dd-1680951277.jpg
Gia đình anh P. A. S.. Ảnh: Minh Nguyễn

Ông nội tuổi 35

Hỏi thăm nhà Phàng A.S (SN 1984), chúng tôi được người dân chỉ bảo tận tình bởi lẽ S đang nắm giữ nhiều “kỷ lục” của bản. Nhà S ở cuối bản.

S được người dân Pà Cò phong cho danh hiệu “ông nội trẻ nhất bản” vì khi anh vừa bước sang tuổi 35, đứa con dâu cả đã sinh được một bé gái.

S nói: "Mình còn trẻ quá! Khi đứa cháu nội biết nói, nó gọi ông, mình thấy ngượng. Nhưng rồi mọi chuyện cũng cứ quen dần".

n-1680951302.jpg
Anh S lên chức ông nội khi tròn 35 tuổi. Hiện anh đã có 3 cô con dâu.

Nhà S thuộc diện khó khăn trong bản. Gần chục con người mà chỉ ở trong ngôi nhà gỗ ẩm thấp, chật chội. Năm nay S tròn 39 tuổi. S muốn làm nhiều hơn vì có cháu nội rồi.

Nhà S chẳng có thứ gì đáng giá. Mấy bao ngô, bao lúa kê ở đầu nhà ăn vài tháng là hết. S lấy vợ rất sớm, khi mới tròn 15 tuổi, cậu bé khi ấy đã đến nhà Y.G – cô gái Mông ở cùng bản vừa bước sang tuổi dậy thì - để tìm hiểu. Suốt nhiều đêm, S đứng thổi kèn lá bên vách nhà, chịu cái lạnh thấu xương để “cưa” G.

nn-1680951331.jpg
Vợ chồng S là người dân tộc Mông lên chức ông bà nội trẻ nhất bản Pà Cò.

Vợ S kém anh 1 tuổi, đôi trẻ ở chung một nhà còn tị nhau từng việc vặt. Năm lên 17 tuổi, cái tuổi mà chàng trai bản ăn không biết no, đi núi không biết mệt thì S đã có đứa con đầu lòng.

Dường như sự vất vả và thiếu thốn của gia đình, chẳng ảnh hưởng gì đến sự sinh nở của vợ S. Từ năm 2002 đến năm 2007, vợ S đẻ liền một mạch 3 cậu con trai và một cô con gái.

Ba con trai lấy vợ sớm giống bố

Trong lớp kí ức của S là chuỗi những ngày vất vả. Từ ngày lấy vợ đến lúc sinh con đẻ cái rồi lo cưới xin cho con cái đã chiếm hết thời gian của anh.

Ngôi nhà mà vợ chồng S đang sống là của bố mẹ cho. Nhà ông bà cũng nghèo lắm, đất ở đã chật, đất cho sản xuất cũng thiếu mà gia đình lại có tới 5 anh em. Mùa nối mùa trôi qua, nhà A.S sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề. Con cái chẳng mấy khi có manh áo mới, chúng được ăn no là niềm mong ước của vợ chồng anh.

Cậu con trai đầu là P.A.D (SN 2002), lớn lên, học hành biết cái mặt con chữ là nghỉ. Năm 15 tuổi, D cũng đã kịp tìm cho mình một người vợ. Con trai kéo được vợ về nhà, S nhờ người có uy tín trong dòng họ sang nói chuyện với nhà gái và bên đó đồng ý.

Bọn trẻ thành vợ, thành chồng. A.D và vợ tuổi đời còn non nớt, nên khi về ở với S, bố mẹ vừa dạy con trai, dạy con dâu từ nết ăn, nết ở đến việc tra ngô, tra lúa trên nương.

b-1680951364.jpg
Những người con dâu của anh S lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn.

Vợ D về làm dâu nhà anh S được 2 năm thì sinh đứa con gái đầu lòng. Rồi cậu con trai thứ hai của S cũng lấy được vợ.

Thế là S có tới 2 đứa con dâu khi bước sang tuổi 35. Rồi đến cậu con trai thứ ba cũng biết yêu sớm. Năm ngoái, dù nhà đã cạn kiệt mọi nguồn lực, S cố gắng vay mượn để tổ chức cưới cho người con trai thứ 3.

Đứa con gái út Y K (SN 2007) cũng đã có người đến tìm hiểu.  “Mình cũng khổ lắm, mỗi khi tổ chức đám cưới cho bọn trẻ là rất tốn kém. Nhà ăn còn chưa đủ, nợ nần cũng dày lên”, S chia sẻ.

p-1680951399.jpg
Vợ anh S - một người phụ nữ dân tộc Mông lấy chồng từ lúc 14 tuổi - nay chuẩn bị bước sang tuổi tứ tuần đã có con đàn cháu đống.

Đến thăm gia đình S, một điều dễ nhận thấy là cái nghèo hiển hiện trong ngôi nhà. 3 đứa con trai lấy vợ đều ở chung trong ngôi nhà nhỏ. Tính cả vợ chồng S là 4 cặp vợ chồng ở trong cái nhà rộng chừng 30m2.

Ông Sùng A Sía - Chủ tịch UBND xã Pà Cò chia sẻ, những ông nội trẻ tuổi ở địa phương không hề hiếm. Điển hình như gia đình anh S thuộc diện khó khăn ở trong xã. 

Nỗi cơ cực của người mẹ sinh tới 7 đứa con 

Ngôi nhà nhỏ của chị Vàng Y. L cánh nhà anh S khoảng 200m. Chị L (SN 1992) mặc bộ váy đã ngả màu ố vàng đi lại bên hiên nhà nom thật tội. Trong gian bếp nhỏ lo cái ăn cho đám nhỏ, 4 đứa lớn ăn vội bát cơm rồi chạy đến trường. Ở nhà chỉ còn đứa con út 2 tuổi và cậu con trai vừa sinh tròn 1 tuổi.

Trên mâm cơm chỉ có bát cơm trắng cùng bát canh suông. Cháu bé như biết thương mẹ nên xúc cơm ăn ngon lành. L se sắt nhìn đứa con gái út. Nhà L nghèo quá nên bữa cơm cho bọn trẻ chẳng có gì. 

o-1680951431.jpg
Chị L đã sinh hạ tới 7 người con. Hiện gia đình chị đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trong ngôi nhà trống huơ trống hoác của gia đình L chỉ có vài bao thóc, bao ngô dựng ở xó nhà. Toàn bộ số lương thực đó là nguồn sống của 10 người, 6 đứa trẻ con, vợ chồng L và bố mẹ chồng. Nhà vốn nghèo đói lại đông con khiến L già trước tuổi quá nhiều.

Năm nay, mới ngoài 30 tuổi mà khuôn mặt L đã xuất hiện những nếp nhăn khắc khổ. Từ khi lấy chồng đến nay, L đã 7 lần sinh con.

Về nhà chồng đã được hơn chục năm, chị chưa có nổi một ngày được nghỉ ngơi trọn vẹn. Trong số 6 đứa con gái, L đã phải dứt ruột cho một đứa đi làm con nuôi nhà người.

Ông Sồng A Tềnh, Trưởng bản Pà Cò cho biết, bản có 112 hộ thì có đến 65 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo. Gia đình chị L thuộc diện khó khăn nhất bản. Chị đã sinh tới 7 đứa con. Bà con ai cũng khó nên việc giúp đỡ gia đình chị còn hạn chế. Những dịp lễ, Tết, bản kết hợp với xã đến thăm hỏi, động viên gia đình chị là chính”.

Theo Minh Nguyên - laodong.vn