầu hàng trước Taliban", Alizai nhấn mạnh, "Bỏ mặc họ là sai lầm lớn nhất"; Alizai buồn bã kết luận./.