Tận dụng tự nhiên để phát triển kinh tế
Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) có bờ biển dài trên 12 km, với 2 cửa sông (sông Cấm và sông Lam). Nhờ vùng cửa sông có mực nước sâu từ 6-8m, người dân tận dụng để làm lồng bè nuôi các loại cá nước lợ.
Tại phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, nghề nuôi cá lồng đã phát triển hơn 10 năm nay. Vào thời đỉnh điểm, có hàng trăm hộ dân nuôi cá, những chiếc lồng bè nổi kín trên mặt sông.
Có 15 lồng nuôi cá hồng mỹ và cá vược gần cửa sông Cấm, anh Trần Văn Duy (trú tại phường Nghi Tân) cho biết, mỗi lồng nuôi cá của gia đình anh được thiết kế với kích thước 16m2. Lồng cá càng rộng để đảm bảo cho đàn cá có không gian vận động.
Cá hồng mỹ và cá vược là những loài có cá thịt dai, thơm, giàu dinh dưỡng, được thị trường rất ưa chuộng. Đặc biệt, cá hồng mỹ và cá vược là loài cá săn mồi dữ tợn, vì thế thức ăn cho 2 loài cá này phải đảm bảo tươi, ngon.
Từ sáng sớm, khi những chiếc thuyền vừa cập bến, anh Duy đã có mặt để mua các loài cá nhỏ mà ngư dân đánh bắt được về làm thức ăn cho đàn cá hồng mỹ, cá vược.
Ở giai đoạn này, đàn cá ăn rất khỏe. Trung bình mỗi ngày, anh Duy phải chi hơn 2 triệu đồng để mua thức ăn cho đàn cá.
Theo anh Duy, cá được nuôi trong khoảng 1 năm đạt trọng lượng từ 0,8 đến 1,1 kg/con. Hiện tại, mỗi lồng cá có khoảng 550 – 600 con, cá đã đạt trọng lượng khoảng 0,5 đến 0,6kg/con.
“Ban đầu tôi thả 1.000 con giống vào mỗi lồng nuôi, nhưng quá trình sinh trưởng thì cá chết dần. Đến nay chỉ còn hơn một nửa, đây cũng là tỷ lệ rất bình thường”, anh Duy chia sẻ.
Theo người đàn ông này, để cá sinh trưởng tốt phải thường xuyên kiểm tra chất lượng nước. Đặc biệt, khi có mưa lớn kéo dài, cá thường bị sốc nước, thiếu oxy nên rất dễ chết.
Những năm gần đây, anh Duy cũng như các hộ dân nuôi cá lồng ở phường Nghi Tân đã lắp đặt thêm hệ thống sục oxy để hỗ trợ cho đàn cá khi thời tiết thay đổi, mưa lớn kéo dài.
Nhờ có hệ thống sục oxy này mà cá sinh trưởng tốt hơn hẳn, hiện tượng cá chết giảm đáng kể.
Ngoài ra, người dân còn lắp thêm hệ thống điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, camera giám sát trên các bè nuôi cá để đảm bảo an ninh.
Qua hệ thống camera, người nuôi có thể giám sát, phát hiện các dấu hiệu bất thường từ các lồng nuôi từ xa mà không phải túc trực tại đây thường xuyên.
Hướng đi thoát nghèo vươn lên làm giàu
Nghề nuôi cá lồng, chi phí lớn nhất là tiền mua thức ăn cho đàn cá. Để có đủ thức ăn cho đàn cá ở trong 15 lồng nuôi, anh Duy phải chi hàng trăm triệu đồng.
"Mình không có ăn nhưng cũng phải vay tiền mà mua thức ăn cho đàn cá. Vì nếu cá đói chúng sẽ cắn xé lẫn nhau. Vì thế nhiều lúc phải đi vay lãi ngân hàng mua thức ăn cho cá", anh Duy tâm sự.
Theo người đàn ông này, cá phải đạt được trọng lượng, khi đó thịt mới dai, thơm ngon nhất. Với mức giá từ 50.000-150.000 đồng/kg tùy loại cá, sau khi trừ đi các chi phí, mỗi năm anh Duy thu về hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, theo anh Duy, bên cạnh chi phí đầu tư cao, người nuôi cá lồng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Năm trước, 15 lồng cá của gia đình anh ước đạt 10 tấn cá. Chuẩn bị đến ngày xuất bán thì mưa lớn kéo dài khiến lượng cá bị sốc nước nổi chết trắng xóa.
Khoảng 4 tấn cá chết nổi trắng các lồng nuôi, là toàn bộ tiền của, công sức cả năm trời bỗng đổ xuống sông.
Ông Đậu Xuân Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Tân cho biết, trên địa bàn có 26 hộ dân làm nghề nuôi cá lồng, mang lại nguồn thu nhập giúp người dân thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
Bên cạnh giá trị kinh tế mang lại, người nuôi cá lồng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro như: thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường còn bấp bênh.
Để giảm thiểu rủi ro, một số hộ dân đang nhân rộng mô hình, nuôi thêm các loài hải sản có giá trị như hàu, vẹm…