ttt-1689322991.jpeg
 

Sáng nay (14/7), Toà án Nhân dân Tp.Hà Nội tiến hành xét xử vụ án lộ đề thi môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phạm Thị My (60 tuổi) và Bùi Văn Sâm (74 tuổi) đều là nguyên giáo viên Khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Hà Nội vì động cơ cá nhân, làm trái công vụ, dẫn đến thiếu tính công bằng, minh bạch trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, gây bức xúc dư luận.

Các cá nhân liên quan như ông Phan Khắc Nghệ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh; ông Sái Công Hồng - nguyên Phó Cục trưởng Cục QLCL (hiện là Phó Vụ trưởng Vụ THPT); Đỗ Thế Chuẩn - Cán bộ trung tâm Khảo thí quốc gia vắng mặt tại phiên xét xử.

Về việc vắng mặt một số người liên quan và làm chứng phía Việm kiểm sát cho biết không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án và đã lấy đầy đủ lời khai trong khi điều tra.

Phạm tội ở tuổi 74 đứng trước Hội đồng xét xử (HĐXX) ông Bùi Văn Sâm nhận những hành vi trong bản cáo trạng đã nêu, bị cáo Sâm cho biết mặc dù đã nghỉ hưu nhưng được Bộ GD&ĐT tín nhiệm, động viên tham gia biên soạn đề thi từ năm 2016 đến năm 2021 (không tham gia năm 2019).

“Tôi chưa được cầm, nhìn quyết định làm tổ trưởng chỉ được gọi điện thoại để đến tham gia. Năm 2021 thì được phổ biến làm tổ trưởng và làm các nhiệm vụ của chức vụ này những không thấy quyết định”, ông Bùi Văn Sâm khai.

Trong 5 đợt xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi do Bộ GD&ĐT tổ chức ở năm 2021, bị cáo Sâm khai các thành viên ở xa thì được ở lại khách sạn, nhưng “tôi ở gần nên không có tiêu chuẩn ở lại. Tôi làm vì đam mê thôi chứ tiền chế độ chỉ đủ đi taxi”, ông Sâm cho biết.

87-1689323014.jpeg
Phạm Thị My (60 tuổi) và Bùi Văn Sâm (74 tuổi) tại phiên toà xét xử.

Sau đợt 1, đợt 2 bị cáo My đưa 3 lần mỗi lần 1 tài liệu tại nhà riêng ông Sâm là những ý tưởng viết thành câu hỏi cụ thể và có tham khảo ý kiến người khác. Sau khi nhận ông Sâm chỉnh sửa và bị cáo My ghi ý kiến của ông Sâm để chỉnh sửa.

Bị cáo Sâm khai không nhớ mình đã soạn thảo bao nhiêu câu hỏi, chỉ biết tại bản 3 ông Sâm đã loại ra 2 câu ( 1 câu giống ý tưởng ông Phan Khắc Nghệ, 1 câu quá khó nên bị loại).

“Tôi không biết máy tính, việc xếp thứ tự không phải do bị cáo làm. Tôi không chủ động sắp xếp đề thi, không mục đích kinh tế, chính trị, tôi chỉ là ông giáo già, chỉ muốn kỳ thi có chất lượng tốt nhất”, ông Sâm nghẹn ngào khai trước HĐXX.

Khi được hỏi về bất thường đề thi chính thức, ông Sâm trình bày không có suy nghĩ gì mà chỉ mong muốn câu hỏi của mình soạn thảo được chọn.

Cùng với đó, bị cáo Sâm khai nhận cũng đã sử dụng nội dung ngân hàng câu hỏi đã soạn để ôn thi cho các cháu, “mục đích là vì mình là ông giúp cháu tận tâm và tôi không biết hành động đó là vi phạm pháp luật”, bị cáo Sâm cho hay.

Trong quá trình dạy, ông Sâm không được trả công mà chỉ nhận 1 hộp sâm Hàn Quốc là quà cảm ơn tình cảm.

Trước HĐXX ông Sâm nhận thức được những hành vi của mình, khai báo thành khẩn và trong quá trình công tác chưa sai phạm điều gì, người giáo viên già hơn 50 công hiến nhận đây là bài học “xương máu” của mình.

Do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2021 được tổ chức thành 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 6-9/7/2021; đợt 2 từ ngày 5-7/8/2021.

Hết đợt 1, báo chí đã phản ánh về nghi vấn lộ đề thi môn Sinh học do đề ôn tập trên mạng internet có tỷ lệ giống đến 80% đề thi chính thức.

Sau khi cơ quan điều tra vào cuộc xác minh phát hiện bị cáo Sâm trong quá trình là tổ trưởng và My là tổ phó được phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và Hội đồng ra đề thi môn Sinh học do biết được phần mềm rút câu hỏi không phải ngẫu nhiên nên 2 bị cáo đã lợi dụng chức vụ được giao để mang tài liệu về nhà biên soạn thành câu hỏi.

Cả 2 sắp xếp câu hỏi vào các vị trí để được rút ra làm nguồn đề thi chính thức và định hướng chọn các tổ hợp câu hỏi do mình biên soạn để xây dựng thành đề thi chính thức. Sau đó, hai người này dùng câu hỏi trên để giảng dạy, ôn thi cho 8 học sinh lớp 12.

Theo Nguyễn Hoa Trà - nguoiduatin.vn