Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng như trên là do ảnh hưởng của các phong tục tập quán lạc hậu trong hôn nhân từ lâu đời để lại như: Quan niệm kết hôn sớm để có lao động làm việc; những người có quan hệ họ hàng kết hôn với nhau sẽ gần gũi hơn, khi về ở chung sống với nhau không phải phân chia tài sản cho người ngoài, không sợ mất con, mất của cải; ý thức chấp hành pháp luật trong đồng bào các dân tộc thiểu số còn hạn chế; chế tài xử phạt chưa được thực hiện nghiêm, còn vướng mắc trong việc thi hành. Mặt khác, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều gia đình không đủ chi phí cho con học hành nên tình trạng bỏ học, thất học vẫn còn xảy ra hoặc học xong không tìm được việc làm, không được làm đúng nghề đã tạo tâm lý trong một bộ phận thanh thiếu niên không thích đi học, bỏ học để lấy vợ, lấy chồng sớm. Ngoài ra, sự phát triển của đời sống xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của thanh, thiếu niên như: mạng xã hội, điện thoại, lối sống theo trào lưu của lớp trẻ.

a-1671789612.jpg
Truyền thông tuyên truyền PBGDPL về hôn nhân gia đình, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cạn huyết thống

Trước thực trạng đó, trong thời gian qua, Cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể huyện Kỳ Sơn đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý Nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền gắn với phát động các phong trào vận động đồng bào các dân tộc thiểu số cải tạo phong tục tập quán lạc hậu, nhất là chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, như: Chỉ thị số 07-CT/HU ngày 26/7/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Kỳ Sơn; Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 25/6/2021 của UBND huyện Kỳ Sơn về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hộn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2025”; Công văn số 614/UBND ngày 23/6/2022 của UBND huyện Kỳ Sơn về việc tuyên truyền pháp luật phòng ngừa tảo hôn và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về hôn nhân, gia đình (Công văn số 614). Theo đó, Công văn số 614 đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, ngành cấp huyện liên quan và UBND 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong đó, giao Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện (Hội đồng) chỉ đạo, phân công các thành viên hội đồng thuộc các cơ quan, đơn vị tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật theo chương trình, kế hoạch đã được ban hành từ đầu năm. Đưa nội dung phổ biến pháp luật phòng ngừa tảo hôn trở thành một chuyên đề chính hoặc bố trí lồng ghép vào các cuộc tập huấn, tuyên truyền tại huyện, cơ sở và các trường học. Giao Phòng Tư pháp - cơ quan thường trực Hội đồng chủ động tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện đa dạng các hình thức tuyên truyền: cập nhật, xây dựng, in tờ gấp pháp luật về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống bằng Tiếng Việt và Tiếng Mông, tuyên truyền cho các đối tượng học sinh bậc THCS và THPT, người dân ở các địa bàn xã, bản có tỷ lệ tảo hôn cao.

Trên cơ sở đó, các phòng,ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện đã tổ chức 04 Chương trình truyền thông tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, với sự tham gia của 1.650 lượt học sinh và người dân địa phương. Phòng Tư pháp chủ trì phối hợp tổ chức 09 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên,…cho 4.100 em học sinh khối THCS và THPT; chủ trì phối hợp tổ chức 10 cuộc tuyên truyền, phổ biến về các quy định cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống,…cho hơn 2000 người dân tại các bản vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới trên địa bàn; cấp phát miễn phí 10.000 tờ gấp pháp luật bằng tiếng Kinh và tiếng Mông về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

b-1671789637.jpg
Tổ chức cho người dân ký cam kết không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Một trong những cách làm mới, điển hình hiện nay cũng đã được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện và nhận được sự hưởng ứng của các Cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con Nhân dân trên địa bàn, đó là: Tổ chức cho người dân ký cam kết, với nội dung “Không vi phạm tảo hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình”.

Theo đó, UBND huyện giao Phòng Tư pháp – cơ quan thường trực Hội đồng, đã chủ trì soạn thảo, xây dựng nội dung bản cam kết. Nội dung bản cam kết gồm 03 (ba) phần chính: 1. Trích dẫn khái niệm, tác hại (hệ lụy) của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các quy định pháp luật xử lý vi phạm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; 2. Nội dung cam kết của hộ gia đình về triển khai các biện pháp phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết; 3. Ký xác nhận của chủ hộ gia đình và đại diện Ban quản lý, Chủ tịch UBND xã. Bản cam kết được in bằng bìa màu hồng, nhằm đảm bảo sự sinh động, rõ nét về mặt câu chữ, bảo quản được trong thời gian khá dài, giúp người tiếp cận nhìn và đọc dễ dàng. Đặc biệt, bản cam kết sau khi hoàn thành việc ký của các chủ thể: đại điện chủ hộ, Ban quản lý bản, Chủ tịch UBND xã và đóng dấu xác nhận của UBND xã, sẽ được giao cho các hộ gia đình để dán tại nhà, dưới sự phối hợp hướng dẫn, giám sát của Ban quản lý bản và công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã.

c-1671789664.jpg
Tổ chức ra mắt mô hình Bản làng không tảo hôn

Cùng với đó, nhằm giúp chính quyền địa phương các đơn vị, tiếp cận và hình dung được cách thức, hình thức triển khai thực hiện, UBND huyện chỉ đạo tổ chức điểm tại 01 (một) bản/01 (một) xã, sau đó tiếp tục hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nhân rộng tại các bản thuộc phạm vi xã quản lý. Tính riêng trong 09 tháng đầu năm 2022, Phòng Tư pháp đã chủ trì tham mưu phối hợp tổ chức điểm tại 10 bản của 10 xã có tỷ lệ tảo hôn cao: Nậm Cắn, Nậm Càn, Tây Sơn, Bắc Lý, Tà Cạ, Mường Lống, Đoọc Mạy, Huồi Tụ, Mường Típ, Na Ngoi, với tổng số có gần 1.500 hộ gia đình đã tham gia ký cam kết “không vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Tại các điểm bản đã tổ chức ký cam kết, sau khi thảo luận, tham gia ý kiến và được giải đáp hợp tình, hợp lý một số khó khăn vướng mắc, đại diện các hộ gia đình đã đồng ý và tự nguyện ký vào bản cam kết dưới sự chứng giám của đại diện Phòng Tư pháp, Ban quản lý bản, chính quyền địa phương và các đoàn thể cấp xã.

Ngoài ra, nhằm mục đích đa dạng về hình thức, phương thức và các kênh tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện, UBND huyện cũng đã chỉ đạo triển khai, xây dựng và nhân rộng mô hình, CLB “Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” và “Bản làng không tảo hôn” tại các địa phương trên địa bàn, chủ yếu được xây dựng tại các bản. Đến nay, các xã: Nậm Cắn, Tây Sơn, và Bắc Lý và Tà Cạ,…đã tổ chức ra mắt mô hình, câu lạc bộ tại địa bàn xã; Chỉ đạo chuyên môn tích cực hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện lồng ghép đưa nội dung phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong xây dựng Hương ước, Quy ước của bản. Đến nay, 180/191 bản đã hoàn thành việc xây dựng Hương ước, Quy ước của bản.

Nhìn chung, công tác quản lý, ngăn chặn, phòng tránh tảo hôn và hôn nhân cận huyết là nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, sự vào cuộc của các ngành, các cấp là rất cần thiết, đặc biệt, việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong hôn nhân, cần được triển khai thường xuyên. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân, gia đình, từng bước giảm thiểu và đi đến đẩy lùi nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao chất lượng dân số và chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó, cần tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình và cách làm hay, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù địa phương./.

Theo Moong Văn Vũ - kyson.nghean.gov.vn