Như Báo Người Lao Động đã thông tin, gia đình bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, mới nộp thêm 7 tỉ đồng để khắc phục tổng số tiền khoảng 42 tỉ đồng trong số 42,6 tỉ đồng nhận hối lộ trong vụ án "Chuyến bay giải cứu".

ppp-1690339294.jpg
Bị cáo Phạm Trung Kiên tại phiên toà. Ảnh: Nam Anh

Trong bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Hà Nội, cáo buộc Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, là người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án, với 253 lần, tổng số hơn 42 tỉ đồng bằng "thủ đoạn trắng trợn". Do đó, VKSND đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo Kiên.

Vụ án đang trong thời gian nghị án, nhiều bạn đọc băn khoăn về việc bị cáo Kiên khắp phục gần hết số tiền trong vụ án liệu có được giảm án.

Về việc này, luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho biết việc các bị cáo trong các vụ án liên quan đến kinh tế, chức vụ hoặc tham ô, tham nhũng… nộp tiền khắc phục hậu quả để hưởng sự khoan hồng của pháp luật thời gian gần đây trở nên khá phổ biến.

Về các tình tiết giảm nhẹ liên quan đến tội Nhận hối lộ, luật sư Tiền cho biết căn cứ điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự hiện hành, trong trường hợp người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình. 

Bên cạnh đó, khoản 2, Điều 5 Nghị quyết số 03/2020 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ cũng quy định, trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.

Theo luật sư Tiền, trong vụ đại án trên, có thể thấy không chỉ bị cáo Kiên chủ động khắc phục hậu quả, mà cả gia đình, người thân bị cáo cũng chủ động nộp lại số tiền 15 tỉ đồng. Điều này không chỉ thể hiện, bị cáo đã ăn năn, hối cải với hành vi phạm tội của mình, mong muốn khắc phục hậu quả mà còn thể hiện trách nhiệm của gia đình bị cáo với cộng đồng, xã hội.

"Như vậy, với số tiền khắc phục hậu quả của bị cáo Kiên là 42 tỉ đồng, theo quy định của Bộ luật hình sự và các văn bản có liên quan, bị cáo Kiên sẽ không bị áp dụng hình phạt tử hình" - luật sư Tiền phân tích.

Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết thêm hiện nay trên thế giới đã có nhiều quốc gia xem xét, bỏ hình phạt tử hình, đặc biệt là đối với các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, việc quy định các trường hợp không thi hành án tử hình trong Bộ luật hình sự là bảo đảm tính nhân văn của pháp luật hình sự Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo kế hoạch, chiều ngày 28-7, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án đối 54 bị cáo trong vụ "Chuyến bay giải cứu".

Theo Nguyễn Hưởng - nld.com.vn