f-1681960731.jpg
Đại diện trường Đại học Vinh thông tin với báo chí về vụ một nữ sinh của trường tự tử. Ảnh: Hải Đăng

Dư luận xôn xao về thông tin liên quan sự việc em N.T.Y.N (17 tuổi), lớp 10A15 trường THPT chuyên Đại học Vinh tự tử do những áp lực nảy sinh trong quá trình học tập.

Sự việc đang được công an điều tra và cô giáo Đặng Việt Hà - chủ nhiệm lớp 10A15 của em Y.N bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.

Trước thông tin nói trên, bên cạnh luồng ý kiến yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cô giáo và xử lý theo quy định, có nhiều ý kiến chia sẻ, thông cảm với cô, về những vất vả, áp lực của giáo viên chủ nhiệm trong nhà trường.

“Năm nào tôi cũng lên xin thầy Hiệu trưởng nghỉ công tác chủ nhiệm. Làm chủ nhiệm được giảm mỗi tuần 3 tiết dạy nhưng tính lại công việc lại vất vả hơn bội phần, phải thường xuyên bám lớp, tổ chức các hoạt động tập thể và quá nhiều công việc không tên khác”- cô Trần Thị Hà - giáo viên trường THPT Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) chia sẻ.

Tuy nhiên, theo cô Hà, đó chưa phải là áp lực lớn nhất của giáo viên chủ nhiệm, mà là công việc liên quan đến vận động, thu các khoản tiền xã hội hóa, học phí, tiền thu hộ... từ phụ huynh học sinh. Bên cạnh những phụ huynh đồng thuận, có phụ huynh phản đối, một số người nộp chậm, nộp thiếu.

“Cứ loay hoay với tiền nong, cộng trừ, tính toán, lo thu thiếu, thu hụt, rất áp lực”- cô Hà chia sẻ.

Đặc biệt, theo nhiều giáo viên, khi trong lớp xuất hiện những học sinh chưa ngoan, cá biệt, bỏ học, đánh nhau, chia bè kéo cánh, tham gia hút thuốc lá điện tử, quậy phá... thì giáo viên chủ nhiệm rất vất vả. Thường các em học kém lại hay nghịch, hạnh kiểm yếu, do đó chủ nhiệm các lớp này bội phần cơ cực.

"Khi học sinh giỏi, ngoan là thành tích chung của nhà trường, gia đình, nhưng khi có vấn đề thì người đầu tiên bị truy trách nhiệm là giáo viên chủ nhiệm”- cô Đặng Thanh Hương (Nghệ An) chia sẻ.

Cô Nguyễn Thúy Hường (Hà Nội) giãi bày: "Ai làm giáo viên chủ nhiệm mới hiểu được, hơn hai mươi năm đi dạy tôi chỉ ước được nghỉ làm chủ nhiệm dù chỉ là nghỉ trong một năm thôi mà không bao giờ được.

Nhìn đồng nghiệp không làm chủ nhiệm thì đúng giờ dạy vào lớp, hết giờ dạy ra về, họ không phải làm nhiều việc khác liên quan thủ tục hành chính và học sinh... Nhận được tiếng cảm thông chia sẻ thì ít, mà trách móc yêu cầu lại nhiều. Có nhiều hôm gọi điện cho phụ huynh cả mấy tiếng đồng hồ, học sinh có chuyện không may cô phờ phạc theo gia đình các cháu".

Thầy Cao Xuân Hải (Thanh Hóa) cho biết, hơn 20 năm đi dạy, thầy đã gặp một số học sinh có dấu hiệu trầm cảm. Suốt ngày gọi điện, nhắn tin bạn này dọa đánh, bạn kia kỳ thị, bạn nọ ghen tức, .... kỳ thực không có ai làm gì các bạn ấy cả. Khi phát hiện khác thường, thầy đã trao đổi kịp thời với phụ huynh nên không có sự việc đáng tiếc xảy ra.

“Làm công tác chủ nhiệm nếu không sát sao các bạn trẻ tuổi "ẩm ương" dễ mang họa vào thân lắm! Làm cha làm mẹ nếu không sát sao con cái dễ mất con như chơi. Xin chia sẻ với cô Hà trường THPT chuyên Đại học Vinh trong sự việc vừa qua và xin chia buồn cùng gia đình có bạn học sinh đã mất. Mong rằng sự việc sớm qua mau”- thầy Hải chân thành.

Theo Quang Đại - laodong.vn