Sống nhờ dòng sông

Một ngày mưa gần cuối tháng 9, chúng tôi ghé thăm xóm vạn chài xã Xuân Lam. Theo người dân ở đây, nhiều năm nay, hàng chục hộ gia đình phải bám trụ trên những chiếc thuyền nhỏ, được che chắn tạm bợ bằng đủ loại vật liệu như bạt, vải, và tấm tôn, vì không có đất để dựng nhà.

322-1727164031.PNG
Xóm vạn chài neo đậu thuyền gần dưới chân cầu Yên Xuân (Hưng Nguyên).

Giữa buổi chiều khi nước sông rút xuống, khoảng mười chiếc thuyền cũ kỹ, rách nát neo đậu dưới chân cầu Yên Xuân, trong khi những con thuyền lớn hơn vẫn vươn mình giữa dòng sông Lam để đánh bắt tôm cá. Gắn bó với sông nước, người dân nơi đây hầu như chỉ có một nghề duy nhất là xuôi dòng sông Lam để đánh bắt thủy sản. Thu nhập của họ bấp bênh như sóng nước và phải đối diện với nhiều hiểm nguy trong mùa mưa bão.

Cả xóm vạn chài chỉ có 13 hộ dân, trong đó chỉ vài hộ có đất định cư trên bờ; số còn lại sống lênh đênh trên những con thuyền. Cuộc sống không nhà cửa, không mảnh đất 'cắm dùi' khiến xóm vạn chài này luôn sống với 'khát vọng lên bờ' suốt nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Xuân Quang (66 tuổi), cư dân xóm vạn chài, cho biết: 'Nhiều năm trước, tôi đã sử dụng những tấm tôn, bạt mà tôi xin và nhặt nhạnh dọc đường để dựng thành túp lều chật chội, chắp vá, nhằm che nắng, che mưa'. Mỗi mùa mưa lũ đến, toàn bộ căn lều chìm nghỉm dưới nước. Vợ ông, do bệnh tật không thể di chuyển, buộc ông phải đưa bà đi ở nhờ nhà người thân. Khi lũ rút, ông Quang lại trở về thuyền để tiếp tục sinh sống và mưu sinh.

ds-1727164056.PNG
Căn nhà của ông Nguyễn Xuân Quang sẽ chìm dưới lòng sông khi lũ về.

Người đàn ông này chẳng nhớ mình gắn bó với nghề chài lưới đã bao nhiêu năm. Chỉ biết từ lúc sinh ra đã sống cùng gia đình trên những chiếc thuyền, đến lúc lấy vợ sinh con, chiếc thuyền vừa là nhà, vừa là sinh kế của cả gia đình. Hai bên nội ngoại nhiều đời làm nghề chài lưới nên như vòng tròn bất tận của số phận, hai vợ chồng lại tiếp tục sống đời sông nước.

"Do không có tiền mua đất xây nhà trên bờ nên nhiều gia đình có từ 4 đến 5 khẩu nhiều năm sống chen chúc dưới thuyền. Điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, khổ nhất là những gia đình có con trong độ tuổi còn đi học, bất tiện vô cùng", ông Quang kể.

Thêm vào câu chuyện, anh Nguyễn Văn Việt (44 tuổi) cư dân xóm vạn chài cho biết, gia đình anh có căn nhà dựng bên mép sông làm nơi trú ngụ. Căn nhà chỉ khoảng 40m2, được xây dựng tạm bợ, nhưng là nơi ở của gia đình 10 thành viên. Vài năm trước, con trai lớn lấy vợ, sinh con và cũng ở lại trong nhà để tiếp tục nghề của cha mẹ.

Ngoài ra, vợ chồng anh Việt còn phải chăm sóc hai người em mắc bệnh tâm thần, không tự lo cho bản thân. Căn nhà vốn đã chật chội, nay lại càng ngột ngạt hơn khi có thêm nhiều người hàng xóm đến xin tá túc.

233-1727164082.PNG
Ngôi nhà của ông Quang bắt đầu bị ngập từ sáng ngày 22/9.

"Người thì ngồi trong nhà, nhưng mắt vẫn phải dõi theo con thuyền đang neo đậu phía dưới. Nếu thuyền bị đánh chìm, còn kịp nhảy xuống cứu. Ban đêm, đàn ông chúng tôi vẫn phải ở dưới thuyền, chỉ có phụ nữ và trẻ em mới được lên bờ tránh lũ," anh Việt chia sẻ.

Anh Việt cho biết thêm, "Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm, cuộc sống của người dân vạn chài thêm phần khốn khó. Nhiều gia đình muốn cho con đi xuất khẩu lao động nhưng đều gặp khó vì hầu hết đều ít học, lại không có tài sản để thế chấp vay ngân hàng. Thế nên, hết đời này đến đời khác, họ vẫn phải bám trụ ở xóm vạn chài này".

Lo nhất vào mùa mưa lũ, người dân xóm vạn chài phải chật vật kéo thuyền lên cạn, rồi sơ tán đến nhà của người thân ở trong thôn ở nhờ. "Như trận lũ lịch sử năm ngoái, nhà cửa ngập hết nên chẳng chạy đi đâu được. Người dân đành phải bám trụ lại trên thuyền. Sống ở đây dù chưa xảy ra vụ lật thuyền nào, nhưng hễ đến mùa mưa bão là chúng tôi lại thấp thỏm lo âu", anh Việt buồn rầu nói.

Xa xôi mơ ước an cư

Chị Phạm Thị Thủy (35 tuổi), một trong những cư dân của xóm vạn chài, sống quanh quẩn ngay dưới chân cầu Yên Xuân cho biết, niềm mong mỏi lớn nhất đối với vợ chồng chị Thủy và các hộ dân xóm vạn chài lâu nay là có một mảnh đất để xây dựng nhà, vừa ổn định cuộc sống, vừa thuận tiện cho con cái học hành.

ff-1727164112.PNG
Cuộc sống bấp bênh của một gia đình ở xóm vạn chài trên dòng sông Lam.

Chị Thủy quê ở Hà Tĩnh, cũng nhiều đời làm nghề chài lưới, sống trên thuyền neo đậu ở bờ bên kia sông Lam. Còn chồng chị, anh Nguyễn Xuân Toàn (44 tuổi), quê gốc ở Quảng Bình, nhưng sinh ra ở trên thuyền ngay xóm vạn chài này. "Nếu cứ sống ở đây mãi thì mấy đứa trẻ rồi cũng sẽ bỏ học giữa chừng hết thôi. Ở cái xóm vạn chài này, miếng ăn còn không đủ nên chẳng có đứa nào được học hành tử tế cả. Những đứa lớn bây giờ bỏ đi tứ xứ để làm thuê vì không chịu được cái cảnh nghèo khó, bấp bênh này", chị Thủy thở dài.

Cạnh đó, vợ chồng anh Phạm Ngọc Hoài (49 tuổi) đã có với nhau 3 đứa con, cũng sống bám trụ trên chiếc thuyền nhỏ ở xóm vạn chài từ ngày này sang tháng khác. Mỗi lần mưa bão đến, vợ và các con sẽ vào trong đê để lánh nạn. Còn anh Hoài vẫn liều lĩnh bám trụ trên con thuyền nhỏ.

"Con thuyền này chính là "cần câu cơm" của cả đại gia đình. Nếu không trông chừng, mưa lớn sẽ bị chìm, một trận lũ sẽ cuốn phăng tất cả. Vì thế, những ngày mưa gió, cả nhà ăn ngủ không yên, phải thức suốt đêm để canh lũ. Vì thuyền nhỏ, nên mưa lớn nước sẽ trút xuống, nếu không liên tục tát nước ra ngoài thuyền sẽ bị chìm. Dù biết như vậy cũng nguy hiểm, nhưng chấp nhận. Chứ thuyền mà chìm là vất vả lắm", anh Hoài nói.

Mỗi mùa mưa bão, chính quyền địa phương đều cắt cử cán bộ theo dõi tình hình ở xóm vạn chài. Nếu nước dâng lên cao thì sẽ phải cưỡng chế người dân sơ tán vào trong đê. Nhưng thực tế, nhiều người dân vẫn rất chủ quan, tiếc của nên thường bám trụ trên thuyền để trông coi.

Ông Nguyễn Cảnh Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).

Trong khi, người dân xóm vạn chài đang phải sống cảnh đời trôi nổi, tạm bợ trên những con thuyền neo đậu dưới chân cầu Yên Xuân, vì không có tấc đất "cắm dùi", thì cách đó không xa, một khu tái định cư đã xây dựng xong từ vài năm trước đang bỏ hoang. Khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở sông Lam ở xóm 9, xã Xuân Lam.

Dự án được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ năm 2011, nằm phía trong đê sông Lam để bố trí chỗ ở mới cho 100 hộ dân vùng ngập lũ và sạt lở đất phía bên ngoài đê. Với kinh phí đầu tư hơn 24,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

Mặc dù thuộc dự án khẩn cấp, nhưng do thiếu vốn nên đến năm 2021 dự án mới hoàn thành, bàn giao cho địa phương. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, khu tái định cư vẫn bỏ hoang, chưa có hộ dân nào đến ở.

Lãnh đạo xã Xuân Lam cho biết, xóm vạn chài có 13 hộ với hơn 100 nhân khẩu, cuộc sống vô cùng khó khan, họ luôn mong mỏi được cấp đất để lên bờ sinh sống. Nếu được bố trí ở khu tái định cư dành cho vùng sạt lở, hiện đang bỏ trống thì quá tốt. Tuy nhiên, việc này xã không thể tự quyết định mà cần phải xin chủ trương của tỉnh.