Kẻ bắt nạt hay những 'đại ca' trong lớp học
Mới đây, em N.T.Y.N (SN 2007, học sinh lớp 10A15, Trường THPT Chuyên Đại học Vinh) đã tự tử tại nhà riêng.
Ngay sau đó, trên mạng xã hội xuất hiện bài viết của một tài khoản Facebook tự nhận là người thân của nữ sinh N.T.Y.N. đăng tải thông tin với nội dung ‘gia đình mất con, chúng tôi mất cháu. Đứa trẻ mạnh mẽ, ngoan ngoãn, xinh đẹp biết bao nhiêu… cuối cùng lại bị tổn thương bởi xã hội và chính xác là bạo lực học đường’.
Người đăng tải bài viết cho biết, nữ sinh N học lực tốt nhưng bỗng dưng bỏ học, nói với mẹ 'con sợ đi học, sợ đến trường. Người mẹ tìm hiểu mới biết con là nạn nhân của bạo lực học đường.
Hiện Công an tỉnh Nghệ An và Công an TP Vinh đã làm việc với Trường THPT Chuyên Đại học Vinh để làm rõ sự việc trên.
Đáng buồn, sự việc đau lòng trên không phải chuyện hiếm gặp. Bạo lực học đường đã xảy ra từ nhiều năm nay, là tình trạng đáng báo động trong trường học. Có không ít nạn nhân đang ngồi trên ghế nhà trường đã phải tự vẫn vì bị bạo lực học đường.
Chia sẻ quan điểm về sự việc trên, chị Lê Thu Hằng, phụ huynh đang có con học tại một trường THPT ở Hà Nội bày tỏ, hầu như ở trường nào lớp nào, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những học sinh cá biệt, được coi là ‘đại ca” trong lớp học hay còn gọi là ‘kẻ chuyên đi bắt nạt’. Đối tượng này thường kéo bè kết phái trong lớp, đe dọa, lấy đồ ăn, đồ dùng học tập thậm chí còn cô lập và có hành vi bạo lực với những học sinh khác mà chúng cảm thấy ‘ngứa mắt’.
‘Trong những năm học cấp 2 con gái tôi thường xuyên phải nhịn ăn sáng do đồ ăn của cháu bị bạn cùng lớp lấy mất. Cháu luôn thu mình lại, ít cười đùa, không dám xung phong lên bảng, không mặc đồ mới đến lớp vì sợ bị bạn lườm nguýt, dè bỉu làm hư hỏng đồ của mình, lúc nào đến trường cũng trong trạng thái nơm nớp, sợ hãi.
Mặc dù vậy, con tôi không dám chia sẻ điều này với cô, với bố mẹ vì sợ bị bạn trả thù. Tôi chỉ biết được điều này khi tình cờ đọc được nhật ký của cháu. Tôi đã vô cùng đau đớn, giận dữ và quyết định chuyển trường cho con ngay lập tức’ – chị Hằng bức xúc.
Làm nhục người khác có thể phải ngồi tù tới 5 năm
Có thể nói, bạo lực học đường đã trở thành vấn nạn trong các nhà trường, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, danh dự của nhà giáo và học sinh. Không ít trẻ đã bị bạn cùng lớp, cùng trường đánh hội đồng, bị cắt tóc, xé áo ngay giữa đường rồi bị quay clip đăng lên mạng để làm nhục.
Về chế tài xử lý đối với hành vi này, Khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP nêu rõ, bạo lực học đường là việc thực hiện các hành vi lăng mạ, xúc phạm, hành hạ, ngược đãi, cô lập, xua đuổi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe người học…
Theo BLHS 2015, hành vi lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học được xác định là hành vi làm nhục người khác. Điều 155 quy định, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Phạm tội gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 2-5 năm - luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Bạo lực học đường có thể diễn ra giữa các đối tượng khác nhau như học sinh với học sinh, thầy cô với học sinh,… Song, bạo lực học đường diễn ra giữa các học sinh với nhau chiếm đa số, trong đó gồm cả những học sinh chưa thành niên (dưới 18 tuổi).
Theo Điều 12 BLHS 2015, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Trong đó, với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù điều luật quy định; Người từ đủ 14 -dưới 16 tuổi, mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù điều luật quy định.
Theo Huệ Linh - anninhthudo.vn