Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh
Việc thực hiện Đề án này nhằm đạt mục tiêu chung là hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, các sản phẩm có giá trị, có lợi thế cạnh tranh của từng địa phương. Phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng nội địa và hướng tới xuất khẩu; tổ chức sản xuất tạo ra sản phẩm được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của thị trường; xây dựng Nghệ An trở thành địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, bền vững.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 – 2,0% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp toàn tỉnh. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1,0 – 1,5% tổng diện tích đất trồng trọt với các loại cây trồng chính gồm lúa, rau củ quả, mía, lạc, cây ăn quả, chè, dược liệu... Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1,5 – 2,0% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong tỉnh. Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,35 - 1,0% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản với các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế như tôm, cá, lươn, rươi, ốc bươu đen... Diện tích sản xuất muối dinh dưỡng hữu cơ đạt khoảng 2,0 - 3,0% tổng diện tích sản xuất muối dinh dưỡng toàn tỉnh.
Đến năm 2030, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5 - 3,0% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp toàn tỉnh. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2,0% tổng diện tích đất trồng trọt với các loại cây trồng chính như lúa, rau củ quả, mía, lạc, cây ăn quả, chè, dược liệu... Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2,0 – 3,0%. Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1,5 – 3,0% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản với các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế như tôm, cá, lươn, rươi, ốc bươu đen... Diện tích sản xuất muối dinh dưỡng hữu cơ đạt khoảng 10% tổng diện tích sản xuất muối dinh dưỡng toàn tỉnh.
Thu hút đầu tư xây dựng 01 điểm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại mỗi địa phương
08 nhiệm vụ chủ yếu được UBND tỉnh đặt ra để đạt được các mục tiêu trên gồm: Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực; phát triển cơ sở chế biến; phát triển thị trường tiêu thụ; phát triển các vật tư đầu vào phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ; thực hiện các nhiệm vụ, mô hình, dự án ưu tiên.
Trong đó, ưu tiên sử dụng các vùng có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi để sản xuất hữu cơ; lựa chọn loại cây trồng, vật nuôi và giống cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, chống chịu sâu bệnh và có thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Hình thành vùng sản xuất các sản phẩm bản địa, đặc trưng có tiềm năng để xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm để đầu tư sản xuất hữu cơ.
Đối với vùng trồng trọt hữu cơ: Xác định các vùng sản xuất hữu cơ phù hợp với các sản phẩm chủ lực của tỉnh như lúa, rau củ quả, cây ăn quả, chè, mía... có kế hoạch chuyển đổi các vùng đang sản xuất các sản phẩm này sang sản xuất hữu cơ. Cụ thể, năm 2025, vùng lúa hữu cơ đạt diện tích 450 ha; vùng rau củ quả hữu cơ đạt diện tích 450 ha; vùng lạc hữu cơ đạt diện tích 20 ha; vùng mía hữu cơ đạt diện tích 80 ha; vùng cây ăn quả hữu cơ đạt diện tích 350 ha với các loại cây ăn quả chính như cam, bưởi, quýt, chanh, chuối, dứa, ổi, mận Tam hoa, xoài...; vùng chè hữu cơ đạt diện tích 100 ha; vùng dược liệu và lâm sản ngoài gỗ hữu cơ đạt diện tích 450 ha.
Năm 2030, vùng lúa hữu cơ đạt diện tích 2.100 ha; vùng rau củ quả hữu cơ đạt diện tích 1.540 ha; vùng lạc hữu cơ đạt diện tích 200 ha; vùng mía hữu cơ đạt diện tích 700 ha; vùng cây ăn quả hữu cơ đạt diện tích 1.970 ha với các loại cây ăn quả chính như cam, bưởi, quýt, chanh, chuối, dứa, ổi, mận Tam hoa, xoài...; vùng chè hữu cơ đạt diện tích 1.080 ha; vùng dược liệu và lâm sản ngoài gỗ hữu cơ đạt diện tích 1.850 ha.
Đối với vùng chăn nuôi hữu cơ, xây dựng các vùng chăn nuôi hữu cơ với các sản phẩm chính như thịt gia súc, gia cầm, sữa bò, mật ong...; đối với vùng chăn nuôi trâu, bò hữu cơ gắn với vùng đồng cỏ, vùng trồng trọt sản xuất thức ăn thô xanh hữu cơ. Cụ thể, năm 2025, vùng chăn nuôi trâu, bò hữu cơ đạt khoảng 4.500 con; vùng chăn nuôi bò sữa hữu cơ đạt khoảng 1.200 con; vùng chăn nuôi lợn hữu cơ đạt khoảng 15.000 con; vùng chăn nuôi dê hữu cơ đạt khoảng 15.000 con; vùng chăn nuôi gia cầm hữu cơ đạt khoảng 102.000 con; vùng nuôi ong hữu cơ đạt khoảng 2.000 đàn.
Năm 2030, vùng chăn nuôi trâu, bò hữu cơ đạt khoảng 24.000 con; vùng chăn nuôi bò sữa hữu cơ đạt khoảng 1.650 con; vùng chăn nuôi lợn hữu cơ đạt khoảng 65.000 con; vùng chăn nuôi dê hữu cơ đạt khoảng 50.000 con; vùng chăn nuôi gia cầm hữu cơ đạt khoảng 304.000 con; vùng nuôi ong hữu cơ đạt khoảng 4.000 đàn.
Đối với vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ, xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ với các sản phẩm chủ lực như tôm, cá; các loài thủy sản bản địa lươn, rươi, ốc bươu đen... Năm 2025 diện tích nuôi trồng hữu cơ đạt khoảng 90 ha; năm 2030 khoảng 510 ha.
Đối với vùng sản xuất muối dinh dưỡng hữu cơ, năm 2025 diện tích đạt khoảng 10 ha; năm 2030 diện tích khoảng 50 ha.
Đối với vùng sản xuất, khai thác sản phẩm từ tự nhiên, xây dựng và phát triển vùng sản xuất hữu cơ được chứng nhận từ các vùng sản xuất, khai thác sản phẩm tự nhiên (rừng tự nhiên, ao hồ, sông suối tự nhiên).
Các địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng; áp dụng truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Mỗi địa phương thu hút đầu tư xây dựng 01 điểm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của địa phương (kết hợp với các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương)...
Đồng thời, thực hiện các mô hình, dự án ưu tiên gồm: Hỗ trợ phân tích mẫu đất, nước, không khí vùng sản xuất hữu cơ; hỗ trợ giống cây ăn quả hữu cơ; hỗ trợ giống rau củ quả hữu cơ; hỗ trợ giống lạc hữu cơ; hỗ trợ giống cây dược liệu hữu cơ; hỗ trợ nuôi trồng thủy sản hữu cơ; hỗ trợ làm đất trồng mới cây ăn quả; hỗ trợ nuôi ong hữu cơ; xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ (lựa chọn 03 mô hình/huyện); hỗ trợ đầu tư các cơ sở bảo quản, sơ chế, đóng gói, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (mỗi huyện, thị 01 cơ sở). Hỗ trợ đào tạo nghề; chứng nhận tiêu chuẩn; xây dựng nhãn hiệu sản phẩm; tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ...
Xây dựng và nhân rộng mô hình điểm nông nghiệp hữu cơ
Đề án đưa ra 7 giải pháp thực hiện bao gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về nông nghiệp hữu cơ; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ; thúc đẩy nghiên cứu, áp dụng khoa học, kỹ thuật – công nghệ; xây dựng và nhân rộng mô hình điểm nông nghiệp hữu cơ; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất; liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm.
Trong đó, hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học, tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ kinh phí xây dựng quy trình sản xuất hữu cơ trên các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản, sản xuất muối hữu cơ. Tạo điều kiện phát huy bảo tồn, phục tráng phát triển các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, đặc hữu, có lợi thế so sánh và giá trị kinh tế cao của địa phương như gà đen, lợn mông, vịt bầu quỳ, lúa thảo dược, chè hoa vàng… gắn với chuỗi giá trị nhằm cung cấp nguồn giống cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ.../.