Xây dựng câu lạc bộ văn hóa dân gian vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hoạt động nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại các địa phương. Qua đó, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào. Đồng thời, tăng cường mối đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay.

t-1686809531.jpg
Nghệ nhân Lương Thị Phiên biểu diễn tại Lễ ra mắt CLB văn hóa dân gian dân tộc Thái huyện Quỳ Hợp tại xã Châu Cường.

Tăng về số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động

Trên địa bàn huyện Quỳ Hợp hiện có 16 CLB văn hóa dân gian được thành lập, trong đó có 2 CLB cấp tỉnh, 1 CLB cấp huyện và 13 CLB cấp xã với tổng số hơn 500 hội viên. Các câu lạc bộ hoạt động tích cực như CLB văn nghệ dân gian dân tộc Thổ xóm Đột Vả, xóm Mo Mới, xã Nghĩa Xuân, câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái huyện Quỳ Hợp tại xã Châu Cường…

Nghệ nhân Lương Thị Phiên, chủ nhiệm CLB văn hóa dân gian dân tộc Thái huyện Quỳ Hợp tại xã Châu Cường cho biết: “CLB của chúng tôi được thành lập trên cơ sở từ Câu lạc bộ Suối lăm nhuôn thành lập từ năm 2012 với 9 thành viên tham gia. Hiện câu lạc bộ có 30 hội viên, là những người có năng khiếu, say mê và tâm huyết với bản sắc âm nhạc truyền thống dân tộc Thái. Trong những năm qua, Câu lạc bộ chúng tôi đã tích cực nghiên cứu, sưu tầm, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, dân tộc, biểu diễn các tác phẩm dân ca dân tộc Thái, đồng thời đẩy mạnh phong trào hát dân ca, diễn xướng cồng chiêng, hát các làn điệu theo lời mới dân tộc Thái trong các tầng lớp nhân dân nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc, tạo những sân chơi lành mạnh bổ ích cho nhân dân, hạn chế tình trạng mai một, mất bản sắc văn hóa”.

“Cháu năm nay 18 tuổi, từ nhỏ cháu đã được nghe bà, mẹ hát ru và cháu rất thích hát dạ ời, tập tính tập tang của dân tộc mình nên cháu đã xin tham gia vào CLB. “Được tham gia với mọi người cháu rất vui, cảm thấy rất ý nghĩa và càng thêm yêu gia đình, quê hương, yêu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”, cháu Trương Thị Anh, CLB dân gian dân tộc Thổ xóm Đột Vả, xã Nghĩa Xuân chia sẻ thêm.

Với những giá trị văn hóa rất độc đáo, các câu lạc bộ không chỉ là một “kênh” nâng cao văn hóa tinh thần lành mạnh cho người dân, mà còn góp phần quan trọng trong việc duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt đối với thanh niên dân tộc thiểu số.

p-1686809562.jpg
Một buổi sinh hoạt của CLB văn hóa dân gian dân tộc Thổ xóm Đột vả, xã Nghĩa Xuân (đã được công nhận là CLB cấp tỉnh).

Hoạt động sôi nổi với sự quan tâm của các cấp, các ngành

Các CLB văn hóa dân gian đã tích cực tham gia biểu diễn ở nhiều hội nghị, sự kiện do các cấp tổ chức và các chương trình giao lưu nghệ thuật, chương trình giao lưu giữa các câu lạc bộ. Có được những kết quả trên là sự nỗ lực của các cấp, ngành, sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc.

pp-1686809589.jpg
Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái bản Mường Choọng biểu diễn tại Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Mường Choọng

Ông Hà Huy Nhâm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao và truyền thông Quỳ Hợp cho biết: “Để thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy các câu lạc bộ văn hóa dân gian các dân tộc trên địa bàn huyện, Trung tâm đã tích cực thực hiện các văn bản của cấp trên về xây dựng các câu lạc bộ văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 25/10/2021 và Đề án thu hút đầu tư, khai thác du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số huyện Quỳ Hợp giai đoạn 2021-2015, tầm nhìn đến 2030 và phối hợp với các đơn vị liên quan ở huyện xây dựng kế hoạch thực hiện với lộ trình cụ thể. Hàng năm ngành văn hóa huyện còn tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các nghệ nhân trong huyện tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ theo từng chủ đề, sự kiện; cử cán bộ hỗ trợ các tổ, đội, CLB văn nghệ bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về kỹ năng biểu diễn…”.

ty-1686809614.jpg
Các thành viên ở các CLB tích cực tham gia biểu diễn tại sự kiện lớn của huyện.

Xây dựng và nhân rộng CLB văn hóa dân gian vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian tới, để các CLB văn hóa dân gian hoạt động hiệu quả hơn nữa, Quỳ Hợp cần tập trung xây dựng, tổ chức các CLB văn hóa dân gian phải có các giải pháp đồng bộ, toàn diện, đảm bảo tính khả thi như: có các chính sách khuyến khích, mở rộng thành viên câu lạc bộ, ưu tiên phát triển các hạt nhân trẻ tuổi. Bên cạnh việc bảo tồn, sưu tầm cần tích cực hơn nữa trong việc truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc. Các địa phương chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nghệ nhân, hướng đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo môi trường văn hóa, không gian văn hóa phù hợp để đồng bào các dân tộc thường xuyên được giao lưu, trình diễn văn hóa truyền thống trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu văn hóa trong từng cộng đồng hoặc giữa các cộng đồng dân tộc với nhau.

Đồng thời, lựa chọn nghiên cứu, bảo tồn phát huy những loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số phải gắn với phát triển du lịch có giá trị tiêu biểu, đặc sắc và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm văn hóa cộng đồng; Chăm lo phát triển kinh tế vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Với sự chủ động, tích cực của các cấp, các ngành và sự chung sức của người dân, những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc sẽ ngày càng lan tỏa, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Nghệ.

Theo Trâm Anh - truyenhinhnghean.vn