Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu tập trung các nguồn lực để xây dựng các điều kiện dạy học tác động trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu học tập tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2030. Đồng thời, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, trách nhiệm chủ trì, phối hợp thực hiện của các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 27/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tế địa phương, đơn vị.

Mục tiêu của Kế hoạch là đến năm 2025, tổ chức giảng dạy tiếng Mông, tiếng Thái trong Chương trình môn học tiếng dân tộc thiểu số tại các trường tiểu học có học sinh dân tộc Mông, dân tộc Thái học tập trên địa bàn tỉnh. Cơ bản đảm bảo đủ số giáo viên dạy tiếng Mông, tiếng Thái, trong đó, 45% giáo viên có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng nâng cao năng lực; đảm bảo đủ sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng Mông, tiếng Thái bậc tiểu học.

Đến năm 2030, tổ chức giảng dạy tiếng Mông, tiếng Thái trong Chương trình môn học tiếng dân tộc thiểu số tại các trường trung học có học sinh dân tộc Mông, dân tộc Thái học tập trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đạt 100% giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số có trình độ chuẩn được đào tạo; 100% cán bộ quản lý giáo dục có liên quan về dạy học tiếng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng nâng cao năng lực; đảm bảo đủ sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng Mông, tiếng Thái bậc trung học.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp:  Tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng dân tộc thiểu số; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ dạy tiếng dân tộc thiểu số; nghiên cứu, xem xét đề xuất chế độ chính sách đối với người dạy và người học tiếng dân tộc thiểu số tại địa phương; rà soát, đánh giá, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về dạy học tiếng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dạy học tiếng dân tộc thiểu số.

Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở: GD&ĐT, Tài chính, VH&TT, Ban Dân tộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và Miền núi. Trong đó, giao các địa phương vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và Miền núi xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai dạy học tiếng Thái, tiếng Mông trong các cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng nhu cầu học của học sinh và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo quy định; xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo dạy tiếng Thái, tiếng Mông đạt chuẩn về trình độ đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy học tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Năm học 2022 – 2025: Khảo sát, triển khai Chương trình, sách giáo khoa tiếng Mông lớp 1 ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong.

Năm học 2024 – 2025: Khảo sát, triển khai Chương trình, sách giáo khoa tiếng Thái lớp 1 ở các huyện có học sinh dân tộc Thái học tập.

Năm học 2027 – 2028: Triển khai Chương trình, sách giáo khoa tiếng Mông lớp 6 bậc THCS.

Đối với các khối lớp còn lại, việc triển khai dạy học tiếng dân tộc thiểu số được thực hiện theo Chương trình và sách giáo khoa hiện hành.