Dù vướng Chỉ thị số 13-CT/TW nhưng mới đây, Thủy điện Khe Thơi (Nghệ An) vẫn chuyển đổi được gần 20ha đất rừng tự nhiện để thực hiện dự án.
Ngày 4/9, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có văn bản đồng ý chủ trương chuyển 19,7 ha rừng tự nhiên sang mục đích khác để thực hiện dự án thủy điện Khe Thơi, huyện Con Cuông (Nghệ An). Hiện, UBND tỉnh Nghệ An đang giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành và địa phương, tham mưu về việc chuyển mục đích rừng tự nhiên sang mục đích khác.
Cũng theo lãnh đạo Công ty cổ phần Thủy điện Khe Thơi, đơn vị đang hoàn tất, cung cấp các hồ sơ liên quan cho các Sở ngành về vấn đề này. Dự án vào cuối tháng 10, dự án nhà máy thủy điện Khe Thơi sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.
Văn bản đồng ý chủ trương chuyển 19,7 ha rừng tự nhiên sang mục đích khác để thực hiện dự án thủy điện Khe Thơi, huyện Con Cuông (Nghệ An)
Trước đó, Dự án Nhà máy Thủy điện Khe Thơi, tại xã Lạng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) do Công ty CP Thủy điện Khe Thơi (thuộc Công ty Cổ phần 473), số 7, Nguyễn Cảnh Hoan, TP. Vinh làm chủ đầu tư. Nhà máy Thủy điện Khe Thơi có công suất phát điện 12 MW, tổng diện tích đất chiếm là 82 ha, trong đó gần 38 ha rừng tự nhiên. Công trình được khởi công tháng 11/2015.
Dự án thủy điện Khe Thơi được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 144/QĐ-UBND ngày 10/1/2017. Được HĐND tỉnh thông qua, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo tinh thần của Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 20/12/2017.
Sau 4 năm thi công, dự án đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng (chi 365/397 tỷ đồng) và dự kiến phát điện vào tháng 9/2019. Tuy nhiên, do vướng thủ tục liên quan đến chuyển đổi đất rừng (Phần hồ thủy điện có 19,7 ha ảnh hưởng đến phần diện tích rừng tự nhiên) nên nhà máy chưa thể tích nước và phát điện lên hệ thống.
Do vướng Chỉ thị 13/CT/TW của Ban Bí thư nên Công ty Cổ phần 473 phải tính toán đến việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần để cứu lấy mình trong thời điểm dự án bị mặc kẹt.
Vì vậy, đầu năm 2020, Công ty Cổ phần 473 đành phải chấp nhận bán “đứa con” Nhà máy Thủy điện Khe Thơi mà mình “nuôi dưỡng” suốt nhiều năm qua trong ngậm ngùi cho 1 đối tác khác. Tuy nhiên, chỉ sau 1 thời gian ngắn, sau khi tái cấu trúc cổ đông của Công ty Cồ phần Thủy điện Khe Thơi thì đơn vị này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương về việc chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang mục đích khác để thực hiện dự án.